Bác sĩ Hoàng Công Lương giữ im lặng với chính luật sư bào chữa của mình

16/01/2019 - 18:30

PNO - Vào giai đoạn gần cuối ngày xử án hôm nay, khi luật sư bào chữa yêu cầu đặt câu hỏi với bác sĩ Lương, bị cáo này đã xin phép giữ quyền im lặng như đơn gửi HĐXX trước đó.

Theo đó, trong phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và 6 bị cáo liên quan đến vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình chiều ngày 16/1, luật sư Hoàng Ngọc Biên - người bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương đề nghị hỏi với chính thân chủ mình. Tuy nhiên bị cáo Lương bước lên bục khai báo trình bày rằng mình đã có đơn và xin giữ quyền im lặng.

Bac si Hoang Cong Luong giu im lang voi chinh luat su bao chua cua minh
Bác sĩ Hoàng Công Lương trao đổi với luật sư

Phiên tòa tiếp tục với phần hỏi của luật sư với điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng, điều dưỡng này trả lời: "Từ khi đi làm đến nay tôi chưa bao giờ biết có việc xét nghiệm AAMI (xét nghiệm 23 tiêu chuẩn về hóa lí và vi sinh) và kể từ ngày thành lập Đơn nguyên thận chưa nghe ai nói phải xét nghiệm nước sau đó mới được đưa vào sử dụng. Tôi cũng chưa bao giờ thấy việc phải dừng chạy máy để chờ kết quả xét nghiệm".

Trước đó, trong phần trả lời của mình, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc công ty Trâm Anh) cho biết, sau mỗi lần sửa chữa hệ thống RO, bị cáo đều yêu cầu bệnh viện làm xét nghiệm AAMI. Quốc cũng cho biết mình chỉ làm theo yêu cầu từ phía công ty Thiên Sơn của bị cáo Đỗ Anh Tuấn và không nhận lệnh từ BVĐK tỉnh Hòa Bình

Sở Y tế đã thanh tra bệnh viện nhiều lần về việc chạy thận

Đặc biệt, trong phiên tòa ngày hôm nay có sự xuất hiện của đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình theo như kiến nghị của các luật sư trong ngày đầu tiên. Trả lời về các vấn đề pháp lý liên quan đến thành lập đơn nguyên thận nhân tạo của BVĐK Hòa Bình, đại diện Sở Y tế cho biết, việc thành lập Đơn nguyên thận là đúng về pháp lý.

HĐXX đã đề cập đến công văn của Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình, cho rằng việc thành lập Đơn nguyên là không đúng quy định. Đại diện Sở Y tế lý giải rằng, mỗi ngành có một đặc thù riêng. Sở Nội vụ căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, ngành y tế cũng có những đặc thù riêng.

Bac si Hoang Cong Luong giu im lang voi chinh luat su bao chua cua minh
Đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình tại phiên tòa

"Với góc độ của ngành y, với nhiệm vụ và điều kiện thực tế, chúng tôi khẳng định việc triển khai nhiệm vụ như vậy. Chúng tôi cũng đã cấp chứng chỉ và rà soát Thông tư 41 và thấy BVĐK tỉnh Hòa Bình thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo là hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ được giao.

Theo định kỳ, hàng năm Sở Y tế kiểm tra 2 lần, có thể có kiểm tra đột xuất. Còn về thanh tra cũng căn cứ những phát sinh trong quá trình thực tế. Có 1 lần thanh tra liên quan đến việc chạy thận vào năm 2014 và có kết luận thanh tra. Thanh tra cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế nhưng chúng tôi không thể nhớ hết", đại diện Sở Y tế trả lời.

Xét nghiệm AAMI gồm 23 tiêu chuẩn, bao gồm các tiêu chuẩn về hóa lý và vi sinh (định lượng vi khuẩn và nội độc tố). Đây là tiêu chuẩn rất chặt, rất an toàn cho chạy thận, nhưng rất tốn kém nên tại một số quốc gia yêu cầu tiêu chuẩn hóa lý chỉ làm 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần, còn tiêu chuẩn vi sinh làm mỗi tháng 1 lần hoặc 3 tháng 1 lần, tuỳ theo điều kiện.

Việc xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI với 2 mục đích: Một là đánh giá thiết kế hệ thống RO có đảm bảo sản xuất ra nước RO an toàn hay không. Hai là sử dụng tiêu chuẩn AAMI để kiểm tra định kỳ, giám sát hoạt động của hệ thống RO để đảm bảo hệ thống được vận hành hiệu quả và phát hiện sớm các hiện tượng suy giảm chất lượng theo thiết kế ban đầu để tiến hành duy tu, bảo trì hoặc sửa chữa. 

Theo tiêu chuẩn AAMI, các chỉ số về vi sinh cần 5 - 7 ngày cấy cho vi khuẩn mọc, chính vì thế kết quả AAMI thường được trả sau 10 - 14 ngày. Nếu dừng hệ thống RO để đợi kết quả AAMI thì sẽ gây khó khăn cản trở cho đơn vị điều trị lọc máu trong quá trình điều trị các bệnh nhân suy thận.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI