Bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu ngay khi trẻ bị hóc bánh mứt, hạt dưa ngày tết

22/01/2023 - 10:48

PNO - Cứ mỗi dịp tết, tình trạng tai nạn đáng tiếc do trẻ bị hóc bánh mứt hoặc các loại hạt vẫn thường xảy ra, nếu không cấp cứu kịp, nguy cơ chết não, thậm chí tử vong.

Mặc dù đã cảnh báo nhiều lần nhưng hầu như năm nào khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cũng tiếp nhận trẻ bị hóc dị vật
Dù đã cảnh báo nhiều lần nhưng hầu như năm nào khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cũng tiếp nhận trẻ bị hóc dị vật

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cho biết, so với ngày thường, trẻ bị hóc dị vật đường thở tăng khoảng 40% trong ngày tết, nhất là trẻ từ tuổi 2-3 tuổi hay có sở thích ngậm đồ ăn, phản xạ hầu họng chưa tốt.

Các loại hạt trong ngày tết nhỏ, tròn và nhẵn làm cho trẻ dễ bị hóc. Khi trẻ cười giỡn, chạy nhảy hay khóc la trong lúc đang ngậm hạt thì nhiều nguy cơ các hạt này bị hít thẳng vào phổi, chèn đường thở, nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng cách trẻ rất dễ tử vong. 

Hằng năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM vẫn có trẻ bị tai nạn do hóc dị vật đường thở được đưa đến cấp cứu. Có trường hợp trẻ may mắn được cứu sống, nhưng vẫn có trẻ bị đưa đến khá muộn gây thiếu oxy rất lâu dẫn đến chết não, nếu có cứu sống thì trẻ vẫn phải chịu các biến chứng về tinh thần, vận động sau này rất đáng thương.

Đặc biệt phải kể đến trẻ hóc thạch rau câu, đây là hóc dị vật đáng sợ và nguy hiểm nhất, bởi miếng thạch mềm, nhẵn khó lấy ra. Để ăn thạch, trẻ hay vừa bóp hũ đựng thạch vừa hút mạnh, vô tình làm cho miếng thạch bị hít mạnh vào trong, trôi xuống đường thở gây ngạt thở rất nhanh. Lúc này, nếu người phát hiện không lập tức khai thông đường thở cho trẻ, nguy trẻ tử vong rất cao.

“Một khi tai nạn hóc dị vật đường thở xảy ra, tính mạng của trẻ được tính bằng giây nên người lớn cần bình tĩnh, áp dụng các phương pháp cấp cứu phù hợp với độ tuổi của trẻ. Khi đường thở của trẻ chưa được khai thông, không nên chở trẻ đến bệnh viện vì sẽ mất đi “thời gian vàng” cứu trẻ” - bác sĩ Phương cho biết.

Theo đó, khi trẻ bị hóc dị vật đường thở, nếu để quá 4 phút trẻ sẽ ngưng thở, sau 10 phút khả năng gây ngừng tim rất cao, lúc này dù bác sĩ có cứu sống trẻ thì nguy cơ trẻ phải đối mặt với đời sống thực vật.

Biện pháp vỗ lưng, ấn ngực khi phát hiện trẻ bị hóc dị vật
Biện pháp vỗ lưng, ấn ngực khi phát hiện trẻ bị hóc dị vật

Vì vậy, trong lúc trẻ đang ăn, chơi đùa đột nhiên trẻ ho sặc sụa, mặt tím tái, thở dốc và ngất xỉu khả năng trẻ đã bị hóc dị vật. Với trẻ dưới 2 tuổi, nên cho trẻ nằm ngửa, đầu thấp hơn thân, người phát hiện dùng phương pháp ấn ngực, vỗ lưng. Với trẻ lớn hơn, nên ẵm trẻ lên, ép bụng mạnh đột ngột để tăng áp lực trong đường thở và tống dị vật ra ngoài.

Nếu trẻ đã hôn mê và ngưng thở, trước tiên phải hà hơi thổi ngạt (2 cái) sau đó nhồi tim cho trẻ. Đặt trẻ nằm ngửa, người sơ cứu đặt 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh 5 cái liên tiếp theo hướng từ dưới lên trên. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn, cho đến khi dị vật văng ra.

Tuyệt đối không được dùng tay móc dị vật cho trẻ bởi cha mẹ vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn, hay niêm mạc miệng trẻ bị phù nề, càng khó khăn trong cấp cứu.

Ngoài hóc dị vật đường thở thông thường, trẻ cũng có thể bị hóc dị vật bỏ quên, bác sĩ Nguyễn Tường Thi Liên - chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết, hầu như sau tết bệnh viện luôn tiếp nhận các trường hợp trẻ bị hóc dị vật bỏ quên.

“Khi trẻ bị hóc, trẻ sẽ ho sặc sụa, rồi trở về trạng thái bình thường ngay, nhưng khoảng vài ngày sau, trẻ có biểu hiện khò khè, thở rít, trẻ bị nóng sốt thì rất có thể trẻ bị hóc dị vật bỏ quên mà cha mẹ không biết” - bác sĩ Thi nói.

Trường hợp hóc dị vật bỏ quên thường xảy ra với trẻ trên 3 tuổi, ngoài tự ý cho các hạt bí, hạt đậu nành vào lỗ tai, lỗ mũi... trẻ cũng thích ngậm đồ chơi. Có thể trong lúc đang ngậm đồ chơi trong miệng, trẻ bị té ngã, giật mình rồi sặc chúng vào trong mà không hề hay biết. Tùy vào nguyên liệu, cấu tạo, các dị vật này có thể gây nhiều di chứng khác nhau.

Vì vậy, nếu sau cơn ho sặc sụa, trẻ có biểu hiện như nóng sốt, chảy nước mũi, viêm phổi tái đi tái lại, thở khò khè, hơi thở và nước mũi có mùi hôi, cha mẹ nên nghĩ đến tình huống bé đang có dị vật. Nên đưa trẻ đến các bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt để được kiểm tra, xử lý. 

Bác sĩ Thi khuyến cáo: “Một khi nghi ngờ con bị hóc dị vật bỏ quên, cha mẹ phải đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa để khám và xử lý càng sớm càng tốt, cha mẹ không nên kiêng kỵ chờ qua tết. Bởi nếu không may trẻ bị hóc những dị vật có tính oxy hóa cao như pin thì các mô sẽ bị “ăn mòn” làm cho vết thương ngày càng trầm trọng hơn”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI