Bác sĩ nhìn nhau hạnh phúc trước người phụ nữ có sức sống phi thường

24/07/2018 - 06:57

PNO - Điều trị ung thư 5 năm, phải chịu 5 cuộc đại phẫu thuật, nhưng với sức sống mãnh liệt, chị M.A. luôn mỉm cười mỗi khi thức dậy.

Khi nói về chị T.T.M.A. (57 tuổi, nhà ở Biên Hòa, Đồng Nai), bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM luôn lặp đi lặp lại: "Chị M.A. là một bệnh nhân kiên cường. Chị có một sức sống kỳ lạ, ý chí mãnh liệt làm cho chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác".

Cười vì... đẹp hơn khóc

Theo bác sĩ Tiến, năm 2013, khi khám tầm soát bệnh tại một bệnh viện phụ sản, chị A. được phát hiện ung thư buồng trứng. Chị được chuyển đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cắt tử cung, buồng trứng để tiếp tục hóa trị. 

6 tháng sau phẫu thuật, ung thư buồng trứng của chị tái phát; các bác sĩ tiếp tục đưa chị lên bàn mổ, giải quyết khối u 7cm, hóa trị dai dẳng. Chị vẫn mỉm cười, an ủi ngược lại cho người nhà mình sẽ mau khỏi bệnh. 

Bac si nhin nhau hanh phuc truoc nguoi phu nu co suc song phi thuong
Vì cười đẹp hơn khóc nên bà M.A. luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời

Năm 2015, chị lại nhập viện vì căn bệnh quái ác tiếp tục hoành hành. Đèn phẫu thuật vụt sáng, bác sĩ lại tiến hành cắt bỏ một phần ruột, nạo hạch chậu vì khối u xâm lấn. Tháng 5/2016, chị lại vào bệnh viện khi khối u xâm chiếm sang vùng hông, chậu, lưng, cơ thành bụng, chị nhìn bác sĩ: “Sẽ không sao đâu, bác sĩ cứ mổ, tôi tin bác sĩ”.

Tháng 11/2017, các bác sĩ nghĩ chị sẽ không còn chịu nổi nữa khi khối u di căn qua gan, chậu, xâm lấn đại tràng, bàng quang, phải mổ cắt lọc hạch, cắt bỏ một phần bàng quang, đại tràng. Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật nhiều giờ đồng hồ, chị thoáng buồn khi buộc phải sử dụng hậu môn nhân tạo.

“Mở mắt dậy, thấy còn sống là mừng rồi! Bệnh mà, hóa trị phải mệt một chút. Buồn cũng chẳng làm được gì. Mình vui thì gia đình mới vui, cứ vui mà sống, cười lúc nào cũng sẽ đẹp hơn khóc đúng không?”, chị M.A. hỏi lại người đối diện. 

Nhiều lần bị trả hồ sơ vì nguy cơ tử vong cao khi mổ

Vừa qua, khi kiểm tra tầm soát bệnh, bác sĩ lại thấy nhiều khối hạch mọc lên như rải gạo ở dọc động mạch chủ vùng bụng, chậu, ruột, di căn đến bàng quang, gan, ruột non, ruột già. Lần này các bác sĩ do dự bệnh của chị. không đáp ứng hóa trị nữa, chỉ còn một cách là phẫu thuật.

Bac si nhin nhau hanh phuc truoc nguoi phu nu co suc song phi thuong
Theo bác sĩ Tiến, bà M.A. không khác gì người thân trong nhà

Bởi không chỉ có các tế bào di căn ở những vị trí hiểm hóc, bệnh nhân còn hẹp động mạch chủ nặng, huyết áp không ổn định, hở van 2 lá, kèm bệnh tim, hô hấp. Hồ sơ mổ của chị cũng nhiều lần bị trả lại vì ca phẫu thuật ẩn chứa nhiều rủi ro.

Nhiều lần, các bác sĩ muốn chị đừng lao vào phẫu thuật đau đớn, mà tận hưởng cuộc sống lúc cuối đời. Nhưng mỗi khi nói chuyện, chị lạc quan, yêu đời rất mãnh liệt khiến bác sĩ đồng lòng thực hiện cuộc mổ.

Chị M.A. kể, những người bạn ung thư của chị đã ra đi vì không tin bác sĩ, uống tùm lum thứ thuốc. Bản thân chị tin vào trình độ y học, tin vào niềm tin của chính mình và sự tận tâm của bác sĩ. 

Bac si nhin nhau hanh phuc truoc nguoi phu nu co suc song phi thuong
"Tôi xem bà ấy như chị em trong nhà, suốt nhiều năm trong nghề, chưa bao giờ tôi gặp được bệnh nhân yêu đời đến kỳ lạ như thế", bác sĩ Tiến sẻ chia.

Chính vì sự chân thành của bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu nhiều lần lên lịch mổ nhưng rồi tạm hoãn để chờ sức khỏe chị ổn định. Cuối cùng, ca mổ cũng diễn ra như mong đợi.

Êkip phẫu thuật hơn 20 bác sĩ cùng nhau thực hiện ca mổ phức tạp này. Sau 10 giờ đồng hồ cắt bỏ 1,5 mét ruột non, một đoạn ruột già, cắt bỏ bàng quang, tỉ mỉ nạo hạch chậu; các bác sĩ đóng hậu môn nhân tạo để bệnh nhân đi vệ sinh không còn ngại ngần.

Khi đèn mổ tắt, êkip phẫu thuật đều choáng váng, vã mồ hôi nhưng ai cũng vui vẻ vì có thể xem đây là ca mổ thành công ngoài mong đợi. Sự thành công từ trước đến nay chưa bao giờ có, êkip bác sĩ của khoa Ngoại 1 cũng tình nguyện ở lại cho đến khi bệnh nhân M.A. tỉnh lại. 

Bac si nhin nhau hanh phuc truoc nguoi phu nu co suc song phi thuong
Sự tin tưởng của bệnh nhân, sự quyết tâm, tận tụy của bác sĩ đã mang về một sự sống mãnh liệt

"Đây là bệnh nhân có sức sống phi thường đến kỳ lạ. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau và hạnh phúc”, bác sĩ Tiến liên tục lặp đi lặp lại không hiểu sao bệnh nhân sống mạnh mẽ đến vậy.

Theo bác sĩ Tiến, bệnh nhân được lấy hết các khối hạch xâm lấn cùng các tế bào ung thư để kéo dài sự sống, nhưng có thể 2 - 3 năm nữa, ung thư có thể tái phát vì không thể chữa khỏi.

Chị M.A. nắm chặt tay bác sĩ Tiến: “Lúc đó tôi sẽ lại làm phiền bác sĩ, dù có phải mổ tiếp, có phải chết trên bàn mổ, tôi cũng tin tưởng vào điều kỳ diệu”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI