Bệnh viện bị “treo” thanh toán dịch vụ gây tê

14/07/2020 - 10:00

PNO - Dù thực hiện các kỹ thuật gây tê đúng luật nhưng bảo hiểm y tế chưa đồng ý thanh toán nhiều dịch vụ gây tê cho các bệnh viện, kể cả những trường hợp đã thực hiện từ năm 2019.

Bệnh viện làm theo luật, lại bị treo

Bệnh nhân được đẩy phòng mổ
Bệnh nhân được đẩy phòng mổ

Cầm biên lai đóng tiền của bệnh nhân Trương Thành Y. (ở Đồng Nai), chị A., nhân viên thu viện phí tại một bệnh viện (BV) hạng cuối chia sẻ, anh Y. bị đứt gân Achilles nên các bác sĩ chỉ định gây tê tại gót chân để phẫu thuật nối lại. Chi phí ca mổ là 2,9 triệu đồng. Trước đây, bệnh nhân được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán nhưng giờ bảo hiểm “treo” dịch vụ này vì cho rằng chưa được Bộ Y tế ghi rõ giá thuốc gây tê.

Anh Y. làm thợ bốc vác ở chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM). Mỗi ngày, anh quần quật từ 8g tối hôm trước đến 3g sáng hôm sau để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Từ nhiều ngày nay, anh nghỉ làm do bị đau cứng phần thấp bắp chân sau vào buổi sáng. “Bảo hiểm tạm ngưng thanh toán, nếu BV bắt tôi tự bỏ tiền ra đóng mới được mổ thì quá khả năng tôi”, anh Y. chia sẻ. 

Ngoại trừ một số dịch vụ có ghi rõ gây mê hoặc gây tê thì phần lớn các danh mục phẫu thuật chỉ ghi chung chung là thực hiện bằng phương pháp vô cảm (gây tê hoặc gây mê), chứ không phân định cụ thể gây mê hoặc gây tê. Do đó, BHYT cho rằng tiền thuốc gây tê rất thấp so với tiền thuốc gây mê, nên không thể tính chung một giá, thiệt cho quỹ BHYT. Đồng thời, yêu cầu Bộ Y tế phải ghi rõ gây tê hay gây mê cho từng loại dịch vụ. Song song đó, BHYT đột ngột “treo” thanh toán loạt dịch vụ gây tê đã thực hiện cho bệnh nhân từ năm 2019 đến nay. 

Bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình ở một BV trăn trở: “Tại BV tôi, hiện BHYT TP.HCM đang “treo” gần 1 tỷ đồng các dịch vụ liên quan đến kỹ thuật gây tê trong năm 2019. Riêng các ca mới trong năm 2020 cũng chưa có văn bản hướng dẫn, tuy nhiên BV cũng phải tự bỏ tiền ra thực hiện cho bệnh nhân”. 

Các BV cũng cho biết, hiện nay nhiều danh mục kỹ thuật chưa ghi cụ thể là thực hiện bằng gây mê hay gây tê nên BHYT tạm thời ngưng thanh toán, đến khi nào Bộ Y tế ban hành danh mục thanh toán từng loại phẫu thuật có ghi rõ gây mê hay gây tê.

Điều chỉnh phải theo lộ trình

Bác sĩ thực hiện gây tê cho bệnh nhân
Bác sĩ thực hiện gây tê cho bệnh nhân

Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết, ngày 1/8/2019, BHXH Việt Nam gửi Công văn số 2797/BHXH-CSYT đến Bộ Y tế về việc khó khăn vướng mắc trong thực hiện khám, chữa bệnh BHYT, trong đó có việc hiện nay chỉ có mức giá phẫu thuật của gây mê, chứ không gây tê.

Theo ông Phạm Lương Sơn, việc phẫu thuật sử dụng phương pháp gây mê và gây tê là các dịch vụ có mức giá khác nhau, có quy trình kỹ thuật thực hiện, định mức kinh tế kỹ thuật và chi phí của từng nội dung trong định mức chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế khác nhau. Ví dụ, cùng là kỹ thuật lấy dị vật giác mạc sâu, nếu thực hiện gây mê (một mắt) thì giá là 862.000 đồng nhưng gây tê chỉ 327.000 đồng… Do đó, với các phẫu thuật gây tê nhưng chưa được quy định giá, cơ quan BHXH chưa có cơ sở để thanh toán chi phí theo chế độ BHYT. 

Ngày 31/10/2019, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn gửi công văn đến BHXH Việt Nam đề nghị thanh toán dịch vụ gây mê, gây tê cho các BV. Vì từ năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong một số trường hợp, trong đó có quy định: “giá phẫu thuật đã bao gồm chi phí gây mê hoặc gây tê”. 

Giá này do cấp thẩm quyền ban hành theo đúng quy định của pháp luật nên việc đề xuất bóc tách riêng chi phí gây mê, gây tê để giảm trừ khi thanh toán cho các cơ sở y tế là trái pháp luật. Hiện, Bộ Y tế đang trong quá trình khảo sát để điều chỉnh lại định mức kinh tế kỹ thuật của giá dịch vụ khám chữa bệnh. Trong giai đoạn chưa điều chỉnh, đề nghị BHXH Việt Nam thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các BV theo đúng mức giá đã quy định. 

Tuy nhiên, đến nay BHXH Việt Nam vẫn chưa đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế. BHXH chỉ thực hiện thanh toán một số phẫu thuật gây tê cho đến khi Bộ Y tế ban hành cụ thể cơ cấu giá của tất cả các dịch vụ gây tê còn lại.

Một chuyên gia phân tích về kinh tế y tế cho rằng: Việt Nam hiện có tới 19.000 dịch vụ kỹ thuật và cũng giống như các nước trên thế giới, chúng ta không thể xây dựng cơ cấu giá chi li cho từng kỹ thuật, do đó chỉ có thể xây dựng giá cho khoảng 1.000 danh mục rồi phiên tương đương giá cho các nhóm phẫu thuật, thủ thuật còn lại khác.

Chính vì phiên tương đương về giá sẽ còn nhiều bất cập và phải chấp nhận sửa dần, như kỹ thuật gây tê là một ví dụ. BHXH Việt Nam phát hiện và đề nghị xây dựng cụ thể giá cho các phương pháp gây mê, gây tê trong từng dịch vụ kỹ thuật là đúng. Đây là điều sòng phẳng trong việc giữ quỹ BHYT và túi tiền của người bệnh khi mức giá gây tê không thể thanh toán cao bằng mức gây mê. 

Tuy nhiên, việc BHXH phát hiện ra lỗ hổng này và "treo" việc thanh toán cho các BV cả trong năm 2019 là thiệt thòi cho BV. Trong khi, BHXH Việt Nam cũng là một thành viên cùng Bộ Y tế xây dựng giá mới ban hành luật để BV thực hiện. Điều quan trọng là vừa làm vừa chỉnh sửa cho phù hợp với lộ trình những lần thanh toán tiếp theo, chứ không phải thấy không phù hợp là ngưng thanh toán đột ngột khi người bệnh đã sử dụng dịch vụ đó. 

Văn Thanh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • nguyễn phương 15-07-2020 04:29:21

    BHYT không chịu chi trả ,làm khó ...thì tất cả hậu quả sẽ dồn lên cho bệnh nhân BHYT ,tội cho bệnh nhân lắm .

  • Linh Ngô 14-07-2020 11:00:00

    BHYT mà xử ép bệnh viện quá thì sau này BV sẽ làm áp lực cho bệnh nhân BHYT khi tham gia phẫu thuật. Sao không thống nhất từ đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viện và bệnh viện có cơ sở thu phí bệnh nhân để tránh trường hợp bị treo phí làm cho bệnh viện thêm khó khăn về kinh phí.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI