Báo chí hoạt động ra sao nơi tâm dịch COVID-19?

18/09/2021 - 13:45

PNO - Từ khi dịch COVID-19 bắt đầu cũng là lúc các phóng viên “quay cuồng” đưa thông tin nhanh nhất. Các điểm nóng COVID-19 đều có các phóng viên tác nghiệp.

Ngày 18/9, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng - Bộ Y tế tổ chức tọa đàm trực tuyến “Báo chí truyền thông trong tuyến đầu chống dịch COVID-19”. Chủ trì buổi tọa đàm gồm nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; TS. Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Truyền thông & Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế và PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo.

Tại điểm nóng dịch bệnh TPHCM, nhà báo Trần Trọng Dũng - Ủy viên Ban thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM đã nhấn mạnh vai trò của báo chí truyền thông trong phòng chống COVID-19. Nhà báo Nguyễn Quang Thông - Uỷ viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam – Tổng biên tập Báo Thanh Niên đã khái quát những khó khăn, thách thức và kinh nghiệm của Báo Thanh Niên trong việc thông tin về đại dịch COVID-19.

Ban Chủ trì tọa đàm
Ban Chủ trì tọa đàm

Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM cho biết, ngoài thông tin thời sự về dịch bệnh, Báo đã lựa chọn những đề tài vừa phù hợp với định hướng vừa rất nóng bỏng trong thời điểm dịch bệnh: Đó là bảo vệ gia đình.

Báo triển khai những nội dung liên quan đến đề tài lớn này như làm sao hài hòa những mối quan hệ trong gia đình. Trong thời điểm bình thường, mỗi sáng thức dậy, cha mẹ đi làm, con đi học, đến tối cả nhà đoàn tụ bên nhau trong bữa cơm gia đình. Nhưng trong thời điểm dịch bệnh này, hầu như những thành viên ở nhà 24/24 giờ, khó tránh những va chạm. Trong những sẻ chia các chị em gửi về cho Báo có nhiều tâm sự về trục trặc trong gia đình. Mục tiêu của Báo là tâm sự, truyền đạt những kinh nghiệm hài hòa các mối quan hệ trong gia đình, giữ hòa khí để giúp các thành viên hiểu nhau hơn.

Nhóm đề tài lớn thứ hai về bảo vệ gia đình trong đại dịch là giữ sức khỏe thể chất và tâm thần. Báo lấy ý kiến các chuyên gia về bảo vệ sức khỏe, tư vấn giảm stress trong những ngày giãn cách, làm thế nào để ở yên trong nhà.

Nội dung thứ 3 là Báo đặt trọng tâm vào giữ ổn định trong việc học hành của các con. Đây cũng là vấn đề nhiều bà mẹ đang quan tâm. Việc học online đang rất vất vả, với cả các bé vào lớp 1 và lớp 2, lớp 3. Các anh chị đã gửi thư, gọi điện cho tòa soạn xin ý kiến tư vấn để làm sao hợp tác với bé tốt hơn. Chúng tôi đã lấy ý kiến các chuyên gia để giúp các phụ huynh làm sao có thể giúp con hiểu bài nhưng cũng rèn cho con sự tự lập. Ngoài ra có một số con bị kẹt ở quê, không về lại TPHCM để học tập. Chúng tôi nhờ đến các chuyên gia chia sẻ lời khuyên giúp phụ huynh an tâm hơn.

TPHCM là trung tâm kinh tế lớn cả nước nhưng khoảng cách giàu nghèo cũng rất lớn, nhiều trẻ thiếu phương tiện học tập online. Báo Phụ Nữ TPHCM phát động chương trình đóng góp thiết bị giúp trẻ học tập. Chúng tôi nhận định các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cũng đã cạn kiệt sức lực nên tập trung vào các gia đình còn những chiếc máy tính cũ nhưng vẫn dùng được để quyên góp.

Nội dung thứ 4 trong bảo vệ gia đình là làm sao để chị em phụ nữ vẫn giữ được sắc đẹp, giữ được sự tự tin; dù làm việc ở nhà nhưng vẫn đẹp, gọn gàng. Và khi đã tự tin thì mới có thể giữ được nếp nhà êm ấm.

Báo Phụ Nữ có chuyên mục tâm sự với chị Hạnh Dung - chia sẻ tâm sự với các chị em; đặc biệt với cả các anh về tình yêu, hôn nhân, gia đình. Theo một khảo sát, 55% độc giả của Báo Phụ Nữ TPHCM là nam giới. Vì vậy, chuyên mục này vẫn lắng nghe tâm sự của các anh. Trong mùa dịch, do không thể trực tiếp tư vấn tại tòa soạn, Báo đã mở đường dây nóng để lắng nghe những tâm sự những điều chưa trọn vẹn trong gia đình, trong tình yêu, giáo dục con cái. Ngoài ra, Báo cũng mở mục Chat với chị Hạnh Dung trên báo điện tử, là nơi các chị trút tâm sự của mình trong những ngày bức bối, vất vả. Báo Phụ Nữ TPHCM cũng muốn vực dậy tinh thần chị em. Trong gia đình, tinh thần chị em phụ nữ thoải mái, yên tâm thì cả gia đình mới êm ấm. Vấn đề tâm lý trong mùa dịch là rất nhiều nên Báo Phụ Nữ TPHCM phải mời thêm các chuyên gia tâm lý để hỗ trợ trả lời bạn đọc.

Sợi chỉ xuyên suốt của Báo Phụ Nữ TPHCM trong thời gian này là truyền năng lượng tích cực cho bạn đọc trong những ngày giãn cách. Trong thời điểm này, nhiều người thường chia sẻ trên Facebook tin tích cực cũng có, tin tiêu cực cũng không ít. Cho nên để giúp mọi người có nơi chia sẻ thông tin, Báo mở chuyên mục Chia sẻ gì trên Facebook. Điều đáng mừng là tất cả các ý kiến gửi đăng điều khẳng định: nếu viết những gì tích cực trên Facebook đó chính là đã góp phần vào chống dịch.

Một đề tài khá quan trọng mà Báo làm đậm trong những ngày qua là hình ảnh những người phụ nữ trong đại dịch, từ hình ảnh các nữ y bác sĩ xa chồng con; niềm vui mừng vỡ òa của các chị khi bệnh nhân hết bệnh; hình ảnh các chị hội viên hội phụ nữ; các cán bộ cơ sở vừa an sinh cho người dân vừa chống dịch; hình ảnh các nữ tình nguyện viên chở bệnh nhân nhập viện; chở bệnh nhân về khi hết bệnh. Rõ ràng, các chị em làm việc không thua gì các anh; cũng lăn xả; gian lao, vất vả. Ngoài ra, phụ nữ còn có những tâm sự, nỗi buồn mà đôi khi các anh cũng không hiểu được.

Tại tòa soạn Báo Phụ Nữ TPHCM, các nữ phóng viên, biên tập viên cũng lăn xả không thua kém gì các đồng nghiệp nam; cũng tình nguyện vào những nơi khó khăn. Có bạn chưa lập gia đình, tình nguyện đến những điểm nóng.

Bà Lý Việt Trung nói: “Thật sự rất là thương. Đã có bạn nhiễm bệnh. Do chỉ sống một mình nên chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi nhắn tin, gọi điện động viên; liên hệ các cơ sở y tế gần nhất để hỗ trợ cho bạn. Rất may mắn, Báo có nhiều ca F0 nhưng đến thời điểm này đã khỏi bệnh, bảo toàn được lực lượng”.

Ông Tô Đình Tuân -  Tổng Biên tập báo Người lao động
Ông Tô Đình Tuân - Tổng biên tập Báo Người Lao Động

Nhà báo Tô Đình Tuân - Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà báo TPHCM, Tổng biên tập Báo Người Lao Động đã chia sẻ kinh nghiệm của Báo Người Lao Động trong hoạt động tổ chức đội ngũ phóng viên tác nghiệp tại tâm dịch TPHCM. Ông chia sẻ kinh nghiệm sản xuất báo in qua điều hành trên không gian mạng hay các biện pháp phòng chống thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật về đại dịch COVID-19. Đặc biệt, Báo Người Lao Động đã tổ chức được các tuyến bài "Những vùng đất hồi sinh sau bão lũ" động viên những cá nhân người dân miền Trung có hành động ủng hộ người dân miền Nam. Bên cạnh đó, Báo Người Lao Động đã tổ chức các Chương trình thiện nguyên như "Tổ quốc cần cả nước chung tay", "Thực phẩm miễn phí",... qua đó cùng xã hội chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19.

6 kinh nghiệm chính của hoạt động báo chí trong tâm dịch được nhà báo Tô Đình Tuân chia sẻ là:

 - Xây dựng tổ tác chiến với tiêu chí ưu tiên cho phóng viên  đã có  2 mũi vắc xin, trẻ khỏe, không bệnh nền, chưa gia đình và phải quyết tâm. Phải dựa trên đề xuất của chính phóng viên. Tuy nhiên, thực tế tại báo Người Lao Động, thì rất nhiều người đăng ký nhưng cũng không được chọn vì số thẻ cấp ra đường rất hạn chế. Ngoài ra, việc cấp giấy đi đường cho 8 hay 10 phóng viên là rất ít so với hàng trăm phóng viên. Vì vậy, Báo lập bản đồ số, khi phóng viên ở quận nào thì chịu trách nhiệm cho quận huyện đó. Vấn đề nào vượt tầm, sẽ có cấp trưởng phòng hỗ trợ qua các kênh trực tuyến. Đồng thời mua sắm trang thiết bị bảo hộ cho phóng viên vì vậy chỉ có duy nhất 1 F0 trong tác nghiệp, đã âm tính trở lại.

- Tổ chức xuất bản báo in qua không gian mạng: Thông thường xuất bản báo in phải gặp nhau nhưng từ tháng 4/2020, báo Người Lao Động bắt đầu tận dụng công nghệ để xuất bản. Sau 1 thời gian rèn luyện, điều chỉnh, suốt 3-4 tháng qua, xuất bản qua không gian mạng không thua kém gì so với lúc tập trung tại tòa soạn.

- Tập trung cho các sáng kiến về COVID-19: Báo có hơn 6.000 tin bài liên quan COVID-19; trong đó tập trung vào các cá nhân, mô hình hay tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến để tạo ra sức lan tỏa; khai thác về các mô hình chống dịch trên thế giới (có gửi đến lãnh đạo TP tham khảo). Tổ chức các loạt bài như Hồi sinh từ vùng đất chết, để thấy con người Việt Nam trong khó khăn, gian khổ vẫn yêu thương, đùm bọc. 

- Thiết lập chuyên mục truy vết mạng xã hội để nói lại những điều mạng xã hội nói sai lệch. Từ đó đã phát hiện nhiều cái sai từ các trang mạng xã hội. Báo có mở có phòng mạch online, sau khỏi thời gian ngắn là giải đáp ngay.

- Tổ chức cuộc thi như Thầy thuốc trong tôi để tôn vinh lực lượng tuyến đầu. Ngoài thi viết còn thi ảnh, clip. Ngày 28/8, tổ chức thi ảnh đặc biệt Thiêng liêng Cờ Tổ Quốc. Đó là tinh thần thiêng liêng, tất cả vì Tổ Quốc, không lùi bước, không chấp nhận thất bại

- Đẩy mạnh các chương trình xã hội sau mặt báo như quyên góp lương thực, thực phẩm; phát động chương trình Tình thương cho em giúp đỡ cho trẻ em bị mồi côi cha mẹ do COVID-19.

Nhà báo Mai Vũ Tuấn - Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, Tổng biên tập Báo Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền phòng chống đại dịch COVID-19 và kiến nghị cần có chính sách dành cho cơ quan báo chí và phóng viên khi tác nghiệp tại tuyến đầu. Ông cũng kiến nghị các cơ quan chủ quản đặt hàng cơ quan báo chí, các cơ quan báo chí cũng cần phối hợp cùng nhau để cùng thực hiện nhiệm vụ chống dịch.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế đã chia sẻ dưới góc nhìn của một nhà kinh tế. Ông đánh giá cao vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Ông cho rằng, những thông tin được cập nhật, trung thực sẽ giúp 800 ngàn doanh nghiệp nước ta có biện pháp để vừa phòng chống dịch, vừa tham gia sản xuất. Ông hết sức chia sẻ những khó khăn của báo chí trong đại dịch COVID-19 hiện nay. Về đề xuất, ông đã có những đề xuất kinh tế cho ngành báo và nhà báo, theo đó, Bộ Tài chính cần có ngân khoản hỗ trợ các cơ quan báo chí. Riêng với các phóng viên, nhà báo, Bộ Tài chính và các ngân hàng có chương trình tín dụng đặc biệt cho họ, cho thời gian giãn nợ để bảo đảm họ vẫn duy trì cuộc sống gia đình của mình.

Phát biểu bế mạc tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Cũng như lực lượng y tế, công an, quân đội, lực lượng báo chí là những người trong tuyến đầu chống dịch. Trong đợt dịch cao điểm vừa qua, các phóng viên nhà báo đã phải tăng tốc để truyền tải các thông tin nhanh nhất đến khán giả. Hoạt động buôn bán sinh hoạt có thể phải ngừng lại, nhưng các toà soạn, các đài phát thanh, truyền hình, thì không thể ngừng hoạt động. Họ phải tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh với sức ép tin bài lớn, nhưng báo chí, giữa khó khăn của bệnh dịch bủa vây, vẫn đảm bảo truyền tải thông tin nhanh, chính xác, chân thực nhất.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI