Làm giàu từ thuở sinh viên

Bài 2: Làm chủ để không còn lo “ra trường thất nghiệp”

20/10/2020 - 15:12

PNO - Đau đáu nỗi lo “ra trường thất nghiệp” nên khi đang học năm thứ hai ngành marketing của Trường đại học Công nghiệp TPHCM, Nguyễn Thị Lan đã tạm ngưng một học kỳ để đi tìm việc làm. Công việc này đã mang lại kỹ năng cũng như gợi cảm hứng cho Lan đến với dự án căn hộ dịch vụ của mình và tự tin quay lại trường đại học.

 

Hiện có không ít người khởi nghiệp, làm giàu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều người trong số đó phải đi học xa quê và xuất thân không phải từ gia đình khá giả... Dù bận rộn kinh doanh, họ vẫn duy trì đường học và cố gắng học tốt. 

Bài 1: Cô sinh viên làm chủ hai cửa hàng hải sản

Nguyễn Thị Lan đang kiểm tra một trong các phòng cho thuê của mình (ảnh do nhân vật cung cấp)
Nguyễn Thị Lan đang kiểm tra một trong các phòng cho thuê của mình (ảnh do nhân vật cung cấp)

Tiền ít nhưng dám đầu tư cả trăm triệu đồng

“Có phải các bạn đã tìm không gian này lâu rồi, đúng không? Phong cách tối giản nhưng nội thất tiện nghi, sang trọng. Chúng tôi đã đặt thật nhiều tâm huyết và yêu thương vào đây. Bạn nào đang loay hoay tìm phòng thì xách ba-lô qua đây, tất cả đã có mình lo…”. 

Lời chào mời trên Facebook này đúng là của dân có nghề. Điều ít ai ngờ là, dịch vụ cho thuê căn hộ này do cô sinh viên ngành marketing cùng đối tác bỏ vốn ra kinh doanh. “Đây là dự án kinh doanh đầu tiên trong đời nên nó có ý nghĩa rất lớn và mang lại cho tôi nhiều cảm xúc” - Nguyễn Thị Lan nói. 

Dự án mà Lan đề cập là căn nhà mặt tiền đường ở quận Gò Vấp, TPHCM, được Lan cùng một đối tác thuê, sau đó sửa chữa, chia phòng, thiết kế đẹp mắt, tiện lợi và đưa nội thất vào để cho thuê lại. 

Mọi việc bắt đầu từ nỗi lo của Lan là “ra trường không có việc làm”. Những ngày đầu từ tỉnh Thanh Hóa vào TPHCM học, cần nhiều chi phí nên Lan phải vừa học ban ngày, vừa làm phục vụ ở nhà hàng tiệc cưới, cửa hàng tiện lợi ban đêm để kiếm thêm tiền. “Có những lần bị ốm, tôi phải bắt grab đi cấp cứu mà không có nổi 100.000 đồng mua thuốc uống” - Lan kể. 

Lúc đó, Lan nghĩ cần phải làm công việc nào đó mang lại kỹ năng, bổ sung kiến thức cho ngành nghề đang học. Năm thứ hai đại học, Lan giấu bố mẹ, tạm nghỉ một học kỳ ở trường đại học, tìm một công việc vừa mang lại tiền, vừa bổ sung kỹ năng để sau này ra trường, không sợ thất nghiệp. Lan xin vào làm việc cho một công ty chuyên về thiết kế và thi công nội thất, tìm sản phẩm cho các nhà đầu tư căn hộ dịch vụ. 

Sau một học kỳ tạm nghỉ học, Lan đăng ký lịch học từ tiết 1-3, nghĩa là học từ 6g30-9g. Học xong, Lan ghé qua công ty, kiểm tra công việc đầu giờ, đặt lịch hẹn khách hàng, xem qua sổ sách. Trưa, có khi Lan quay lại trường với lịch học từ 12g30-15g. Tan trường, Lan lại tiếp xúc khách hàng đến tối. Tuy mệt nhưng Lan rất yêu thích công việc này. Từ kỹ năng có được qua công việc ở công ty và may mắn cùng làm việc với một người là cấp trên nhưng cũng rất thân thiết, Lan bắt đầu nghĩ đến việc cùng người này làm dự án riêng. 

Khi bắt tay làm dự án đầu tiên, Lan cũng rất lo vì vốn bỏ ra kinh doanh khá cao, khoảng 400 triệu đồng, mỗi người đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Nhiều người thân, người quen không đồng ý cho Lan làm vì số tiền bỏ ra lớn lại chưa có kinh nghiệm nhưng bố mẹ Lan ủng hộ, cho vay 30 triệu đồng. “Số tiền này đối với bố mẹ ở quê là khá lớn, nhưng tôi hiểu bố mẹ cố gắng tạo động lực cho tôi” - Lan kể.

Nguyễn Thị Lan và giảng viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM trong một buổi học về cách tổ chức sự kiện truyền thông
Nguyễn Thị Lan và giảng viên Trường đại học Công nghiệp TPHCM trong một buổi học về cách tổ chức sự kiện truyền thông

Sau đó, Lan vay thêm từ bạn bè nhưng cũng chỉ được 150 triệu đồng nên phải kêu gọi thêm một đối tác để đủ số còn lại. Lan kể về những khó khăn khi làm dự án đầu tay: “Đầu tiên là tìm sản phẩm đầu tư. TPHCM có rất nhiều nhà cho thuê để kinh doanh dịch vụ này nhưng giá thường rất cao. Do nguồn vốn có hạn nên tôi phải lựa chọn căn nào có giá thuê thấp mà vẫn sinh lời. Tiếp theo là tìm đủ nguồn vốn. Khi quyết định làm dự án, do vẫn chưa đủ tiền nên khi nhận xong nhà, tôi phải vừa lo sửa sang, thiết kế lại, vừa phải chạy vạy tiền, vừa phải đi làm thêm để có thu nhập”. 

Học được nhiều thứ từ thực tiễn sinh động

Cuối năm 2019, Lan và đối tác đã kiếm được nhà nhưng sau tết, chủ nhà mới bàn giao mặt bằng. Mùng Tám tết, Lan bắt đầu vào lại TPHCM để tìm đơn vị thi công, lên thiết kế 3D và làm những công việc trước khi nhận nhà, sơn sửa hết 20 ngày. 
Tuy nhiên, dự án đi vào hoạt động trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, mặt bằng nhà đã ký hợp đồng thuê với khách nhưng do lệnh cách ly xã hội nên không thu được tiền. Suốt hai tháng đầu, dự án không mang lại lợi nhuận. Đến tháng thứ ba trở đi, mọi thứ mới dần ổn định: sáu phòng đã cho thuê đủ với giá 6 triệu đồng/phòng. Hiện dự án đang trong giai đoạn hoàn vốn và có lãi hằng tháng đều đặn.

Lan nhận định, dịch vụ căn hộ cho thuê đang do các công ty bất động sản lớn nắm giữ. Để chen chân vào được, Lan chỉ có thể chọn những mặt bằng nhỏ. Điều này cũng có cái hay, đó là số phòng để trống gần như bằng không; chủ đầu tư có thể chăm chút căn hộ tỉ mỉ hơn, đúng chuẩn dịch vụ, như lời giới thiệu dịch vụ của Lan trên Facebook: “Căn phòng đầy đủ nội thất mới toanh theo thiết kế. Cây cảnh, trầm hương thoang thoảng. Nệm cao su và cả drap cotton lụa xinh yêu. Vì chúng tôi biết rằng giấc ngủ luôn là thứ đắt giá nhất”. 

Nắm bắt được tâm lý khách hàng, biết điểm mạnh, điểm yếu của các loại hình kinh doanh, nắm được nhu cầu thị trường… là những điều mà Lan thu được từ dự án, bên cạnh lợi nhuận. Đó là những kiến thức, kỹ năng mà nếu chỉ ngày ngày cắp sách đến giảng đường, khó mà có được. 

Ở năm cuối đại học, với kết quả học tập khá, rèn luyện khá, mục tiêu trước mắt của Lan là hoàn thành chương trình đại học. Hỏi cô có định đầu tư thêm những dự án khác hay không, Lan nói, vẫn đang chờ xem những biến động của thị trường và vẫn đang tích lũy vốn. 

Trần Thanh Hải
(Còn tiếp)

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI