Làm giàu từ thuở sinh viên

Bài 4: Muốn không thất nghiệp, phải tự trang bị kỹ năng mềm

25/10/2020 - 07:25

PNO - Hiện nay, nhóm có số người không tìm được việc làm cao nhất vẫn là cử nhân đại học và nhóm thất nghiệp ít nhất là sơ cấp nghề. Thế nhưng, đại học vẫn tiếp tục là lựa chọn của nhiều thanh niên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

 

Hiện có không ít người khởi nghiệp, làm giàu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều người trong số đó phải đi học xa quê và xuất thân không phải từ gia đình khá giả... Dù bận rộn kinh doanh, họ vẫn duy trì đường học và cố gắng học tốt. 

Bài 1: Cô sinh viên làm chủ hai cửa hàng hải sản

Bài 2: Làm chủ để không còn lo “ra trường thất nghiệp”

Bài 3: Tự trang bị kiến thức, kỹ năng cho con đường đã chọn

Giáo viên đến tận nhà mời học nghề

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2018, chỉ có khoảng 60% cử nhân tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, trong đó, chỉ 40% tìm được công việc liên quan đến chuyên môn được đào tạo; đồng thời, 80% tài xế xe ôm công nghệ là sinh viên và cử nhân. 

Các cơ sở giáo dục nên tích hợp đào tạo chuyên môn lẫn các kỹ năng mềm
Các cơ sở giáo dục nên tích hợp đào tạo chuyên môn lẫn các kỹ năng mềm

Thừa cử nhân, thiếu lao động có tay nghề là tình trạng đã và đang diễn ra, đi kèm nó là con số sinh viên ra trường không có việc làm. Năm 2019, trong số một triệu lao động thất nghiệp, có khoảng 124.000 người là cử nhân đại học (con số này năm 2018 là khoảng 142.000 người). Cùng năm 2019, số lao động thất nghiệp có trình độ cao đẳng chỉ khoảng 65.000 người, trung cấp khoảng 52.000 người và sơ cấp nghề khoảng 18.000 người.

Ở TP. Hà Nội, năm học 2020-2021, riêng 21 trường trung cấp, cao đẳng công lập thuộc thành phố đặt mục tiêu tuyển 18.735 học viên (7.980 chỉ tiêu hệ cao đẳng, 10.755 chỉ tiêu hệ trung cấp) cho năm 2020 nhưng đến cuối tháng 9/2020, chỉ tuyển được 2.514 học viên hệ cao đẳng và 6.520 học viên hệ trung cấp. Trên toàn quốc, trong nửa đầu năm 2020, kết quả tuyển sinh học nghề chỉ đạt 21% so với kế hoạch cả năm. 

Tại Trường cao đẳng Công thương Hải Dương, giáo viên phải chia nhau đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em vào học trường này. Theo đó, nhà trường thu thập thông tin học sinh rồi giao mỗi giáo viên phụ trách một vùng. Một cô giáo chia sẻ, phụ huynh phần lớn đi làm công nhân, nên giáo viên chỉ đến vào chiều tối mới gặp để giới thiệu, tư vấn. Từ chiều tối đến đêm, chỉ gặp được 5-6 gia đình, mà cũng như đi câu, hôm nào nhiều lắm chỉ được đôi ba nhà đồng ý cho con theo học. 

Thừa lý thuyết, thiếu kỹ năng

Các nhà quản lý giáo dục luôn khẳng định, tỷ lệ cử nhân thất nghiệp ở nước ta không có gì bất thường, bởi thế giới cũng vậy. Cũng không ít ý kiến cho rằng, số cử nhân, kỹ sư thất nghiệp nhiều là do dự báo cung, cầu lao động không tốt. Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới về chất lượng giáo dục, đào tạo của 140 quốc gia và nền kinh tế, Việt Nam chỉ xếp thứ 128 về kỹ năng và thứ 115 về chất lượng dạy nghề. 

Ở nước ta, trước các mùa tuyển sinh, học sinh cuối bậc phổ thông đều chọn ngành học ít có khả năng thất nghiệp; các cơ sở tuyển sinh cũng cố gắng đưa ra các ngành mà xã hội cần. Tuy nhiên, ngành đào tạo và chất lượng đào tạo lại là hai chuyện khác nhau. Intel Việt Nam từng tuyển 500 kỹ sư, có 2.000 kỹ sư ứng tuyển nhưng chỉ 90 người vượt qua vòng kiểm tra; trong số đó, chưa đến một nửa đạt chuẩn tiếng Anh.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, Sản xuất, Dịch vụ Hòa Bình (TP. Hà Nội) - cho biết, công ty của bà luôn cần những lao động giỏi nghề và có kỹ năng mềm (nói được ngoại ngữ, làm việc theo nhóm, tương tác xã hội…) nhưng người đến ứng tuyển phần lớn đều thiếu các kỹ năng mềm, trong khi kỹ năng mềm quan trọng không kém kỹ năng chuyên môn. Bà Huyền nhận định: “Hầu hết các doanh nghiệp chỉ tuyển được 30% lao động giỏi chuyên môn và có kỹ năng mềm so với nhu cầu”.

Người đứng đầu một cơ sở đào tạo (xin được giấu tên) cho rằng, giáo dục đại học cũng như sau đại học của ta đang thiếu tính ứng dụng, trong khi lại quá nặng về lý thuyết. Nhưng, cử nhân thất nghiệp không chỉ do lỗi từ ngành giáo dục, mà còn từ chính người học. Trong 4-5 năm đại học, liệu có bao nhiêu sinh viên chủ động tiếp nhận kiến thức, chủ động trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng bước vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp? 

Theo người đứng đầu bộ phận nhân sự của Navigos Search, để cải thiện kỹ năng cho người lao động, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, doanh nghiệp và người lao động; đặc biệt, các cơ sở giáo dục cần tích hợp đào tạo chuyên môn với đào tạo kỹ năng mềm trong chương trình giảng dạy chính khóa và ngoại khóa. Nên thay thế việc đào tạo nặng về lý thuyết bằng việc giúp sinh viên rèn cách tư duy, rèn kỹ năng và thái độ. 

Ngọc Minh Tâm
(Còn tiếp)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI