Bác sĩ kinh ngạc trước tai nạn vỡ tim “thầm lặng”

01/09/2020 - 13:15

PNO - Tiếp nhận anh T. trong tình trạng lơ mơ, da xanh xao, mất tri giác… ngoài ra không có vết thương nào, nhưng khi xem kết quả chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ nghi ngờ anh bị vỡ tim... "thầm lặng".

Bác sĩ Linh đang thăm khám lại cho anh T.
Bác sĩ Linh thăm khám lại cho anh T.

Sáng 1/9, TS. BS Trương Nguyễn Hoài Linh – khoa Lồng ngực mạch máu, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM cho biết, bệnh viện này đã cấp cứu xử lý loại bỏ hơn nửa lít máu trong màng tim, cứu anh N.P.T. (31 tuổi, ở quận 12) bị vỡ tim... “thầm lặng”.

Theo bác sĩ Linh, khoảng 23g tối 24/8, anh T. được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, mất tri giác, da xanh xao, sốc mất máu, tụt huyết áp rồi rơi vào hôn mê, tiên lượng khá nặng với thông tin ban đầu là bệnh nhân bị tai nạn giao thông, ngoài ra không còn một gợi ý nào. 

“Kíp trực khá bối rối bởi cơ thể nạn nhân gần như không có thương tích nào, không chảy máu nhưng choáng mất máu, có dấu hiệu suy hô hấp nặng, nếu tiếp tục thăm khám, anh T. sẽ không qua khỏi. Vì vậy, bác sĩ trực quyết định chuyển máy siêu âm vào phòng cấp cứu, siêu âm phổi, tim, các mạch máu lớn và các cơ quan nội tạng khác cho anh. Kết quả ghi nhận tim có dấu hiệu bị chảy máu. Tiếp tục chụp CT scan ngực, ghi nhận rất nhiều cục máu đông trong xoang màng tim, buộc phải hội chẩn toàn viện và quyết định mổ khẩn cho anh T.” - bác sĩ Linh nhớ lại.

Bác sĩ Linh cho biết, thông thường nếu một tai nạn gây ra chấn thương làm tim, cơ quan nội tạng chảy máu sẽ gây bầm, thậm chí dập cơ tại vùng ngực, bụng rất rõ, nhưng anh T. không có một vết thương nào mà vỡ tim kín một cách... “thầm lặng”. Do vậy, ê-kíp chỉ còn cách phẫu thuật mở lồng ngực thám sát mới biết được nguyên nhân. 

Ngay sau đó, anh T. được đặt nội khí quản, truyền bù máu,... 30 phút sau, anh được đưa vào phòng phẫu thuật. Ê-kíp bác sĩ mổ hở lồng ngực, lúc này vùng tim đã tím tái, mở màng bao tim phát hiện 600ml máu đông và máu tươi. Đây là nguyên nhân khiến tim bị chèn ép, gây suy hô hấp cho anh T.. Sau khi xử lý loại bỏ phần máu này, vệ sinh và tìm nơi thủng của tim, cả ê-kíp đều kinh ngạc.

Bác sĩ Linh nói: “Thông thường, những bệnh nhân bị thủng tim đa số là vỡ tâm nhĩ bởi bộ phận này rất mỏng manh, nhưng lần đầu tiên chúng tôi gặp một ca vỡ, dập tâm thất phải rất hy hữu. Cơ tâm thất rất dày, ở vị trí “khá an toàn” so với tâm nhĩ, nhưng nơi vỡ lại ở sát cạnh động mạch liên thất trước bên trái, đây lại là động mạch chính bơm máu cho tim nên rất khó để giải quyết”.

Phần lõm ngực bẩm sinh của anh T.
Phần lõm ngực bẩm sinh của anh T.

Trước tình huống trên, các bác sĩ bắt buộc phải vừa theo dõi sát huyết áp, truyền bù 2 lít máu, vừa thật tỉ mỉ để khâu 6 mũi tại tâm thất cho anh T., bởi chỉ một sơ suất nhỏ, chạm phải động mạch liên thất trước, bệnh nhân sẽ lập tức mất máu, tử vong. Sau hơn 3 giờ đồng hồ thực hiện, ê-kíp thở phào khi hoàn tất mũi khâu cuối cùng, tim bệnh nhân đập trở lại bình thường.

Tuy nhiên, trong lúc xử lý đóng lồng ngực cho anh T., bác sĩ lại phát hiện phần mỏm xương ức của anh có một mảnh xương bị gãy. Tiếp tục quan sát, cả ê-kíp mới biết rõ nguyên nhân anh T. bị vỡ tim hy hữu.

“Anh T. bị dị tật lõm ngực bẩm sinh nên mỏm xương ức khá mỏng, có thể tai nạn giao thông làm anh bị va đập vào phần ngực, mỏm xương ức gãy và ép mạnh vào tâm thất phải gây vỡ. Chúng tôi phải dùng chỉ thép để khâu cố định phần xương này. Chỉ thép sử dụng cho anh T. là loại chỉ có thể “chung sống” với bệnh nhân mà không phải phẫu thuật lấy ra” - bác sĩ Linh nói thêm.

Khoảng 3g sáng, ca mổ kết thúc, anh T. qua nguy kịch, mạch và huyết áp ổn định.

Hiện bệnh nhân đã tự thở, có thể ăn uống, tự đi lại, sinh hoạt bình thường, tiếp xúc tốt, không bị di chứng não. Tuy nhiên, trong khoảng 1 năm tới, anh không được làm việc nặng.

Anh T. cho biết: “Hôm xảy ra tai nạn, tôi đang chạy xe máy đi đón vợ vào khoảng 20g. Khi đến đoạn đường Trường Chinh – Phan Văn Hớn, đang đợi qua đường thì bỗng nhiên có một chiếc xe máy khác đi ngược chiều lao thẳng vào tôi. Tình huống quá nhanh khiến tôi không kịp xử lý, chỉ nhớ cổ xe máy của mình bị gãy, đập mạnh vào người rồi bất tỉnh.

Tôi rất muốn cám ơn người đã đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu, nhưng đến bây giờ vẫn chưa biết người tốt bụng đó là ai. Tôi cũng không biết mình bị lõm ngực bẩm sinh bởi từ trước đến nay tôi rất khỏe mạnh, ít khi bị bệnh nên không đến bác sĩ khám”.

Bác sĩ Linh khuyến cáo, lõm ngực bẩm sinh là dị tật khiếm khuyết, ngoài việc mất thẩm mỹ bởi ngực lõm sâu do thiếu xương, người bị lõm ngực có nhiều nguy cơ ảnh hưởng chức năng hô hấp. Nhất là lõm ngực có thể gây rối loạn nhịp tim, các cơn đau tim, nếu dị tật nặng sẽ phải phẫu thuật để xử lý.

Ngoài khiếm khuyết, xương ở phần ngực rất mỏng và dễ gãy không thể chịu được những va đập mạnh. Người lõm ngực bẩm sinh cần phải được theo dõi, tầm soát để tránh các biến chứng về hô hấp. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI