Bảo vệ trẻ em - Không ai ngoài cuộc: Hiểm họa chực chờ trẻ em trên không gian mạng

17/08/2022 - 06:24

PNO - Trong bảy tháng đầu năm 2022, Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận khoảng 300 cuộc gọi nhờ tư vấn việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, gần 300 cuộc gọi về việc trẻ bị xâm hại trên không gian mạng.

Những trào lưu tra tấn, bức hại trẻ em

Đầu tháng 8/2022, trên mạng xã hội TikTok, xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh một thanh niên đang ngồi chơi với một đứa trẻ khoảng bốn tuổi trong phòng kín. Bất ngờ, thanh niên này đứng dậy tắt đèn, bỏ chạy ra ngoài và chốt cửa, để lại đứa bé khóc thét vì sợ hãi trong căn phòng tối om. Chỉ sau vài giờ xuất hiện, đoạn video đã nhận được hàng chục ngàn lượt yêu thích.

Rất nhanh chóng, dọa ma trẻ, chọc trẻ khóc thét trở thành trào lưu (trend) trên các nền tảng mạng xã hội. Rất nhiều đoạn video được đăng lên mạng, ghi lại cảnh đứa trẻ tươi cười xuất hiện trước ống kính camera nhưng liền đó bị người lớn dùng ứng dụng (app) để biến khuôn mặt thành dị dạng, máu me khiến trẻ khiếp vía.

Ông Đặng Lê Anh - chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành - bức xúc: “Họ xem trào lưu này là vui, nhưng không nghĩ rằng sự sợ hãi bóng tối, những khuôn mặt ma quái ấy sẽ gây tổn thương tâm lý cho trẻ rất nặng nề, có khi đến cả cuộc đời”.

Mạng xã hội đã trở thành một phần trong đời sống hiện tại. Những trào lưu trên mạng như một thứ gia vị khiến đời sống mạng trở nên hấp dẫn, phong phú hơn. Tuy nhiên, có không ít trào lưu xuất hiện như một thứ thuốc độc có thể giết hại trẻ.

Một tuần qua, trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu bịt miệng bằng băng dính để có giấc ngủ ngon. Đoạn clip hướng dẫn thực hiện “liệu pháp” này đang thu hút đến gần 25 triệu lượt xem. Nhiều chuyên gia y tế phải tức tốc lên tiếng cảnh báo, cho rằng đây là một trong những trào lưu nguy hiểm nhất, bởi việc cố tình làm tắc nghẽn đường hô hấp trong khi ngủ giống như hành vi tự sát.

Trước đó, từng xuất hiện một trào lưu gọi là “trò chơi treo cổ”. Các đoạn clip liên quan đến trò chơi này thu hút rất đông người xem trên YouTube. Ngay sau đó, một bé gái - năm tuổi, ở Q.Tân Phú, TPHCM - đã bắt chước trò này, dùng khăn buộc vào thành giường tự treo cổ mình, dẫn đến tử vong.

Việc trẻ em bị ảnh hưởng bởi các trào lưu xấu bẩn, độc hại trên mạng xã hội đã diễn ra nhiều năm nay và đang tiếp diễn. Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững ở 1.700 trẻ em tại bảy tỉnh, thành, phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet và tự học các kỹ năng trên mạng xã hội hoặc từ bạn bè chứ không học từ nhà trường hay cha mẹ. Khi nhận thức còn non nớt, sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ tự “bơi” trên mạng xã hội với không ít trào lưu xấu, độc.

Hình ảnh người lớn dùng băng keo bịt miệng, trói tay một em nhỏ và đăng lên mạng để thu hút lượt xem (câu view) (ảnh cắt từ clip)
Hình ảnh người lớn dùng băng keo bịt miệng, trói tay một em nhỏ và đăng lên mạng để thu hút lượt xem (câu view) (ảnh cắt từ clip)

Nạn nhân của bắt nạt, lừa gạt

Một ngày giữa tháng 7/2022, ông N.K.A. - 41 tuổi, ở Q.Tân Bình, TPHCM - thấy con gái là N.A.T. (học lớp Bảy) trầm tư, lo lắng, chốc chốc lại mở điện thoại đọc tin nhắn trên Facebook và hay cáu gắt. Biểu hiện này kéo dài hơn một tuần. Nhiều lần tâm sự, N.A.T. cho biết, cháu đang là mục tiêu công kích trong một nhóm kín có gần 77.000 thành viên trên Facebook. Do viết bình luận chê ngoại hình của một nhân vật là thần tượng của giới trẻ, N.A.T. bị “ném đá” tập thể, bị mạt sát và hăm dọa đủ điều.

Theo một công bố của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), những năm gần đây, nhiều đối tượng đã thành lập các phòng trò chuyện trực tuyến (room chat), diễn đàn, phòng game để dụ dỗ trẻ em. Hiện tại, chưa có số liệu chính thức về các vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng nhưng đã có những vụ dùng mạng để lừa gạt trẻ em. Nổi lên gần đây là chiêu lừa “việc nhẹ lương cao” để dụ đưa trẻ sang Campuchia rồi đòi tiền chuộc.

Lê Ngọc T.O. - 14 tuổi, ở H.Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre - tham gia một nhóm trò chuyện (chat) trên mạng xã hội, được một thanh niên rủ đến TPHCM làm nghề gõ máy tính với mức lương 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau đó, thanh niên này đã lừa đưa T.O. sang Campuchia bán cho ba công ty khác nhau và bị đòi tiền chuộc 3.000 USD. Sau gần 45 ngày bị lừa bán, T.O. may mắn được một nhóm người tốt bụng chuộc và đưa về nhà an toàn.

Phụ huynh cần giúp trẻ tránh cạm bẫy

Ông Đặng Lê Anh cho rằng, việc trẻ em gặp nhiều hiểm họa trên môi trường mạng là một điều tất yếu khi internet đã trở thành một phần của cuộc sống. Trong khi đó, phụ huynh và cả nhà trường chỉ dạy cho trẻ văn hóa, đạo đức trong đời sống thực mà quên dạy trẻ cách sử dụng internet một cách khôn ngoan, đúng đắn. Ông nói: “Chúng ta không thể cấm trẻ lên mạng mà nên dạy trẻ cách sử dụng mạng sao cho có ích, tránh được cạm bẫy nguy hiểm”.

Theo một chuyên viên Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, trong thời đại kỹ thuật số, trẻ em dễ dàng kết nối với đủ loại người thông qua các kênh trực tuyến. Những người “bạn” này có thể đang nói dối với trẻ về mình. Nếu quan hệ giữa cha mẹ và con cái lỏng lẻo, trẻ rất dễ bị dụ dỗ trực tuyến. Trẻ có thể nghe lời dụ dỗ của kẻ bên kia màn hình, xem và tương tác với những hình ảnh đồi trụy, tự gửi ảnh mình cho kẻ dụ dỗ. Những kẻ dụ dỗ trực tuyến còn có khả năng ép trẻ gặp mặt trực tiếp.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) Việt Nam, để hỗ trợ con em mình tránh những rắc rối khi hoạt động trong môi trường mạng, phụ huynh cần trao đổi với trẻ và đưa ra các nguyên tắc như: không sử dụng điện thoại di động trong phòng ngủ, quy ước số giờ tối đa mà trẻ được phép vào mạng để giải trí. Phụ huynh cũng có thể cài đặt thiết bị, phần mềm chặn nội dung người lớn, xấu, độc, không phù hợp với trẻ em và theo dõi lịch sử truy cập mạng của con mình để nhắc nhở, chỉ dẫn. Quan trọng nhất là phụ huynh cần trao đổi, chia sẻ với con để biết con thường truy cập, xem nội dung nào trên mạng, qua đó cung cấp cho con những địa chỉ bổ ích. Phụ huynh cũng có thể hướng dẫn con cách giao tiếp, trò chuyện trên mạng và cách xử lý khi gặp rắc rối trên không gian mạng.

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn - chuyên gia tội phạm học - cho rằng, để tránh việc trẻ bị dụ dỗ, bắt nạt trên môi trường mạng, phụ huynh cần hướng dẫn và giám sát con mình: “Tội phạm trên mạng xã hội ngày càng biến hóa và phức tạp. Xưa nay, chúng ta thường ít chú trọng bảo vệ trẻ trên môi trường mạng. Nên nhớ rằng, việc trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng cũng sẽ gây hậu quả không kém gì ngoài đời thực”. 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI