Bi kịch Anna Karenina và khát vọng được giải phóng

01/01/2023 - 16:05

PNO - Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Lev Tolstoy, bộ phim "Anna Karenina" của đạo diễn Joe Wright kể về cuộc đời một phụ nữ vừa đáng thương lại vừa đáng trách khi rời bỏ chồng để đến bên người tình. Đến nay, sự đấu tranh cho tình yêu của nàng vẫn còn nhiều tranh cãi.

Người đàn bà không hạnh phú

Dù ở đâu vào thời kỳ nữ quyền chưa lên ngôi, rất ít phụ nữ có được hạnh phúc trong hôn nhân. Trong bối cảnh châu Âu thế kỷ XIX, Anna (Keira Knightley) cũng chịu số phận chua xót như vậy. Đang trong độ tuổi thanh xuân phơi phới, nàng phải kết hôn với người đàn ông hơn mình rất nhiều tuổi, một người mình không hề yêu, một người cứng nhắc và chẳng hề lãng mạn. Cuộc hôn nhân ấy được sắp xếp bởi người cô ham tiền và địa vị, không màng đến sự chấp thuận của Anna.

Bi kịch tình yêu không trọn vẹn
Bi kịch tình yêu không trọn vẹn

Sánh đôi bên chồng, bá tước Karenin (Jude Law đóng), người cống hiến cả đời mình cho lý tưởng nước Nga, Anna trở thành hình mẫu phu nhân được ao ước trong giới thượng lưu. Dù luôn xuất hiện xinh đẹp và rạng rỡ, trở thành trung tâm của mọi sự chú ý nhưng bên ngoài càng đẹp đẽ, lấp lánh bao nhiêu, tâm hồn nàng lại càng u uất và buồn khổ bấy nhiêu. Còn gì đau đớn hơn việc chung sống với người mình không yêu? 

Cho đến khi Anna gặp Vronsky (Aaron Johnson) và khiêu vũ với chàng, ngọn lửa nhiệt thành trong trái tim nàng mới thực sự bùng cháy. Lần đầu tiên sau 8 năm trời đằng đẵng giam cầm tuổi trẻ bên chồng, trái tim nàng xao động, không thể khước từ tiếng gọi của tình yêu.

Trong bộ phim kéo dài hơn 2 tiếng, Anna đã yêu như chưa từng được yêu. Nàng quên mất việc mình đã có gia đình, bất chấp những lời đàm tiếu và mặc kệ thân phận cao quý. Từng là một hình mẫu chuẩn mực, Anna Karenina đã khước từ mọi luật lệ để công khai tình yêu, dám đấu tranh lại những ánh nhìn soi mói, thù địch; sẵn sàng gạt bỏ mọi vật cản trên con đường tình ái. Đỉnh điểm là khi nàng mang thai, không phải với người chồng hợp pháp mà với người tình. Nàng thậm chí đã gọi Vronsky là chồng thay vì người mà nàng đang mang họ. 

Vronsky là kẻ chen vào cuộc hôn nhân. Chàng đã “cảm nắng” Anna ngay từ khi gặp gỡ, say mê và coi Anna là tình yêu đích thực. Vronsky vì nàng mà từ bỏ hôn ước, sự nghiệp, bất chấp nàng đã có gia đình, bất chấp mọi ngăn cản từ chồng nàng. Thế nhưng, khi mối tình ấy đơm hoa kết trái, Vronsky vẫn ngày ngày đối mặt với những dằn vặt tội lỗi, từng có những bất an trong tình cảm, không dám bảo vệ người mình yêu trước sóng gió dư luận. Nhưng, tình ái là một thứ mê hoặc, được tiếp sức mạnh từ Anna, Vronsky bất chấp mọi ánh nhìn, vẫn kiêu hãnh sánh bước bên nàng. 

Dù hoàn toàn có thể thông cảm được với diễn biến tâm lý của Anna nhưng mối tình tay ba này hoàn toàn sai đạo đức và pháp luật, thậm chí làm tổn thương những người trong cuộc, dù là người đàn ông tưởng chừng khô khan như Karenin.   

Không riêng Karenin, Vronsky và Anna cũng đều không trọn vẹn với tình yêu của mình. Anna đến sống cùng với Vronsky, bỏ lại chồng và con trai.

Trong một xã hội còn nhiều định kiến như nước Nga thế kỷ XIX, với việc ngoại tình, bỏ đi để chung sống với người đàn ông khác khi chưa ly hôn như Anna, khán giả khó có thể chấp nhận. Ở mọi bữa tiệc hay cuộc tụ họp của giới thượng lưu, Vronsky và Anna luôn phải chịu những ánh nhìn nghi kỵ, sự phán xét và đàm tiếu từ mọi người. Ngoài ra, Anna và Vronsky còn chất chứa cả sự nghi ngờ bên trong mối quan hệ của họ.

Tiểu thuyết Anna Karenina của đại văn hào Nga Lev Tolstoy (1828-1910) đã được chuyển thể thành phim hơn 30 lần. Câu chuyện tình bi thảm này được dựng phim không chỉ ở Nga mà cả ở Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Argentina, Ai Cập, Ấn Độ…

Nữ diễn viên huyền thoại Mỹ gốc Thụy Điển Greta Garbo 2 lần đóng vai Anna Karenina: lần đầu vào thời kỳ phim câm, trong phim Cuộc tình (năm 1927). Nhóm biên kịch của bộ phim đã viết 2 đoạn kết: một bi thảm để phát hành ở châu Âu và một có hậu để phát hành ở Mỹ.

Trong phương án Mỹ, Aleksey Karenin (Brandon Hurst) chết và góa phụ Anna Karenina tái giá với người tình Aleksey Vronsky (John Gilbert)

Cả hai bắt đầu nảy sinh những bất an, xích mích. Những điều đó tạo nên sự rạn nứt trong mối quan hệ. Những giây phút Vronsky lưỡng lự trong việc bảo vệ Anna; sự cuồng ghen, chất vấn của Anna với tình yêu của Vronsky; những cuộc tranh cãi về nơi sống và những mối quan hệ… đẩy bất đồng kéo dài, khiến họ dần mất niềm tin nơi nhau.

Cuối cùng, để thoát khỏi mọi đau khổ từ dư luận xã hội và sự nghi kỵ của bản thân, Anna Karenina chọn cho mình một cái kết bi đát sau những giằng xé nội tâm. Những phân cảnh này được Keira Knightley thể hiện khá tốt, khiến khán giả cảm nhận được sự mệt mỏi trong việc kéo dài tình cảnh hiện tại của nàng. Cái chết của Anna là sự phản kháng mạnh mẽ với tư tưởng già cỗi của nước Nga thời bấy giờ và minh chứng rằng việc cướp đoạt sự tự do của con người là việc làm vô nhân đạo. Việc Anna ngoại tình là sai trái nhưng xã hội nàng đang sống cũng đầy rẫy sự trái ngang. Xã hội đó không để phụ nữ tự do quyết định người chồng của mình, cũng không cho phép họ có quyền ly hôn. Anna bị giày vò vì định kiến xã hội và tù ngục hôn nhân, để đi đến cái kết là buông bỏ tất cả.

Ngoại tình là sai trái, nhưng khi soi chiếu lên cuộc đời của Anna Karenina, công chúng hoàn toàn có thể dành cho nàng sự cảm thông. Nếu không bị giam cầm bởi những tiêu chuẩn trong giới quý tộc, nàng hoàn toàn có thể ly hôn và đường đường chính chính sánh bên Vronsky để hưởng một hạnh phúc trọn vẹn. Nếu có quyền tự quyết, nàng đã được kết hôn và làm vợ người mình yêu. Song, cuộc đời Anna là một chuỗi bi kịch. Giây phút nàng tự tử cũng chính là lúc nàng được quyết định số phận của mình. Nàng được giải phóng nhưng những người đàn ông xung quanh nàng lại bị trói buộc trong những nỗi đau. Đặc biệt, những khán giả của bộ phim đến tận sau này vẫn day dứt vì cuộc đời của nàng.

Câu chuyện giải phóng phụ nữ 

Không chỉ là câu chuyện về một người đàn bà ngoại tình, bộ phim đã phơi bày hiện thực về một xã hội cứng nhắc và già cỗi, bám chặt những định kiến cố hữu khó thay đổi, từ đó gợi ra sự đồng cảm với Anna Karenina, đề cao sự tự do và khát khao hạnh phúc của phụ nữ. Anna Karenina cũng không chỉ là câu chuyện của một phụ nữ Nga, mà suy rộng ra là câu chuyện giải phóng phụ nữ.

Trailer phim Anna Karenina: 

 

Kết phim không có hậu nhưng giá trị trường tồn của bộ phim vẫn còn mãi. Đó là khao khát được yêu và xứng đáng được hạnh phúc của nữ giới dù bị kìm kẹp giữa những định kiến xã hội. Bộ phim đồng thời cũng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh: nếu xã hội không thay đổi, liệu sẽ có thêm những Anna Karenina kết liễu cuộc đời chỉ vì khao khát được yêu hay không?

Anna Karenina phiên bản 2012 do Tom Stoppard viết kịch bản. Ông thường xuyên tới Nga và từng viết 3 cuốn The Coast of Utopia nói về những nhà tư tưởng nước này. Đến nay, dù Anna Karenina (2012) không được ưa chuộng ở nước Nga, thậm chí đã vấp phải nhiều lời phản đối từ những người hâm mộ Tolstoy, bản chuyển thể của đạo diễn Joe Wright vẫn in đậm trong tâm trí người xem về sự sáng tạo và táo bạo so với tiểu thuyết của đại thi hào Lev Tolstoy. 

Với tuyến nhân vật được khai thác bớt phức tạp hơn, bộ phim nhấn mạnh về sự mục nát của xã hội thượng lưu và tiếng vọng của một cuộc cách mạng đang đến gần. Và Anna Karenina, nạn nhân của sự mục nát ấy cũng đã lên tiếng kêu cứu trong vô vọng. 

Trà Ali - Ảnh: internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI