Bãi giữ xe giữa Sài Gòn 'phù phép' thành bến xe, thu tiền như... BOT

14/09/2019 - 11:30

PNO - Có giấy phép kinh doanh giữ xe nhưng bãi xe 233 Hòa Bình, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú, TP.HCM hoạt động như một bến xe khách.

Bãi xe này còn tổ chức thu tiền xe máy ra vào theo kiểu “trạm BOT”, gây bức xúc cho nhiều người. Người dân cho biết, bến xe “chui” này đã hoạt động nhiều năm liền.

Bãi giữ xe thành bến xe

Thường xuyên chở hàng qua đường Hòa Bình, anh N.V.T. (Q.Tân Phú) ám ảnh nhất là lúc rạng sáng. Khi đó, hàng loạt xe khách mang biển số miền Trung sẽ “cập bến” ở bãi xe 233 Hòa Bình. Đường hẹp, xe ra vào nhiều nên chỉ cần lơ là, sẽ xảy ra tai nạn. Đó là chưa kể, cứ mỗi lần xe vào bãi, hành khách lại túa ra đường rất đông.

Phản ánh đến Báo Phụ Nữ TP.HCM, nhiều người dân ở P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú cho rằng, thực chất, bãi xe 233 Hòa Bình là dạng bến cóc trá hình vì ở đây có hoạt động đón và trả khách. Xe khách vào ra bãi này chủ yếu đi tuyến TP.HCM - miền Trung. Có thời điểm, có đến hàng chục chiếc xe khách loại 45 chỗ ở trong bãi.

Bai giu xe giua Sai Gon 'phu phep' thanh ben xe, thu tien nhu... BOT
Người ra vào bãi xe phải đóng 5.000 đồng/lượt

Rạng sáng một ngày đầu tháng Chín, chúng tôi tìm đến bãi xe 233 Hòa Bình thì bắt gặp cảnh nhiều người tất tả xách hành lý từ trong bãi đi ra. Một người phụ nữ quê ở tỉnh Quảng Ngãi cho biết, chị đi xe của hãng Bình Tâm từ TP.Quảng Ngãi vào bến xe 233 Hòa Bình. Mọi khi, hãng Bình Tâm trả khách ở bến xe Miền Đông nhưng gần đây, họ mở thêm “bến” ở đường Hòa Bình để đón và trả khách.

Khi chúng tôi gọi điện đặt vé xe của hãng Bình Tâm, nhân viên trực tổng đài cho biết, hiện nhà xe có bán vé cho khách xuất bến ở 233 Hòa Bình. Khách muốn đi thì đến bến xe lúc 12g  hằng ngày. Thời gian trả khách từ Quảng Ngãi vào TP.HCM là rạng sáng.

Tương tự, nhân viên bán vé của hãng xe khách Đình Kha cũng cho biết, nhà xe của mình đón và trả khách tại 233 Hòa Bình vào rạng sáng hoặc giữa trưa. Rạng sáng hoặc giữa trưa là lúc lực lượng chức năng vắng bóng. “Kiểu xe dù, bến cóc này hoạt động rất rầm rộ. Chẳng lẽ người dân biết mà chính quyền địa phương không biết?” - anh T. đặt vấn đề.

Liên quan đến vụ việc này, ông Vương Kiến Tân - Phó chủ tịch UBND P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú - cho biết, bãi xe 233 Hòa Bình là hộ kinh doanh hoạt động giữ ô tô, xe hai bánh qua đêm. Trước đây, mỗi năm, UBND phường đều lập danh sách báo cho UBND quận về tình trạng đón, trả khách tại điểm này và hằng năm, UBND quận đều có kế hoạch kiểm tra. “Chúng tôi cũng mới kiểm tra điểm giữ xe 233 Hòa Bình, còn việc có hoạt động đón, trả khách tại đây hay không thì thẩm quyền kiểm tra thuộc cấp quận trở lên” - ông Tân cho hay.

Điều đáng ngạc nhiên là, trong 108 điểm có hoạt động đón, trả khách cần kiểm tra, chấn chỉnh theo chỉ đạo của UBND TP.HCM (do Sở Giao thông Vận tải  TP.HCM thống kê hồi tháng 6/2019), không có bãi xe “chui” 233 Hòa Bình. 

Thu phí kiểu “ăn cướp”

Không chỉ bức xúc với kiểu xe dù, bến cóc trá hình, nhiều người dân còn bức xúc với hình thức thu tiền “lụi” ở bãi xe 233 Hòa Bình. Tại bãi xe này, có hoạt động đón, trả khách nên trung bình mỗi ngày, có hàng trăm lượt người dân ra vào bãi này. Cứ mỗi lượt ra vào, người dân phải mất tiền oan cho một nhóm người túc trực trước cổng.

Bai giu xe giua Sai Gon 'phu phep' thanh ben xe, thu tien nhu... BOT
Thanh niên áo trắng thu tiền người ra vào bãi xe 233 Hòa Bình

Anh L.S.K. (Q.Tân Bình, TP.HCM) bức xúc kể, mới đây, anh có nhu cầu gửi một món đồ về quê. Theo yêu cầu của nhà xe, anh phải đến bến xe 233 Hòa Bình gửi. Mặc dù đã đóng tiền cước gửi hàng cho nhà xe nhưng khi ra cổng, anh K. vẫn bị một thanh niên chặn lại thu phí 5.000 đồng. Khi anh K. thắc mắc, thanh niên này giải thích là “tiền vào cổng”.

Tương tự, chị N.T.M.L. cho biết, cách đây không lâu, chị ghé vào bãi xe chưa đầy 3 phút để đón người thân. Khi vừa ra cổng, chị đã bị một thanh niên gọi lại đòi 5.000 đồng tiền xe. Theo chị L., số tiền 5.000 đồng/lượt vào cổng là không lớn nhưng tổng thu lại không hề nhỏ vì mỗi ngày, lượng người ra vào bãi rất đông.

“Nếu thu phí, lẽ ra họ phải có thông báo, bán vé đàng hoàng. Đằng này, họ không có bất cứ giấy tờ nào cả, không biết tiền vào túi ai. Trong khi tôi nhẩm đếm, có đến hàng chục chiếc xe khách ở bãi xe, lượng người ra vào mỗi ngày vài trăm người nên số tiền thu được rất lớn” - chị L. nói.

Đúng dịp lễ 2/9, trong vai một người chở hàng, chúng tôi đến nhận hàng từ một xe khách ở trong bãi xe 233 Hòa Bình. Dù đã đóng tiền cho hãng xe nhưng khi ra cổng, chúng tôi vẫn bị chặn xe thu 5.000 đồng dù chỉ vào chưa đầy 4 phút và không gửi xe. Cùng lúc, nhiều người chạy xe máy ra, vào bến xe cũng bị “chặn đầu” thu tiền. Nhiều người ngơ ngác, không hiểu mình đang nộp loại phí gì, cho ai.

Ông M.Y. - chạy xe ôm, ở Q.Tân Phú - cho biết, đóng tiền cho bãi xe 233 Hòa Bình nhiều nhất là những người chở hàng thuê, mỗi lượt ra, vào đều phải đóng 5.000 đồng: “Vậy thì, họ thu đến vài triệu đồng/ngày. Kiểu thu tiền này giống ở trạm BOT, chỉ là khác là không có giấy tờ gì cả”.

Liên quan đến việc thu tiền “lụi” ở bến xe 233 Hòa Bình, ông Vương Kiến Tân cho biết, UBND phường không quản lý vấn đề này. “Có thể là có hiện tượng như gửi đồ đạc về quê thì họ thu tiền phí vận chuyển. Chuyện mà phóng viên nói ai ra vô cũng thu 5.000 đồng thì chúng tôi không nắm được. Cái này rõ ràng là thu không đúng quy định rồi, nhưng không biết họ thu như vậy là nội dung gì. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại”. 

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Trao đổi với chúng tôi, nhiều luật sư ở TP.HCM cho rằng, việc thu tiền ở bãi xe 233 Hòa Bình như Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh là có dấu hiệu thu phí trái quy định theo điểm b, khoản 1, điều 16 Luật Phí và Lệ phí năm 2015. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy tính chất, mức độ vi phạm. Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm. 

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI