Báo Phụ Nữ trao học bổng "Nữ sinh hiếu học, vượt khó" lần thứ 26:Nối dài những giấc mơ xanh

29/08/2016 - 06:03

PNO - Lối vào đời của em đeo cái nghèo làm gia sản, nên ngay cả ánh cười khi nhận quà cũng không xóa được giọt nước mắt tủi thân. Nhưng giọt nước ấy, lần này, không đọng lại trên những gương mặt thơ trẻ sớm nhọc nhằn cơm áo.

Có cánh tay yêu thương chìa ra để em không còn đơn độc, và từ ây, giấc mơ xanh về yêu thương, chia sẻ, vốn đã nhú mầm, sẽ nở những bông hoa…

Nhìn những gương mặt rạng ngời của các em trong buổi lễ trao học bổng (HB) “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” lần thứ 26 sáng 27/8, ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM xúc động: “Một xã hội không có yêu thương và tri thức, mọi thứ sẽ bị phá hủy. Ngược lại, dẫu nghèo khó nhưng yêu thương không ngừng được trao gửi, xã hội sẽ hạnh phúc, phồn vinh, đáng sống”. Đó cũng là thông điệp xuyên suốt 26 năm qua, kể từ ngày báo Phụ Nữ phát động chương trình HB “Nữ sinh hiếu học, vượt khó”, nhằm giúp các em và gia đình vơi bớt những nhọc nhằn vào mùa tựu trường hàng năm.

Bao Phu Nu trao hoc bong
Ảnh: Võ Tiến

Ít nhiều vơi bớt nhọc nhằn...

Những gương mặt phụ huynh vốn khắc khổ, lam lũ ngời lên vẻ hạnh phúc, tự hào khi thấy con mình được nhận HB - phần thưởng dành cho nỗ lực vươn lên trong học tập, cuộc sống.

Ông Hồng Quý (77 tuổi) bắt chuyện với chị Lê Thị Thanh đang ngồi bên cạnh: “Nhà xa hay sao mà đến trễ vậy cô?”. Chị Thanh rưng rưng khi kể gia cảnh: “Con và chồng từ miền Bắc vào Sài Gòn mưu sinh, không ngờ anh ấy đổ bệnh, qua đời…”. Năm chồng mất, con gái chị là Nguyễn Thị Thu Uyên (lớp 8, Q.Gò Vấp) - chỉ mới bốn tuổi. Không việc làm, không tiền bạc, chị ôm con đi gõ cửa những người quen, xin được giúp việc nhà. Cuộc sống của hai mẹ con chị cứ thế trôi đi trong gieo neo, khó nghèo. Giấc mơ một lần được về quê của chị cứ lần lữa mãi vì con gái càng lớn, gánh học hành càng nặng.

Ý thức hoàn cảnh, Uyên cố gắng học giỏi, nuôi ước mơ thành một doanh nhân, kiếm thật nhiều tiền để lo cho mẹ. Ông Quý đồng cảm, động viên: “Ừ, thôi ráng nghe con! Đời mình khổ, nhưng cũng còn hạnh phúc vì có con ngoan, học giỏi”. Gương mặt đầy nếp nhăn của ông trở nên hân hoan khi ông nói về cô cháu gái Hồng Kim Hoa (lớp 10, Q.Tân Phú). Cha bỏ đi từ năm Hoa lên hai, mẹ Hoa bán vé số vừa nuôi con, vừa lo cho cha mẹ, nên chuyện học hành của Hoa bao lần ngỡ đứt đoạn. Cứ chuyển dần từ nhà thuê sang phòng trọ nhỏ hơn, rồi nhỏ hơn nữa là cách mẹ Hoa tự “ngắt” chi tiêu lại để con không phải nghỉ học.

“Hạnh phúc vì con học giỏi” là câu chuyện nối các phận đời với nhau. Ở một góc hành lang, vài “phác họa” về em Dương Ngọc Tiểu Minh (lớp 9, Q.3) của sư cô Thích nữ Nhật Thành đã khiến nhiều phụ huynh sụt sùi. Năm ấy, bị đánh thức bởi tiếng khóc ngặt giữa đêm; sư ra mở cổng chùa, tìm thấy một đứa trẻ đỏ hỏn. Nuôi nấng sinh linh ấy thành một đứa trẻ lên bảy, sư nghĩ, lớn lên trong vòng tay yêu thương của mình, chắc Tiểu Minh không màng chuyện xuất thân. Chẳng ngờ, một sáng đi học về, em ôm sư nức nở: “Ba mẹ con đâu? Họ là ai?”. Rồi cô bé kể lại bài học “gia đình tôi” ở lớp, nói về một nơi ấm áp tình cha, tình mẹ, làm em nhận ra những thứ mình đang có thật khác biệt.

Khi đã cặn kẽ xuất thân, Tiểu Minh tự hứa sẽ cố gắng học tập để đền đáp ơn sư, ơn mái ấm đã bảo bọc mình… “Hoàn cảnh nữ sinh nào cũng đáng thương, cần được hỗ trợ” - bà Lâm Thúy Ái - Phó tổng giám đốc Công ty Mebipha - đơn vị đồng hành cùng HB tâm sự. Ngoài việc giúp những bước chân non ấy vơi bớt gian truân, HB còn là một minh chứng cho hơi ấm của bàn tay luôn chìa ra kịp lúc để hành trình đến với những con chữ của các em không bao giờ là hành trình đơn độc.

Tiếp nối yêu thương

Giao lưu trong chương trình là lúc các em được tiếp thêm sức mạnh để chinh phục con đường học vấn, dù hoàn cảnh có như thế nào. Sức mạnh ấy lan tỏa từ sự tự tin, quả quyết của em Đặng Kim Ngọc (lớp 5, H.Nhà Bè): “Chỉ có con đường học tập mới mang đến một cuộc sống đàng hoàng”.

Ý nghĩ đinh ninh đó của em bắt nguồn từ lời dạy của người cha nghĩa hiệp “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” đã đột ngột ra đi: “Nếu các chú ấy được học hành thì sẽ không đi cướp mà trở thành người đàng hoàng. Phải học mới tạo được cho mình cuộc sống tốt và giúp ích cho xã hội”. Em Trịnh Phương Uyên (lớp 11, Q.Bình Thạnh) cũng tỏ ra già dặn khi chia sẻ những nguyên tắc sống: “Sự tủi thân không làm ta mạnh mẽ lên được, càng khó khăn, ta càng phải cố gắng”.

Vượt khó, chạm đến thành công và tiếp nối nghĩa vụ lan tỏa yêu thương, vun bồi tri thức thể hiện rõ qua câu chuyện của chị Cao Thị Hạnh Nhung - một gương mặt thành công từ HB. Nhung nhắn nhủ: “Tuổi các em chỉ có một việc quan trọng là phải nỗ lực học thật tốt, trau dồi đạo đức để không phụ lòng cha mẹ, thầy cô và những Mạnh Thường Quân đã giúp đỡ mình. Như vậy sau này các em mới có cơ hội trả ơn cho cộng đồng bằng những việc làm có ý nghĩa và thiết thực”.

Bao Phu Nu trao hoc bong
Các nữ sinh cấp II nhận quà và học bổng tại buổi lễ - Ảnh: Phùng Huy

Trước đây, Nhung từng là cô bé nhiều năm liền ngồi ở vị trí của các em hôm nay, giờ chị đã có bằng thạc sĩ, đang là cán bộ Hội LHPN H.Cần Giờ. Khi đó, gia đình Nhung rất khó khăn, ba mẹ đắp đổi qua ngày bằng nghề đánh bắt cá, cô trò nhỏ chỉ biết học giỏi để thoát nghèo. Sự hỗ trợ kịp thời từ HB đã giúp chị hoàn thành giấc mơ đại học, đi làm và thành công. Khắc ghi ơn nghĩa ấy, Nhung hiểu mình phải tiếp nối để lan tỏa yêu thương thông qua sự cho đi của chương trình HB. Hàng năm chị đều tham gia hai lần hiến máu nhân đạo, tích cực với các hoạt động xã hội từ thiện giúp phát triển địa phương…

Ý nghĩa của hành trình không ngừng lan tỏa yêu thương, vun bồi tri thức vì tương lai tốt đẹp cũng là nhắn gửi của bà Lê Huyền Ái Mỹ - Tổng biên tập báo Phụ Nữ: “HB sẽ truyền cảm hứng cho các em bước vào năm học mới với bài học đầu tiên là biết chia sẻ, quan tâm, cho đi và tử tế. Các em sẽ vào đời với những nền tảng đạo đức như thế - cũng là niềm tin chúng tôi muốn đặt vào tất cả các em”.

600 suất HB trị giá 1,2 tỷ đồng cùng nhiều phần quà như tập sách, máy vi tính… đã được chương trình học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” lần thứ 26, năm học 2016- 2017 trao cho 600 nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn luôn nỗ lực học tập tại TP.HCM và Cần Thơ, Vĩnh Long, Tây Ninh… Trị giá mỗi suất HB: 1,5 triệu đồng đối với nữ sinh tiểu học; 2 triệu đồng đối với nữ sinh THCS và 2,5 triệu đồng dành cho nữ sinh THPT cùng nhiều quà tặng khác. TP.HCM chiếm 387/600 suất HB, được trao theo nhiều đợt tại nhiều điểm khác nhau.

Sau 26 năm phát triển, HB “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” đã trao tặng được hơn 6.000 suất HB trị giá hơn bảy tỷ đồng. Báo Phụ Nữ xin tri ân những người bạn đồng hành: Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi, Công ty TNHH SX&TM Mebipha, Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3, Agribank khu vực Tây Nam bộ, Agribank chi nhánh Phan Đình Phùng, Tổng công ty CP Cơ điện lạnh TP.HCM REE, Tập đoàn Thái Tuấn, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, Công ty TNHH thời trang và xe đạp Martin 107, Công ty Ajinomoto Việt Nam, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Công ty TNHH kim cương Kita, Công ty Hoàng Ân, MC Quỳnh Hương, Công ty TNHH ISIMAN VN, Công ty CP sữa VN Vinamilk, 100 Plus, Dược phẩm Quang Anh, Dược phẩm Phong Phú, nhà may Kiều Oanh, nhóm CTXHTT Tổng công ty Điện lực TP.HCM.

Bên lề

●Vóc dáng teo gầy còn hơn cả cô cháu gái Nguyễn Thị Hồng Thắm (lớp 8, Q.12), cũng có lẽ là người lớn tuổi nhất trong số những người thân đến tham gia chương trình, bà Đặng Thị Này (78 tuổi) cho biết: “Con trai tôi phụ hồ, con dâu làm công nhân. Nhà tôi thuộc diện xóa đói giảm nghèo nhưng cháu học giỏi lắm, tự học thôi, vì tôi và mẹ nó đều không biết chữ, cha chỉ mới học đến lớp 4, đâu có ai chỉ dẫn cho con học hành được”.

● Hớt hải đến khi buổi lễ đã sắp… kết thúc, mang theo giấy chứng nhận được nhận HB ghi tên Nguyễn Vương Bảo Ngọc (lớp 6, Q.2), anh Nguyễn Quốc Anh (Q.2) trần tình: “Con gái sáng nay đi thi môn tiếng Anh, còn tôi bận đi làm, tranh thủ giờ giải lao chạy đến nhận HB thay con”. Sau khi ly hôn, một mình nuôi hai con bằng nghề thợ cơ khí nhưng chưa bao giờ anh Quốc Anh nản lòng bởi “Ngọc rất thương cha, đi học về biết nấu cơm, chăm sóc em trai và học rất giỏi”.

● Trong lúc con gái là Diệp Thanh Phương (lớp 2, Q.6) vào nhận HB, anh Diệp Hồng Phát đưa vợ đến BV Bình Dân. Tranh thủ lúc vợ chờ khám bệnh, anh chạy được một cuốc xe ôm trước khi quay về BV đón vợ, đến chương trình đợi con. Buổi lễ kết thúc anh khoe vớ i con: “Ba vừa kiếm được 70.000đ cuốc xe. Hôm nay nhà mình sẽ nấu một bữa ngon mừng con được HB”. Sáu năm nay vợ anh bị suy thận, cách ngày phải vào BV, mọi gánh nặng mưu sinh dồn hết trên vai anh. Nghề xe ôm của anh không đủ sống, nên cậu con trai vừa đậu đại học của anh chị đã phải tạm dừng việc học để kiếm việc làm phụ gia đình.

● Vừa đến chương trình, em Lư Gia Văn (nhân vật trong bài Mồ côi, tội lắm ai ơi trên báo Phụ Nữ số 94 ngày 22/8) đã tìm ban tổ chức để khoe: “Sau bài báo về hoàn cảnh của con, có hai cô đến nhà tặng con và ngoại mộ t triệu đồng. Bà ngoại vui lắm, đi thắp nhang cho mẹ con, khấn: “Bé Văn được xã hội thương yêu, lo lắng nên con cứ an lòng nhé”. HB này cùng với sự giúp đỡ của các cô chú hảo tâm sẽ giúp con bớt nỗi sợ phải nghỉ học nửa chừng”.

T. Dân

Phong Vân - Khánh Thủy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI