Bình Dương áp dụng biện pháp "rất mạnh" để chặn dịch, Đà Nẵng xử nghiêm người trốn khai báo

18/08/2021 - 18:28

PNO - Bên cạnh việc đủ thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19, Bình Dương khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp rất mạnh để ngăn chặn dịch. Tại Đà Nẵng, tính đến chiều 18/8, chuỗi lây nhiễm liên quan đến chợ đầu mối Hòa Cường ghi nhận 364 ca mắc COVID-19. Trước tình hình này, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo tăng cường hơn nữa việc truy vết trên toàn thành phố.

Bình Dương khẳng định sẽ tăng cường
Bình Dương khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp "rất mạnh" để chặn dịch

Ngày 18/8, Bình Dương tổ chức hội nghị trực tuyến giữa các chuyên gia y tế với 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh. 

Đánh giá về tình hình dịch COVID-19 tại Bình Dương hiện nay, TS. Dương Chí Nam cho rằng Bình Dương đang đi đúng hướng khi cố gắng tầm soát xét nghiệm trên diện rộng nhằm phát hiện người mắc COVID-19 trong cộng đồng, từ đó mở rộng "vùng xanh".

TP. Thuận An và TX. Tân Uyên hiện là 2 địa phương có tỉ lệ lây nhiễm đang ở mức rất cao. Cụ thể, Thuận An là 12,7% và Tân Uyên là 3,6%.

Ông Dương Chí Nam đề nghị TP. Thuận An cần được khóa chặt, yêu cầu người dân tạm dừng tất cả hoạt động trong 1 đến 2 tuần và đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng. Đồng thời, chuẩn bị cho tình huống nếu số ca nhiễm COVID-19 quá nhiều sẽ phải cách ly theo dõi tại nhà. Với TX. Tân Uyên, cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16+, đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm.

Tham gia cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - đề nghị hệ thống điều trị của tỉnh Bình Dương, đặc biệt các bệnh viện dã chiến tầng 1 và tầng 2 phải bám sát bệnh nhân, phát hiện sớm các ca chuyển nặng, hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, người dân cần bình tĩnh, không hoang mang đồng thời tin tưởng vào hệ thống chính quyền và ngành y tế.

Cụ thể, theo ông, hệ thống điều trị 3 tầng của Bình Dương đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Việc cung cấp thuốc, vật tư trang thiết bị y tế đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các nhà tài trợ quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho việc điều trị. “Hiện nay, Bình Dương không thiếu thuốc, nhiều vật tư, trang thiết bị y tế tốt nhất đang trên đường đến địa phương” - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Về nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19, trong điều kiện khó khăn về nhân lực y tế, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đề nghị hệ thống điều trị của Bình Dương phải bám sát phác đồ điều trị của Bộ Y tế và tư vấn của Tổ công tác thường trực. Chủ động phân loại sớm người bệnh, rà soát người có thể được ra viện ở tầng 1 để tập trung nhân lực cho tầng 2. “Cho ra viện nhiều hơn ở tầng 1; tập trung nhân lực y tế về một địa điểm, mở rộng tầng 2; liên hệ chặt chẽ với tầng 3” - PGS Nguyễn Lân Hiếu yêu cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định, Bình Dương sẽ thực hiện biện pháp rất mạnh để khống chế dịch trong thời gian sớm nhất. Các ngành và địa phương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của chuyên gia về điều trị, xét nghiệm, kiện toàn củng cố lực lượng để thực hiện hiệu quả công tác “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch.

Tại Đà Nẵng, tính đến chiều 18/8, chuỗi lây nhiễm liên quan đến chợ đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu) ghi nhận 364 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 190 người là tiểu thương, người làm việc tại chợ; 18 người đến chợ và 156 trường hợp F1 và liên quan. Các đơn vị, địa phương đang phối hợp quản lý chặt chẽ những người liên quan để sớm xử lý chuỗi lây nhiễm được đánh giá có nguy cơ rất cao này.

Trước tình hình vẫn diễn biến phức tạp, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - chỉ đạo tất cả các quận huyện khẩn trương thông báo, phát phiếu khảo sát đến từng hộ dân để tìm tất cả các trường hợp có liên quan đến chợ đầu mối Hòa Cường và cảng cá Thọ Quang; tổ chức ngay việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và triển khai các biện pháp giám sát, can thiệp y tế phù hợp; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không khai báo.

Ông Chinh cũng yêu cầu tiếp tục chỉ đạo khắc phục một số tồn tại trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo đúng quy trình theo quy định của Bộ Y tế, không để bỏ sót đối tượng cần được xét nghiệm tại cộng đồng.

Chuỗi lây nhiễm từ chợ đầu mối Hòa Cường đang lan rộng khắp các quận huyện của Đà Nẵng
Chuỗi lây nhiễm từ chợ đầu mối Hòa Cường đang lan rộng khắp các quận, huyện của TP. Đà Nẵng

Chuỗi lây nhiễm từ chợ đầu mối Hòa Cường hiện là chuỗi phức tạp và nguy cơ cao ở Đà Nẵng. Trước đó, ngày 17/8, trong số 84 ca mắc thì có 2 tiểu thương ở chợ này đang sinh sống trên địa bàn phường Nam Dương (quận Hải Châu) đã được địa phương quản lý chặt chẽ từ cách đây 2 tuần, nhiều lần lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2, nhưng đến ngày 17/8 mới xác định dương tính.

Theo UBND quận Hải Châu, quận tiếp tục rà soát và gửi danh sách tiểu thương chợ đầu mối Hòa Cường, người khuân vác hoạt động tại chợ và tiểu thương các chợ trên địa bàn quận có mua hàng tại chợ đầu mối Hòa Cường về các địa phương để quản lý, giám sát, triển khai xét nghiệm...

Còn Trưởng Ban quản lý các chợ quận Cẩm Lệ, ông Đoàn Văn Hòa cho biết, từ ngày 5/8 đến 11/8, có khoảng 220 tiểu thương tại các chợ trên địa bàn quận Cẩm Lệ có giao dịch tại chợ đầu mối Hòa Cường và đều đã được xét nghiệm vào ngày 12/8 cho kết quả âm tính.

Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm tại các tổ dân phố từ ngày 16/8 đến nay, đã có 2 trường hợp là tiểu thương tại chợ Hòa Xuân (có đến chợ đầu mối Hòa Cường) dương tính với SARS-CoV-2.

Đơn vị đang phối hợp khoanh vùng, tăng cường tuyên truyền và thông báo cho các tiểu thương của các chợ trên địa bàn quận. Những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc có tiếp xúc với những người đã xác định dương tính với SARS-CoV-2 tại chợ đầu mối Hòa Cường cần nhanh chóng liên hệ với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

H.Anh - Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI