Phút mặc niệm ở Rào Trăng

15/10/2020 - 20:44

PNO - Nhiệm vụ của một người lính, cũng là của một vị tướng đã được ông thực hiện đến giây phút cuối cùng, tôi nghĩ, đó cũng là trách nhiệm cao quý nhất của một người đại biểu mà nhân dân trông cậy.

Chiều muộn 15/10, những bản tin cập nhật liên hồi từ hiện trường Tiểu khu 67. Những thi thể tìm thấy cứ tăng dần, càng dập tắt tia hy vọng sau cùng. Tôi tắt hết mọi âm thanh buốt lên từ những bản tin ấy, kể cả tiếng còi cứu thương đang rẽ vào cổng Bệnh viện 268, chỉ để lặn vào trong cái vô thanh của một buổi chiều trầm mặc, cùng người chiến sĩ ở một góc đồn Mang Cá, nghiêm cẩn chào tiễn biệt những đồng đội vừa ngã xuống…

Có phải vì lớn lên với bão lụt quanh năm mà những ngày Huế chìm trong biển nước vừa qua, trước những lời hỏi thăm, chia sẻ, động viên, tôi lại cảm thấy… áy náy; để nhắc mình đừng quên cái bản tính chịu thương chịu khó của quê nhà, và nhất là cơn bão đại dịch vừa quét qua khắp cả nước thì trong khốn khó, càng cần tự lực chở che.

Chiếc xe cấp cứu về đến Bệnh viện Quân y 268, TP. Huế - Ảnh: Nguyễn Khánh/TTO
Người chiến sĩ nghiêm cẩn chào đồng đội tại Bệnh viện Quân y 268, TP. Huế - Ảnh: Nguyễn Khánh/Tuổi Trẻ

Nhưng chiều tối nay, sau những ngày hy vọng, vô vọng, giờ thì tan hoang như cái hiện trường Tiểu khu 67. Cái quán tính bão lụt bao mùa đổ sụp. 16 công nhân tại Rào Trăng 3 vẫn chưa tìm thấy. 13 thi thể tại Tiểu khu 67 đã được đưa về.  Mưa bão cũng theo mùa, những tưởng con người có thể “trông trời trông đất trông mây” mà định liệu được. Nhưng trước cơn thịnh nộ của đất trời, con người bất lực. Chi tiết sót lại trong bản tin vắn, 5 chiếc mũ cối bị vùi trong lớp đất. Nghẹt thở.

Tôi đã bao lần nhìn thấy những chiếc mũ màu xanh ấy.

Nhớ cơn lũ lịch sử năm 1999, cũng nhấn chìm cả miền Trung trong biển nước, Huế quê tôi bị cô lập suốt nhiều ngày liền. Tôi lập tức nhận nhiệm vụ, bay trên chuyến bay đầu tiên của chiến dịch "Đường Trường Sơn trên không", thả hàng cứu trợ xuống các vùng quê bị lũ cô lập. Những đôi quân hàm bị che lấp bởi hàng hoá cứ mang vác liên tục. Hết đường hàng không, các anh đổ quân theo đường bộ, mưa vẫn không dứt, các anh chỉ duy nhất cái mũ cối để bớt ướt mặt, xe tải băng nước lao trên các tuyến tỉnh lộ. Đường hành quân của các anh chỉ một điểm đến: nhà dân.

Sau những ngày lũ quét ở Hà Tĩnh, Nghệ An, tôi theo chân đoàn cứu trợ đến các vùng bị thiệt hại nặng nề. Từ hội trường của UBND xã - nơi đoàn trao quà cho bà con, tôi nhìn ra khu vực trường tiểu học kề bên, những bộ quân phục xanh đang treo trên các tầng mái, lợp lại nhà cho thầy cô giáo.

Chiến trường không có khuôn mặt của kẻ địch ấy lại ẩn chứa bao hiểm hoạ khôn lường, để rồi sự mất mát này, nỗi đau không chỉ thuộc về người thân, gia đình, bạn bè, đồng đội của các anh. Nó thuộc về tất cả chúng ta. Là thời chiến hay thời bình, họ vẫn thế, “người ra đi đầu không ngoảnh lại” vì phía trước đang cần họ. Thế thôi…

Hãy nghe đoạn hội thoại cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, một trong 13 người đã nằm lại nơi vùng đất Tiểu khu 67:

“Tôi đang đi vào trong, mưa gió lắm nên khả năng không ra dự đại hội với tỉnh được”

“Thế thì tiếc quá anh nhỉ?”

“Vì nhiệm vụ nên phải vậy thôi”.

Và nhiệm vụ của một người lính, cũng là của một vị tướng đã được ông thực hiện đến giây phút cuối cùng, tôi nghĩ, đó cũng là trách nhiệm cao quý nhất của một người đại biểu mà nhân dân trông cậy.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI