Đắk Lắk: Mỗi năm có khoảng 4.000 trường hợp lao mới xuất hiện trong cộng đồng

14/11/2022 - 20:09

PNO - Với dân số khoảng 2 triệu người, hàng năm tỉnh Đắk Lắk có khoảng 4.000 trường hợp lao mới xuất hiện trong cộng đồng.

Thông tin trên được TS.BS Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk chia sẻ tại chương trình khám sàng lọc và điều trị miễn phí bệnh lao do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) phối hợp với Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk tổ chức tại huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk.

Các bác sĩ khoa kiểm soát bệnh tật huyện Ea H'Leo khám sàng lọc cho người dân.
Các bác sĩ khoa kiểm soát bệnh tật huyện Ea H'Leo khám sàng lọc cho người dân xã Ea Ral. 

Chương trình diễn ra từ ngày 9/11 đến ngày 14/11 tại 6 xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ea H’leo. Dự kiến mỗi ngày sẽ sàng lọc từ 300 – 500 đối tượng, kết thúc chương trình tại 6 xã sẽ sàng lọc cho khoảng hơn 2.800 đối tượng có nguy cơ.

Theo bác sĩ Đương, hàng năm tỉnh có khoảng 4.000 trường hợp lao mới xuất hiện trong cộng đồng. Tuy nhiên, mỗi năm địa phương chỉ mới đưa vào điều trị nội trú khoảng 1.000 người, số còn lại vẫn ở ngoài cộng đồng, chưa được đưa vào quản lý, điều trị. Mỗi năm, địa phương cũng ghi nhận khoảng 20-30 trường hợp tử vong do lao.

“Tình hình mắc lao trong cộng đồng tại tỉnh Đắk Lắk vẫn là vấn đề hết sức đáng lo ngại. Thời gian qua chương trình chống lao của tỉnh cũng như Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm đến công tác phát hiện sớm, từ đó đưa vào quản lý điều trị cho bệnh nhân nhằm mục đích cắt nguồn lây, giảm nhanh tỉ lệ mắc lao trong cộng đồng. Địa phương đặt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 như chính phủ đã đề ra”, BS Đương nói.

Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, một trong những khó khăn của chương trình phòng, chống lao dựa vào cộng đồng, đó là hiểu biết của người dân về bệnh lao chưa cao. Nhiều người còn khá kỳ thị đối với bệnh truyền nhiễm này, thậm chí họ còn ngại công bố danh tính, ngại hàng xóm biết, ngại khai báo, ngại tiếp cận với y tế.

Chính vì vậy, thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ để nâng cao nhận thức của người dân.

Bác sĩ Đương nhấn mạnh, nếu làm tốt công tác tuyên truyền, phòng chống lao, mỗi năm sẽ giảm được hàng chục ngàn trường hợp chết không đáng có, các gia đình sẽ không phải lo về gánh nặng kinh phí điều trị bệnh.

“Bệnh nhân bị bệnh lao thông thường chi phí hết khoảng 10 triệu đồng. Trường hợp để lao kháng thuốc xảy ra thì mỗi trường hợp sẽ phải tiêu tốn gần 100 triệu đồng, tức là gấp 10 lần so với lao không kháng thuốc”, TS Đương cho biết thêm.

N.K

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI