Bảo vệ trẻ em trong “giai đoạn mới” phòng, chống COVID-19

27/08/2021 - 06:49

PNO - Thông tin cho thấy tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 chiếm từ 5 - 10% tổng số người mắc. Có hai nhóm trẻ có nguy cơ bị nặng khi mắc COVID-19 là trẻ bị béo phì và bị viêm phổi mạn tính, hen suyễn. Với chủng Delta, việc lây lan nhanh hơn chủng cũ, và gây triệu chứng nặng hơn, kể cả ở trẻ em.

Gia tăng trẻ mắc COVID-19

Sau khi mẹ được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2, bé trai Đ.M.T. (một tuổi, ở Đội Cấn, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) trở thành F1 và được đưa vào cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang từ ngày 16/8. Ngày 19/8, bé được lấy lại mẫu xét nghiệm và sau đó cho kết quả dương tính.

Một bệnh nhi COVID-19 15 tuổi, nặng 75kg ở TP.HCM được cứu sống sau hai tuần lọc máu - ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cung cấp)
Một bệnh nhi COVID-19 15 tuổi, nặng 75kg ở TPHCM được cứu sống sau hai tuần lọc máu - Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cung cấp

Do ở độ tuổi quá nhỏ, nên ngoài việc điều trị COVID-19, các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện còn phải trở thành người nhà, gia đình thứ hai để chăm sóc bé trong những ngày nằm viện. Thống kê mới nhất được Sở Y tế Hà Nội công bố trong đợt dịch này, có khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội là trẻ từ 0-5 tuổi. Tỷ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước. 

Tại TPHCM, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, cho biết đang tìm cách cứu chữa bé ba tháng tuổi mắc COVID-19. Mẹ của bé - chị Trần Thị Ngọt, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, kể bé sốt cao khó hạ, đưa đi bệnh viện thì phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Bác sĩ Trần Văn Minh, Khoa Nhiễm của bệnh viện, cho hay dù bệnh nhi đã được cho thở máy nhưng không đáp ứng với máy thở. Các bác sĩ đã dùng kháng sinh liều cao nhất, kèm theo các loại thuốc tốt để điều trị kháng đông và kháng viêm nhưng tình trạng trẻ vẫn chưa được cải thiện. 

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng tiếp nhận bệnh nhi 15 tuổi, nặng gần 90kg mắc COVID-19 và rơi vào tình trạng nguy kịch. Cuối tháng Bảy, bệnh nhi L.H.T.L., phường 12, quận 8, được một bệnh viện quốc tế chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vì tình trạng suy hô hấp, nhiều biến chứng nặng sau khi mắc COVID-19.

Tại đây, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi thở mệt, co kéo cơ liên sườn, phập phồng cánh mũi, tím môi, SpO2 76%, nhịp tim nhanh 152 lần/phút, được chẩn đoán COVID-19 nặng nguy kịch. Em được điều trị hỗ trợ hô hấp thở áp lực dương liên tục, truyền thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng đông. Tuy nhiên, tình trạng hô hấp diễn tiến xấu hơn, SpO2 giảm còn 80 - 82% nên được chuyển thở máy không xâm nhập. Tình trạng vẫn không cải thiện, hình ảnh X-quang phổi cho thấy tổn thương phổi nặng lan tỏa hai bên, biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) nên em được đặt nội khí quản thở máy.

Trẻ em chiếm từ 5 - 10% đối tượng mắc COVID-19
Trẻ em chiếm từ 5 - 10% đối tượng mắc COVID-19

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết đây là trường hợp trẻ em xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống nặng do mắc COVID-19. Xét nghiệm máu cho thấy có biểu hiện phản ứng viêm tăng mạnh. Bệnh nhi được truyền thêm kháng thể miễn dịch và lọc máu liên tục cũng như chỉ định truyền thuốc Tocilizumab. Các bác sĩ cũng áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ, điều chỉnh nước điện giải, toan kiềm, hạ sốt, dinh dưỡng, xoay trở chống loét. Kết quả sau hai đợt lọc máu liên tục, truyền các kháng thể miễn dịch, hai tuần thở máy, tình trạng bệnh nhi dần cải thiện.

Theo nhận định của các bác sĩ, tình trạng béo phì không chỉ khiến em gặp nguy hiểm khi mắc COVID-19 mà còn khiến các bác sĩ gặp nhiều khó khăn khi điều chỉnh thuốc và dịch truyền cho phù hợp. Bệnh nhi L.T.T.L. đã hồi phục ngoạn mục, ngưng lọc máu hơn một tuần, cai máy thở ổn định, đang hồi phục dần hai lá phổi đã từng bị viêm xẹp. Em đã tỉnh lại và có thể cười khi được gặp lại mẹ. Đây được xem là ca điều trị lọc máu thành công cho trẻ mắc COVID-19 nguy kịch đầu tiên tại Việt Nam.

Tăng cường tạo lá chắn cho trẻ

Tiến sĩ - bác sĩ Phan Hữu Phúc, Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết trong khi đối tượng trẻ em trước đây được đánh giá là ít gặp biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong thấp thì tại Indonesia, con số mắc và tử vong được Bộ Y tế nước này công bố lại đáng báo động.

Cụ thể, thống kê tới cuối tháng Bảy của nước này, tỷ lệ mắc ở trẻ từ 0-5 tuổi là 2,9%; 6 - 18 tuổi là 9,9%. Từ đầu năm tới nay cũng có tới 800 trẻ dưới 18 tuổi tử vong, chiếm tỷ lệ 1% số ca mắc. Tỷ lệ tử vong của trẻ em theo thống kê của WHO chiếm khoảng 0,3%. Như vậy, số trẻ em tử vong do COVID-19 ở Indonesia cao gấp ba lần so với số trẻ em tử vong do COVID-19 trên toàn cầu.

Do hiện nay chưa có chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ nhỏ, nên người lớn cần tiêm vắc xin đầy đủ để bảo vệ bản thân và con trẻ trong gia đình khỏi dịch bệnh. Trong thời gian có dịch, trẻ vẫn nên được đưa đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin khác để tăng cường hệ miễn dịch.

Từ thực tế trên, các chuyên gia khuyến cáo, cần phải tăng cường, tạo lá chắn để bảo vệ trẻ em trong đại dịch. Bác sĩ Pham Hữu Phúc cảnh báo: “Tuy hầu hết trẻ em nhiễm COVID-19 chỉ ở thể nhẹ, một số trẻ vẫn có thể bị diễn biến nặng, đặc biệt với những trẻ có các bệnh nền hoặc trẻ nhỏ, do sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch ở trẻ cũng chưa phát triển đầy đủ”.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, COVID-19 thường gây ra các triệu chứng giống như các bệnh nhiễm trùng hô hấp thông thường do các căn nguyên khác nhau, nhưng bệnh cũng có thể diễn biến nặng và tử vong, đặc biệt là những trẻ có bệnh nền. Do đó, khi trẻ có các dấu hiệu như: ho, sốt, khó thở, chảy nước mũi, mệt mỏi, chán ăn… phụ huynh cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để đề phòng COVID-19, các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ tại nhà, tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như: đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng; tuân thủ 5K; giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên…

Theo nhận định của bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 chiếm từ 5 - 10% tổng số người mắc. Những thông tin hiện nay cho thấy, trẻ em mắc COVID-19 thường là bị nhẹ, mau hết. Những triệu chứng thường kéo dài chỉ trong khoảng năm ngày. Có hai nhóm trẻ em có nguy cơ bị nặng khi mắc COVID-19, đó là trẻ bị béo phì và bị viêm phổi mạn tính, hen suyễn. 

Những trường hợp còn lại, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, người lớn nên chăm sóc trẻ tại nhà. Chú ý mua sẵn thuốc điều trị tiêu chảy vì đây là triệu chứng hay xuất hiện ở trẻ mắc COVID-19. Chuẩn bị sẵn các thuốc hạ sốt và cho trẻ uống với liều lượng dựa trên cân nặng của trẻ. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như ở TPHCM, trẻ mắc COVID-19 nên được ngủ máy lạnh như bình thường để có giấc ngủ ngon. 

Chủng Delta gây triệu chứng nặng hơn, kể cả ở trẻ em

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng, hiện là  bác sĩ nhi khoa tại Texas, Mỹ, cho biết chủng Delta dễ lây và lây nhanh hơn chủng cũ, thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ khoảng 3 - 4 ngày là phát bệnh. Chủng SARS-CoV-2 này gây triệu chứng nặng hơn, kể cả trên trẻ em. Các chủng SARS-CoV-2 cũ, rất ưu ái trẻ em, hầu hết bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng. Tuy nhiên, điều này dường như không còn đúng với chủng Delta. Hiện nay, chủng Delta khiến trẻ em phát bệnh nhanh hơn và nặng hơn. 

Trong tuần đầu tháng Tám, tại Mỹ có hơn 100.000 trẻ em nhiễm COVID-19, tỷ lệ phải nhập viện tăng hơn 27% so với năm ngoái, nguy cơ nhập viện cao tăng 2,75 lần so với chủng Alpha.

TPHCM đang điều trị 2.243 trẻ dưới 16 tuổi mắc COVID-19

Hiện tại, Sở Y tế TPHCM quy định trẻ em mắc COVID-19 nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà thì hướng dẫn cho người bệnh cách ly tại nhà. 

Trong trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì gia đình liên hệ chuyển trẻ đến Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 (do Bệnh viện Nhi đồng Thành phố phụ trách), Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 11 (do Bệnh viện Nhi Đồng 2 phụ trách) và Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (do Bệnh viện Nhi Đồng 1 phụ trách). Trường hợp trẻ mắc COVID-19 có diễn tiến nặng thì sẽ được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố hoặc Bệnh viện Nhi Đồng 2 để tiếp tục điều trị chuyên sâu.

Tính đến sáng 24/8, TPHCM đang điều trị 36.029 bệnh nhân, trong đó có 2.243 trẻ em dưới 16 tuổi. Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhi, là những trường hợp mắc COVID-19 nặng, trong số này có ba trường hợp nguy kịch, phải thở máy. 

Huyền Anh - Hiếu Nguyễn 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI