Bệnh viện phải sớm có đủ thuốc và thiết bị y tế

11/11/2022 - 07:03

PNO - Xót xa trước cảnh bệnh nhân thiếu thuốc, trang thiết bị y tế hư hỏng hoặc bị bỏ phí, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM bên lề hành lang Quốc hội ngày 10/11, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất, cần áp dụng cơ chế đặc thù cho ngành y để khai thông sự tắc nghẽn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức -  Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy

Người bệnh lãnh hậu quả

Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) - cho biết, giai đoạn khó khăn nhất (tức hai năm chống dịch COVID-19) đã đi qua, nhưng sau “trận chiến” này, các bất cập trong công tác mua sắm, hậu cần phục vụ cho ngành y bộc lộ rõ. Dễ thấy nhất là tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị, diễn ra ở hầu hết địa phương trên cả nước.

Ông than, mua bóng đèn cho bệnh viện cũng khó: “Các thiết bị có tính chất tương thích, nên khi bóng đèn trong hệ thống máy CT của hãng A bị hỏng thì phải mua đúng bóng đèn của hãng A mới dùng được. Nhưng nếu mình ghi bóng đèn hãng A vào hồ sơ thầu thì sẽ vướng vào định hướng hoặc chỉ định thầu, dẫn tới vi phạm. Trong thẩm định giá, có năm phương pháp nhưng bệnh viện đã thử hết mà chỉ áp dụng được phương pháp dùng ba bảng báo giá. Tuy nhiên, mặt hàng này chỉ có một nhà phân phối thôi, không thể kiếm ra ba bảng báo giá”.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, vừa qua, Bệnh viện Nhân dân 115 rớt hạng theo đánh giá của Hiệp hội Thần kinh thế giới. Nguyên nhân là máy CT ở Khoa Cấp cứu hỏng, không kịp thời can thiệp trong thời gian vàng 60 phút, ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân. Đây chỉ là một ví dụ điển hình, đau xót trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. 

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) thốt lên rằng “quá xót xa” sau khi đọc thông tin đoàn giám sát của HĐND TPHCM làm việc với Bệnh viện Trưng Vương. Sau thời gian chống dịch, máy móc của bệnh viện đã hỏng, xuống cấp trầm trọng. Việc thường xuyên phun khử khuẩn khiến các loại máy này mau hư hơn. Máy móc hỏng chạy chậm, thậm chí mất dữ liệu nhưng bệnh viện không có tiền mua mới. Trong khi đó, trong thời gian chống dịch COVID-19, các bệnh viện chỉ được thanh toán tiền thuốc, không có tiền bảo trì máy móc. 

“Nếu không có các biện pháp khắc phục kịp thời các vấn đề của ngành y tế, nhất là tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, nhân viên y tế không chết nhưng người bệnh sẽ lãnh đủ” - ông Trần Hoàng Ngân nói.

Cần cơ chế đặc thù để cứu ngành y 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, việc bảo vệ sức khỏe nhân dân cần được ưu tiên. Trước tình trạng bất cập như hiện nay, Chính phủ phải tập trung tháo gỡ, giúp người dân về sức khỏe và các bác sĩ yên tâm làm việc. Hiện nay, Quốc hội đang cho ý kiến dự thảo Luật Khám bệnh và Chữa bệnh (sửa đổi), dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Nếu đợi tới khi hai luật này được thông qua thì sẽ không kịp.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan

“Trong khi chờ luật, phải có một nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay để giải quyết tắc nghẽn của ngành y và bảo vệ sức khỏe nhân dân” - đại biểu Trần Hoàng Ngân trăn trở. Ông đề xuất, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội, xem xét ngay tại kỳ họp thứ tư hoặc kỳ họp gần nhất của Quốc hội về việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV (Nghị quyết 30), áp dụng cơ chế đặc thù cho việc mua sắm trang thiết bị y tế. 

Ông Trần Hoàng Ngân phân tích thêm, năm 2022, TPHCM sẽ vượt thu ngân sách nhà nước so với kế hoạch đề ra. Riêng 10 tháng đầu năm, TPHCM đã thu ngân sách 393.000 tỷ đồng (dự toán là 386.000 tỷ), ước tính cả năm thu 426.000 tỷ, vượt chỉ tiêu 40.000 tỷ. TPHCM bị ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19 nên có thể dùng cơ chế đặc biệt để hỗ trợ đầu tư vào y tế. Hơn nữa, các bệnh viện của TPHCM không chỉ điều trị cho người dân TPHCM mà cho người dân các tỉnh, thành phía Nam. 

Cũng theo ông Trần Hoàng Ngân, dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Trong khi đó, nhiều dịch bệnh khác như sốt xuất huyết cũng diễn biến phức tạp. “Tổn thương của TPHCM trong dịch quá lớn. Nếu bây giờ trang thiết bị, vật tư y tế của các bệnh viện không được đầu tư nữa, dịch xảy ra nữa thì hậu quả sẽ rất khó lường” - ông nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cũng kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện Nghị quyết 30. Bên cạnh đó, bà lưu ý, phải thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán chứ không chỉ riêng ngành y tế. Theo bà, trong quá trình giám sát, một số đơn vị phản ánh, khi chống dịch, họ có tích trữ, mua sắm thuốc theo Nghị quyết 30 nhưng khi kiểm tra, kiểm toán thì cơ quan chức năng chỉ áp theo quy định hiện hành.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI