Bấm bụng sống chung với… người chết

15/03/2019 - 14:00

PNO - Tại TP.HCM, trong khi người dân ở nhiều nơi vẫn chưa biết đến khi nào thoát cảnh sống chung với những ngôi mộ cũ thì gần đây, lại rộ lên nạn chôn cất trái phép trong khu dân cư.

Thậm chí, trong một khu đô thị mới ở Q.12, một khu mộ to nằm chắn ngang con đường nhựa rộng hơn 30m.

Rộ nạn bán đất xây mộ “chui”

Đầu tháng 3/2019, khi vào vai người cần tìm đất xây mộ cho người thân, chúng tôi được ông H. - ở H.Bình Chánh - gợi ý: “Chú đừng mua đất trong nghĩa trang Đa Phước làm chi, tốn kém lắm. Cứ vô mấy khu dân cư ở Đa Phước, hỏi mua đất xây mộ là họ bán ngay, chỉ bằng nửa giá trong nghĩa trang”.

Bam bung song chung voi… nguoi chet
Những khu mộ trái phép trong khu dân cư ở xã Đa Phước, H.Bình Chánh

Cũng theo ông H., dù quy định cấm chôn cất trong khu dân cư đã có từ rất lâu nhưng ở xã Đa Phước, vài năm trở lại đây, mộ vẫn mọc lên trên đất ruộng, vườn. “Cấm thì cấm nhưng họ lách được hết. Nếu trước đây chỉ có lẻ tẻ vài ngôi mộ thì bây giờ, có hẳn một nghĩa trang tự phát trong khu dân cư ở Đa Phước. Tôi bán vật liệu xây dựng nên biết hết” - ông H. khẳng định.

Chiều 6/3, chúng tôi nhập vai “cò” đất xây mộ, đến xã Đa Phước tìm hiểu. Băng qua đường vào nghĩa trang Đa Phước hơn 1km về hướng tỉnh Long An, chúng tôi nói cần mua đất ruộng để xây mộ, người dân chỉ ngay: “Chú đi xuống chỗ chùa Tam Bửu Tự, người ta bán đất vườn xây mộ hà rầm dưới đó, có đất đủ để làm nghĩa trang gia tộc luôn”.

Dọc đường vào Tam Bửu Tự (ấp 2, xã Đa Phước), chúng tôi phát hiện, rất nhiều ngôi mộ xây kiên cố mới mọc lên từ nền đất ruộng hoặc ngay trong vườn nhà dân. Nghe chúng tôi hỏi mua đất xây mộ, một người chạy xe ba gác chỉ thẳng vào nhà ông Tư K.: “Nhà ổng còn cả chục phần đất xây mộ, nhưng giá đắt lắm à nha, mua nổi hông?”.

Nhà ông Tư K. nằm trong một con hẻm ngay gần Tam Bửu Tự, mộ mọc kín hai bên lối vào nhà, nhiều ngôi mộ lớn được xây kiên cố cách đây chỉ mới hai, ba năm. Biết chúng tôi đến mua đất, vợ ông Tư K. chạy ra giới thiệu: “Sáng nay, mới có người đến mua một chỗ nè. Nghe đâu người nhà cũng yếu lắm rồi, chắc vài ngày nữa chôn. Ở đây, một phần đất mộ là 25 triệu đồng, mua rồi ưng xây gì thì xây”.

Nói dứt lời, vợ ông Tư K. dắt chúng tôi ra “nghĩa trang” cách chỗ con gái bà đang rửa chén chừng chục bước chân. Các phần mộ được xây ngay trong vườn nhà, còn rất mới. Theo giới thiệu của chủ nhà, những ngôi mộ này chỉ mới xây cách nay chừng hai năm. Giữa hai dãy mộ xây kiên cố, còn một khu đất trống.

Theo vợ ông Tư K., ở đây còn bảy phần đất xây mộ, hồi sáng bán một nên giờ còn sáu. “Cỡ tháng này, người ta mua đất xây mộ nhiều lắm, mà tôi cũng bán hết mấy phần này thôi, không bán nữa. Xây sát nhà quá cũng không tốt” - vợ ông Tư K. nói.

Khi được hỏi khu vực này có được phép xây mộ không, vợ ông Tư K. khẳng định chắc nịch: “Xây chớ, đất nhà tui bán, có ai nói gì đâu”. Hỏi thêm về dịch vụ xây mộ “chui”, người đàn ông đi cùng bà Tư K. cười: “Cái này ông Tư lo luôn, mấy anh em ổng làm nghề xây mà. Nhưng, 25 triệu là phần đất thôi, tiền xây là riêng à nghen”.

Rời xã Đa Phước, chúng tôi còn được một người chở vật liệu xây dựng ghi cho vài số điện thoại của người dân có nhu cầu bán đất xây mộ. Họ cho biết, đất xây mộ ở xã Đa Phước đang lên giá từng ngày, nếu cần mua phần đất làm mộ gia tộc thì phải mua sớm. “Anh về bàn lại với gia đình đi, nếu mua thì xuống đây tôi giới thiệu cho, nhiều người bán lắm”.

Cơn sốt đất xây mộ “chui” có lẽ là thật, vì đến ngày 7/3, khi chúng tôi liên hệ với ông Tư K. để mua chỗ xây mộ thì ông này cho biết: “Chú thông cảm, tui bán hết mất rồi”.

Sống chung với cõi âm

Người dân ở xã Đa Phước cho biết, tình trạng “chôn lén” người chết trên đất ruộng diễn ra từ vài năm nay. Khi số mộ tăng lên, người dân địa phương càng thêm lo lắng vì phải sống chung với ô nhiễm. Đặc biệt, vào mùa mưa, các khu mộ nằm trong đất ruộng bị ngập úng, gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Bam bung song chung voi… nguoi chet
 

“Trước đây, mùa mưa, người ta còn lội ruộng bắt cá, còn bây giờ, không ai dám. Gần các khu mộ mới chôn bị ngập nước, người dân làm đồng lội qua cũng bị phù chân, ngứa da” - ông T.V.S., ngụ tại xã Đa Phước chia sẻ. Cảnh sống chung với người chết gây ám ảnh cho nhiều gia đình ở địa phương, nhưng ít ai lên tiếng báo với chính quyền vì sợ phật lòng hàng xóm.

Nhiều năm nay, người dân sống trong khu đô thị Sin Cô (Q.Bình Tân, TP.HCM) phải chịu cảnh “sống chung với cõi âm” trên đoạn đường dài khoảng 500m. Bên trong những căn nhà có khuôn viên rộng lớn là những ngôi mộ được xây kiên cố, nằm cặp vách nhà.

Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ riêng một đoạn từ đầu hẻm đi vào chưa đầy 500m, đã có đến 12 ngôi mộ lớn được xây kiên cố trong khuôn viên nhà riêng, có cột cao, chạm khắc công phu, có sư tử đá canh giữ…

Người dân ở đây cho biết, đa phần mộ ở khu vực này là mộ cũ, được xây dựng mới trở lại, một số ít mộ được chôn cất vài năm trở lại đây. Sở dĩ có tình trạng này là do trước đây, đất ở khu vực này còn khá rẻ nên thay vì phải mua đất ở nghĩa trang với giá cao, họ xây hẳn mộ trong nhà, vừa đỡ tốn tiền mua đất, vừa tiện bề chăm sóc, hương khói.

Tại Q.Gò Vấp, ngay mặt tiền những tuyến đường sầm uất như đường số 8, đường Thống Nhất, Lê Đức Thọ, chúng tôi cũng bắt gặp khá nhiều khu mộ lớn nằm xen kẽ giữa những khu dân cư. Trong một khu đô thị mới thuộc P.Tân Thuận Tây, Q.12, nhiều người ngỡ ngàng khi thấy ngay trên tuyến đường nhựa (đường DD5) rộng hơn 30m, vẫn còn một khu mộ nằm chắn ngang, chưa giải tỏa được.

“Nghe nói khu mộ này có lâu rồi, do chủ đầu tư dự án khu dân cư này chưa thỏa thuận được phương án bồi thường nên chưa di dời được. Đường này đã xây hơn sáu năm rồi nhưng khu mộ vẫn nằm đó” - anh Thuận, mới mua nhà ở đây, cho hay.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các quận 2, 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, vẫn còn rất nhiều mồ mả nằm xen kẽ trong khu dân cư. Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Q.2 - cho biết, theo thống kê cách đây vài năm, toàn quận còn 18 khu nghĩa trang, nghĩa địa với tổng diện tích hơn 126.000m2 với khoảng 16.100 ngôi mộ.

Các khu nghĩa trang, nghĩa địa tập trung nhiều ở 3 phường Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái. Có 16 nghĩa trang đã ngưng chôn cất từ năm 2001 nhưng có hai nghĩa trang do gia tộc quản lý vẫn còn hoạt động.

Trong một báo cáo gửi Sở TN-MT TP.HCM, Phòng TN-MT Q.2 cho biết, đa số nghĩa trang ở quận này có trước năm 1975, dạng nghĩa trang gia tộc, họ tộc. Bấy giờ, những khu này chưa có người ở.

Tuy nhiên, do đô thị hóa nhanh, ở nhiều khu vực có nghĩa trang, dân cư ngày càng đông đúc, nguồn gốc sử dụng đất của các khu nghĩa trang này cũng rất phức tạp. Có nơi, người dân vào chiếm chỗ trong nghĩa trang rồi ở lại luôn; có nơi, hội đoàn giao việc quản lý, trông coi nghĩa trang cho một người, người này sau đó lại sang nhượng đất cho nhiều người khác.

Bam bung song chung voi… nguoi chet
Một khu mộ nằm giữa đường trong một khu dân cư mới tại P.Tân Thuận Tây, Q.12

Còn theo thống kê của Phòng TN-MT Q.9, toàn quận hiện có 28 khu nghĩa trang tự phát, chiếm hơn 94.000m2 với hơn 6.000 ngôi mộ.

Ô nhiễm nguồn nước ngầm, lây lan dịch bệnh

Trao đổi với chúng tôi, hầu hết người dân sống gần các nghĩa trang bày tỏ mong muốn sớm đóng cửa và di dời các khu chôn cất này.

“Sợ nhất là chuyện ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh. Lúc chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa, mỗi khi mưa xuống, hơi đất từ khu nghĩa địa bốc lên rất khó chịu, người nào sức khỏe yếu là bị nhiễm bệnh ngay. Đó là chưa kể, xác người phân hủy gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, trong khi ở đây, nhiều người vẫn còn dùng nước giếng khoan” - một người dân ở đường Thống Nhất, Q.Gò Vấp, quan ngại.

Một bác sĩ từng công tác ở Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, tình trạng nghĩa địa nằm xen kẽ trong khu dân cư có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM từng khảo sát tình trạng nước giếng khoan ở Q.Gò Vấp.

Kết quả, nhiều mẫu nước bị nhiễm nitrat - chất phân hủy từ xác người ở các khu nghĩa địa hoặc phân hủy từ bãi chôn rác. Sử dụng nước giếng khoan có nhiều nitrat sẽ có hại cho sức khỏe. Vị này giải thích thêm: “Trẻ em uống sữa có pha nước nhiễm nitrat hoặc ăn rau quả có nhiễm nitrat với hàm lượng vượt mức cho phép sẽ  bị gián đoạn quá trình trao đổi ô-xy, dẫn đến thiếu máu, ngộp thở”.

Trước đây, Xí nghiệp Cấp nước Trung An (nay là Công ty cổ phần Cấp nước Trung An) cũng đã lấy nhiều mẫu nước giếng ở nhà dân tại Q.Gò Vấp xét nghiệm với kết quả: có rất nhiều mẫu nước giếng khoan nhiễm chất amoni và nhiễm vi sinh.

Tại Q.2, nơi có nhiều nghĩa trang xen kẽ trong khu dân cư, vào năm 2013, UBND Q.2 đã cho lấy mẫu nước ngầm tại các giếng khoan của nhà dân tiếp giáp các nghĩa địa. Kết quả, nước ngầm ở một số nơi bị nhiễm vi sinh, kim loại nặng.

Trao đổi với chúng tôi về tiến độ di dời các khu chôn cất nằm xen kẽ trong khu dân cư, một lãnh đạo Phòng TN-MT Q.9 cho biết: “Khoảng 5 năm trước, Sở TN-MT TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM có chủ trương di dời, sau đó có yêu cầu một số quận, huyện thống kê, báo cáo hiện trạng. Nhưng từ đó đến nay, quận không nhận thêm chỉ đạo nào của Sở TN-MT nên không biết lộ trình di dời mồ mả sẽ được thực hiện ra sao”.

Trong khi lộ trình di dời mộ chưa biết khi nào thực hiện thì tại những địa phương có nhiều nghĩa trang, nhiều hộ dân vẫn còn thói quen sử dụng nước giếng khoan, không dùng nước máy. Đơn cử, tại Q.Bình Tân - nơi có nghĩa trang Bình Hưng Hòa và nhiều khu chôn cất nằm trong khu dân cư - hiện toàn quận vẫn có hơn 12.000 hộ dân không sử dụng nước máy, theo thống kê của Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn.

Theo bác sĩ Lê Văn Nhân - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - mồ mả nằm xen kẽ trong khu dân cư vừa tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, vừa có nguy cơ phát tán dịch bệnh.

“Theo quy định của Bộ Y tế, việc chôn cất phải được thực hiện ở những khu vực được cấp phép và quá trình chôn cất phải tuân thủ các điều kiện về vệ sinh phòng dịch, có sự giám sát của cơ quan chuyên môn. Việc chôn cất tự phát ở nơi không được phép là rất nguy hiểm” - bác sĩ Nhân nói.

TP.HCM di dời nghĩa trang, khuyến khích hỏa táng

Trong báo cáo vừa gửi Bộ TN-MT, UBND TP.HCM cho biết, công tác di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa (nghĩa trang lớn nhất TP.HCM) được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đã bốc được hơn 13.370 ngôi mộ, còn lại hơn 2.160 ngôi mộ; giai đoạn 2 đã bốc hơn 5.780 ngôi mộ, còn lại hơn 10.780 mộ. Ngoài nghĩa trang Bình Hưng Hòa, UBND TP.HCM cũng có chủ trương di dời nghĩa trang ra khỏi các khu dân cư ở nội thành; quỹ đất sau khi di dời sẽ được ưu tiên làm các công trình công cộng. Từ cuối năm 2017, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương hỗ trợ chi phí hỏa táng với mức 3 triệu đồng/trường hợp, nhằm khuyến khích hình thức “chôn cất” có lợi cho môi trường này.

Sơn Vinh - Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI