Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Đã chỉ đạo cắt giảm tối đa chi phí sách giáo khoa

01/06/2022 - 16:04

PNO - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục cắt giảm tối đa chi phí... để giá sách giáo khoa được thấp nhất.

 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình trước Quốc hội về vấn đề tăng học phí và giá sách giáo khoa

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình trước Quốc hội về vấn đề tăng học phí và giá sách giáo khoa

Chiều 1/6, tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã trả lời về vấn đề tăng học phí và tăng giá sách giáo khoa đang được dư luận quan tâm.

Về vấn đề tăng học phí, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, nội dung thu học phí phổ thông, đại học được quy định ở Nghị định 81, có hiệu lực từ năm 2021 nhưng chủ yếu áp dụng ở năm học 2022- 2023. Với bậc học phổ thông, chính quyền tỉnh, thành phố quyết định mức học phí. Nghị định 81 quy định mức thu theo vùng miền, có mức trần, mức sàn và có lộ trình.

Theo đó, các địa phương căn cứ vào tình hình địa phương để quyết mức thu cho phù hợp. Một số địa phương như Hải Phòng đã miễn học phí. Với các trường đại học, tùy mức độ tự chủ, cụ thể, nếu một phần tự chủ hoặc tự chủ chi đầu tư thì không thu học phí quá mức trần. Nếu trường đạt chuẩn quốc gia, quốc tế sẽ được thu theo định mức kinh tế kỹ thuật nhà trường tính toán, quyết định. Đây là quyền tự chủ của các trường đại học.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng chia sẻ, căn cứ tình hình ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và điều kiện kinh tế xã hội, từ năm 2021, Bộ đã nhiều lần gửi công văn đề nghị các địa phương giữ mức học phí, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh và sinh viên. Mới đây nhất, ngày 24/5/2022, Bộ cũng có công văn gửi các địa phương nhắc nhở chỉ đạo thực hiện các khoản thu trong giáo dục và đào tạo nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh. Cụ thể như có thời gian giãn phí, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Việc công khai mức thu cũng là nội dung phải tiến hành giải trình trước xã hội.

Về giá sách giáo khoa, Bộ trường thông tin lại, ngày 28/11/2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, xã hội hóa sách giáo khoa. Theo đó, công việc biên soạn thực hiện theo hình thức xã hội hóa, doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi phát hành.

“Với mong muốn học sinh được mua với giá thấp nhất, từ góc độ quản lý Nhà nước và chuyên môn, Bộ đã chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện nghiêm các biện pháp để xuất bản sách sao cho sách dùng được nhiều lần. Các bộ sách xuất bản mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã làm được điều này”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo Thông tư 33 sửa đổi một số nội dung bằng Thông tư số 05 cũng quy định cấu trúc và nội dung sách giáo khoa phải phù hợp với tiêu chuẩn sách về xuất bản phẩm. Quá trình thẩm định sách, hội dồng đã yêu cầu điều chỉnh các đoạn quá dài, lạm dụng hình ảnh…

“Bộ GD-ĐT nhiều lần ban hành văn bản chỉ đạo Nhà xuất bản giáo dục thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm giảm chi phí trung gian để giảm các chi phí quản lý, bán hàng, chi phí khác... nhằm đảm bảo giá sách giáo khoa được thấp nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết cũng đã chỉ đạo nhà xuất bản thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cung cấp sách giáo khoa cho các đối tượng xã hội, học sinh các vùng và chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục cung cấp cho học sinh bản PDF để tiếp cận được sách ngay sau khi phát hành.

“Một trong các giải pháp quan trọng, căn cơ, Bộ đã và đang kiến nghị Bộ Tài chính đề nghị báo cáo Chính phủ và Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục được Nhà nước định giá. Việc này bộ đã đề xuất từ tháng 9/2021 và bộ vẫn tiếp tục kiên trì kiến nghị này”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nói.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI