Làm giàu từ thuở sinh viên

Bài 1: Cô sinh viên làm chủ hai cửa hàng hải sản

18/10/2020 - 09:38

PNO - Ngày cuối tuần, khách đến với cửa hàng hải sản Mai Dương trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai khá đông. Chỉ trong một buổi chiều, ba tạ hải sản đã được mua gần hết. Chủ cửa hàng này là Mai Thị Dương, sinh viên năm cuối ngành luật kinh tế Trường đại học Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai). Dương hiện là chủ hai cửa hàng hải sản cách nhau khoảng 8km tại TP. Biên Hòa.

 

Hiện có không ít người khởi nghiệp, làm giàu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều người trong số đó phải đi học xa quê và xuất thân không phải từ gia đình khá giả... Dù bận rộn kinh doanh, họ vẫn duy trì đường học và cố gắng học tốt. 

Bài 2: Làm chủ để không còn lo "ra trường thất nghiệp"

Bán cá từ năm 8 tuổi

Cửa hàng hải sản của Dương thu hút khách nhờ nguồn hải sản tươi ngon và thái độ phục vụ ân cần
Cửa hàng hải sản của Dương thu hút khách nhờ nguồn hải sản tươi ngon và thái độ phục vụ ân cần

Cửa hàng đầu tiên được Dương mở ở chợ nhỏ Tân Hiệp cách đây hơn hai năm (tháng 5/2018), khi Dương đang là sinh viên năm thứ hai đại học.

Trước đó, để giúp đỡ gia đình, sau giờ học, Dương làm thêm ở các quán ăn, thu nhập đủ để trang trải mọi chi phí khi học xa nhà. Thế nhưng, nhận thấy ở Biên Hòa, người ta bán hải sản không tươi ngon như hải sản quê mình (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) mà giá lại đắt hơn nhiều, Dương nảy ra ý định mua hải sản từ quê vào bán lại. Dương tiên lượng việc kinh doanh này sẽ thuận lợi bởi mẹ của Dương từng nhiều năm bán hải sản ở chợ La Gi và từ năm tám tuổi, Dương đã theo mẹ ra biển mua cá trực tiếp từ ghe mang vào chợ bán.

Bấy giờ, cha của Dương - vốn là thợ lặn biển - bị tai biến, nằm một chỗ sau chuyến lặn sâu. Mẹ của Dương từ đó một thân nuôi cả gia đình gồm chồng và ba đứa con nhỏ.

Khi khởi sự kinh doanh, Dương chỉ dám bán online, lấy hàng theo đúng đơn hàng của khách đặt. Một thời gian sau, thấy việc buôn bán hải sản có lợi nhuận, Dương quyết định thuê mặt bằng chừng 20m2 gần chợ nhỏ Tân Hiệp để có nơi bày hàng bán cho các khách mua hàng trực tiếp tại chợ truyền thống.

Hiện tại, các mặt hàng hải sản tại cửa hàng của Dương không phải lúc nào cũng đầy đủ nhưng sát thực tế, sát nhu cầu bữa ăn của số đông. Để việc buôn bán không ngốn hết thời gian của mình, Dương thuê thêm mười nhân viên giao nhận và bán hàng. Công việc chính của cô chủ ở hai cửa hàng là quản lý, tìm kiếm nguồn hàng, đăng bài quảng cáo trên mạng và... đến lớp.

Với cửa hàng đầu tiên ở chợ nhỏ Tân Hiệp, Dương mất khoảng tám tháng để ổn định và kiếm lợi nhuận. Ngoài cách tiếp cận qua mạng, Dương còn có những chính sách khuyến mãi, chính sách chăm sóc hợp lòng khách hàng. Với cam kết sẽ thu hàng về, hoàn tiền hoặc đền bù những phần thiếu sót trong những trường hợp khách không hài lòng về độ tươi ngon, Dương đã tạo được lòng tin với khách hàng. Nhờ đó, dù non trẻ trong kinh doanh nhưng Dương nhận thấy mình đã làm tốt hơn những gì mẹ đã làm trong mấy chục năm qua, ở khâu quảng bá và chăm sóc khách hàng. Trong khi người mẹ mấy mươi năm trong nghề cũng chỉ quẩn quanh với những mối có sẵn tại chợ truyền thống thì Dương đưa được nguồn hàng của mình đi xa hơn, đến với bữa cơm của nhiều gia đình. 

“Hôm nào mẹ đến chợ thì người ta mới mua được hàng, còn Dương thì khác. Dương ở đâu, khách cũng có thể mua được hàng, thậm chí có những khách hàng ở rất xa” - Dương chia sẻ.

Dự trù 50% cho thất bại

Những ngày đầu, kẹt vốn, không có tiền thuê nhân viên, Dương một mình kiêm tất cả vai trò, từ lấy hàng, bán hàng đến giao hàng. “Thân tàn ma dại” là những gì Dương nói về mình lúc mới lập cửa hàng. Mỗi ngày, Dương thức dậy thật sớm để kịp đến lớp lúc 7g. Ngồi đến 10g là Dương nhấp nhổm tìm lý do để “xin về sớm”. Đó là thời điểm hàng vào bến xe, nếu không ra lấy kịp, chủ xe sẽ bỏ mặc. Dương nói: “Mất hàng là mất tiền. Dương sợ mất tiền nên phải chạy, có khi bắt buộc phải bỏ tiết để chạy”. 

Dù bận rộn kinh doanh, Dương vẫn hoàn thành chương trình học tập với kết quả tốt
Dù bận rộn kinh doanh, Dương vẫn hoàn thành chương trình học tập với kết quả tốt

Sau khi lấy hàng về bày ra bán, giao đơn cho kịp bữa trưa của khách, 13g, Dương tất tả quay lại trường học mà quên mất bữa trưa của mình. Ngồi trong lớp, vừa theo dõi bài, vừa sắp xếp nhờ người lấy hộ chuyến hàng thứ hai trong ngày vào đến Sài Gòn lúc 14g, đến 15g30, Dương lại xin về sớm để kịp bày hàng ra bán buổi chiều. Vừa bán vừa chạy đi giao hàng, đến 22g, Dương mới xong việc ở cửa hàng để dọn dẹp, về nhà nghỉ ngơi. Giấc ngủ luôn đến khi đã qua ngày mới. 

“Khi đặt lưng nằm xuống, mình mới cảm nhận được toàn thân rệu rã, còn cả ngày, mình chẳng biết mệt mỏi là gì, vì mình làm với quyết tâm không được phép thất bại. Tất cả bài vở đều tranh thủ hoàn tất trong khoảng thời gian ở trường” - Dương nhớ lại.

Thế nhưng, theo Dương, kinh doanh đúng nghĩa là những hành trình vượt khó. “Hãy dự trù 50% cho thất bại” là bài học Dương đúc rút được sau ba năm khởi nghiệp. Thời điểm mới mở cửa hàng, dù dự tính chỉ lấy hàng phù hợp với khả năng và túi tiền của mình, rồi lấy thu đắp mua, nhưng sau vài tháng khởi nghiệp, con số thua lỗ của cửa hàng trượt dài đến vài trăm triệu đồng. Nguyên nhân là thiếu kinh nghiệm, khách chưa nhiều, dễ bị chi phối cảm xúc, sự vận hành các khâu chưa được trơn tru dẫn đến giao hàng cho khách trễ, hải sản không còn độ tươi ngon, khách phản ứng và trả hàng. Cũng có những ngày lấy hàng về thì gặp mưa bão bất ngờ, khách nghỉ đi chợ, Dương phải “ôm” mấy tạ cá, tôm. Những ngày đó, Dương chán nản và khóc nhiều vì món nợ mà cha mẹ thay mình gánh. 

“Dương cũng đã tính tới chuyện bỏ học, đi làm thuê trả nợ cho cha mẹ. Trong lúc định bỏ cuộc thì nằm lướt Facebook, thấy người ta livestream bán hàng, mình cũng livestream. Một vài người lên đặt hàng, rồi thêm vài người vào hỏi thông tin để đến mua hàng trực tiếp. Chỉ cần vậy, mình ngồi bật dậy, lấy lại tinh thần và tiếp tục. May mắn, khách ngày càng nhiều” - Dương tâm sự.

Có được mức thu nhập đáng mơ ước, thậm chí mua được một ngôi nhà cho riêng mình ngay khi chưa rời giảng đường nhưng Dương không bỏ ngang việc học. Dương hiểu, cha mẹ luôn mơ ước các con mình được sống một cuộc đời khác họ, nên Dương không thể vì mải kiếm tiền mà bỏ học. Ngoài ra, Dương thích học để phát triển bản thân: “Lúc đi học, đa số chúng ta nghĩ rằng, học xong chẳng áp dụng được gì. Thế nhưng, có những tình huống nảy sinh bất chợt trong kinh doanh, mình mang những gì học được ra áp dụng. Lúc đó mới hiểu, dù có làm gì, cái nền cơ bản nhất vẫn từ trường lớp mà ra”. 

Đó là lý do khiến những ngày này, Dương vẫn lóc cóc đến trường học thêm một vài môn để cải thiện điểm, quyết tâm lấy bằng tốt nghiệp loại giỏi ngành luật kinh tế. 

Thu Lê
 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI