Giang hồ làm "diễn viên", diễn viên đóng "giang hồ":

Bài 3: Phim giang hồ ngồn ngộn trên YouTube: Những “lưỡi câu” tội phạm

23/04/2020 - 07:57

PNO - Hàng loạt video chứa nội dung bạo lực tồn tại trên YouTube nhưng chỉ khi nào dư luận phản ứng, cơ quan chức năng mới vội vàng chạy theo... lo hậu hoạ.

Giang hồ làm "diễn viên", diễn viên đóng "giang hồ": Đảo lộn các giá trị 

Những ngày qua, khi thông tin đại gia bất động sản Thái Bình Đường Nhuệ bị bắt và bị khởi tố thu hút quan tâm của dư luận, cũng là lúc những bộ phim về giới giang hồ có sự tham gia của "diễn viên" đại gia này lại được nhắc nhớ. 

Chỉ cần có tiền, các đại ca giang hồ nghiễm nhiên trở thành diễn viên trong vai những “người hùng”.

Bài 1: Giang hồ lên phim: Chuyện những con rối dát vàng

Bài 2: Diễn viên gạo cội đóng phim cùng giang hồ: Đâu rồi nhạy cảm nghệ sĩ?

Nguy cơ phạm tội từ xem phim giang hồ

Khi vụ việc liên quan đến gã giang hồ Đường Nhuệ nổi lên, công chúng mới chợt nhớ đến những bộ phim phát trên YouTube có Đường Nhuệ làm "diễn viên". Trên phim, Đường Nhuệ luôn là người tốt hay nói chuyện đạo lý còn hiện tại, "diễn viên" này đang bị công an tạm giam để điều tra về những hành vi vi phạm pháp luật.

Không chỉ Đường Nhuệ, ở tất cả những bộ phim được giới thiệu là phim xã hội đen chiếu trên YouTube, cái vỏ bọc cho tội lỗi thật sự của nhiều tên giang hồ được xây dựng hoàn hảo. Nếu Đường Nhuệ và nhiều người liên quan không bị bắt, có thể, không ít người vẫn u mê tin vào hình tượng gã giang hồ sống đàng hoàng, tử tế, xem trọng tình nghĩa anh em và nói không với việc làm ăn gian dối, nói không với buôn bán “hàng trắng”.

Hình ảnh trong phim Chạm mặt giang hồ có sự tham gia của Phú Lê, Dũng Trọc và Đường Nhuệ.
Hình ảnh trong phim Chạm mặt giang hồ có sự tham gia của Phú Lê, Dũng Trọc và Đường Nhuệ.

Sản phẩm “cây nhà lá vườn” của các nhóm giang hồ còn đầy lỗi về diễn xuất, kịch bản, hình ảnh nhưng điều đáng nói, chúng nhận về lượng xem "khủng". Những phim có sự tham gia của Đường Nhuệ hay nhiều giang hồ khác như Phú Lê, Dũng Trọc... đều đạt từ vài triệu đến vài chục triệu view/sản phẩm. Đặc biệt, một số sản phẩm âm nhạc ca ngợi tình anh em giang hồ như Đời là thế thôi của Phú Lê, có lượt xem cao đột biến với hơn 120 triệu lượt - con số là mơ ước của nhiều ca sĩ chuyên nghiệp.

"Cơn sốt" phim giang hồ đặt ra mối lo ngại lớn rằng trong môi trường thiếu kiểm soát như YouTube, liệu những cảnh ẩu đả, đâm chém, cắt ngón tay, đập chai bia vào đầu... có ảnh hưởng đến tâm lý khán giả, đặc biệt là người xem tuổi vị thành niên?

Trong chùm phim gắn mác xã hội đen: Chạm mặt giang hồ 1, 2; Luật lệ giang hồ; Tỷ phú đè đại gia, Gangster - Gã giang hồ... các băng nhóm vì tranh giành địa bàn làm ăn, tranh giành quyền lực nên liên tục thanh trừng lẫn nhau. Những màn đôi co táo tợn, thách thức, hạ thấp nhân phẩm giữa các bên; những hình ảnh không nên phục vụ đại đa số khán giả như góc quay cận vào ngón tay vừa bị đứt lìa; màn đâm chém man rợ; đưa dao kề cổ, súng kề đầu lại là "đặc sản" trong chùm phim giang hồ chiếu trên YouTube. Giới trẻ sẽ ra sao khi bị tiêm nhiễm những hình ảnh bạo lực đó khi đang trong quá trình hình thành, phát triển nhân cách.

Chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn khẳng định, phim ảnh chứa nội dung bạo lực, phiêu lưu mạo hiểm có sức hút đặc biệt với người trẻ, đặc biệt đối tượng lứa tuổi vị thành niên và cũng có sức ảnh hướng rất lớn. Quá trình từ nghe, nhìn đến hành động là khoảng cách không quá xa và điều này vô cùng nguy hại.

“Độ tuổi vị thành niên chưa định hình nhân cách, chưa trải nghiệm cuộc sống nên dễ hành động theo bản năng, bắt chước hình ảnh, phim ảnh được xem. Vì chưa có sự trải nghiệm, chưa nhận định được đúng – sai nên nếu bị tác động tâm trí bằng nhiều hình ảnh tiêu cực, bạo lực, truỵ lạc dễ dẫn đến hành vi sai trái, lệch lạc” - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn nói.

Đường Nhuệ trong một cảnh đánh đấm trong phim xã hội đen.
Đường Nhuệ trong một cảnh đánh đấm trong phim xã hội đen.

YouTube và các nền tảng trực tuyến đang "xả giàn" cho khán giả xem "thượng vàng hạ cám". Hiện YouTube không có bước kiểm duyệt ban đầu mà đang hoạt động theo cơ chế hậu kiểm. Do đó, chỉ khi rà soát trở lại hay dư luận phản ứng, YouTube mới có biện pháp xử lý, còn không, “những bữa tiệc” đậm bạo lực, tuyên truyền tốt đẹp về thế giới xã hội đen vẫn ngang nhiên tồn tại.

Cơ quan quản lý ở đâu?

Ngày 17/4, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ gửi công văn cho Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) của Bộ Thông tin Truyền thông, đề nghị xử phạt kênh YouTube có tên là A Hy Tivi. Lý do là kênh này đã xây dựng nhiều tiểu phẩm có nội dung chế giễu các tộc người thiểu số. Hiện trên kênh A Hy Tivi, toàn bộ các clip đều được xoá sạch nhưng chưa có quyết định chính thức từ phía Cục PTTH&TTĐT.

A Hy Tivi là ví dụ mới nhất cho công tác quản lý, kiểm soát nội dung tiềm ẩn nhiều lỗ hổng hiện tại của YouTube. Trên không gian mạng này đang tồn tại cùng lúc nội dung tốt - xấu, bổ ích - vô bổ. Các chủ kênh YouTube được gọi là nhà sáng tạo nội dung nhưng trong nhiều trường hợp, sản phẩm chỉ mang tính tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.

Theo số liệu từ Cục PTTH&TTĐT, từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hợp tác với Google để gỡ bỏ gần 8.000 video clip chứa nội dung độc hại trên YouTube theo yêu cầu của bộ. Tuy nhiên, con số rà soát ban đầu là khoảng 55.000 clip vi phạm nội dung cần được gỡ bỏ.

Kênh A Hy Tivi đã xoá toàn bộ nội dung.
Kênh A Hy Tivi đã xoá toàn bộ nội dung.

Vì không có bước kiểm tra ban đầu nên quá trình hậu kiểm tốn nhiều thời gian nhưng không hiệu quả, triệt để. Với các clip vi phạm bị yêu cầu xoá, người dùng mạng nếu đã tải về lưu trữ trước đó, có thể đăng tải tiếp tục và dễ dàng lách ải kiểm duyệt với các thủ tục cắt ghép đơn giản. Điều này càng gây khó khăn cho công tác quản lý YouTube tại Việt Nam.

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn nói, các cơ quan quản lý YouTube tại Việt Nam không bỏ lơ vai trò, trách nhiệm mà do họ lúng túng. Ông cho rằng vì máy chủ YouTube hay Google đặt tại nước ngoài nên dù muốn quản lý, các cơ quan trong nước cũng gặp nhiều khó khăn. Chưa kể tính lan toả nhanh chóng của các video có tính gây sốc, video chứa nội dung bẩn nên khi xoá nội dung gốc, việc đăng tải dạng "tam sao thất bản" vẫn diễn ra khiến rất khó kiểm soát.

Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn khẳng định, khó nhưng nếu quyết liệt tìm giải pháp, việc ngăn chặn, kiểm soát nội dung bẩn sẽ mang đến hiệu quả rõ nét hơn. “Câu chuyện quản lý nội dung YouTube không mới nhưng sau nhiều năm, vẫn thấy sự lúng túng từ cơ quan chức năng. Chúng ta có cố gắng nhưng cố gắng chưa đủ, vẫn còn nhiều lỗ hổng chưa xử lý được” - PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn nói.

Việc quản lý YouTube tại Việt Nam gặp khó, điều này dễ hiểu vì nhiều nước trên thế giới cũng gặp phải vấn đề tương tự. Nhưng, YouTube không còn là môi trường mới mà đã rất nhiều năm có mặt tại Việt Nam, cho đến hiện tại việc quản lý vẫn chỉ "theo đuôi" sai phạm mà không hề có giải pháp nào ngăn chặn, thì quá chậm, nếu không muốn nói là chậm đến khó hiểu.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI