Bác sĩ bị cách ly vì tưởng bệnh nhân mắc COVID-19, nhưng hóa ra do loại vi khuẩn "chết người"

25/08/2020 - 20:02

PNO - Bệnh nhân 45 tuổi nhập viện do suy hô hấp, tổn thương phổi và được cách ly vì nghi mắc COVID-19, nhưng sau đó phát hiện anh này bị vi khuẩn Whitmore tấn công.

Bệnh nhân mắc Whitmore phải lọc máu nhưng hiện tại đã qua cơn nguy kịch
Bệnh nhân mắc Whitmore phải lọc máu nhưng hiện tại đã qua cơn nguy kịch

Tối 25/8, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho biết nhờ thực hiện sàng lọc COVID-19 mà đơn vị này đã phát hiện một nam giới 45 tuổi mắc bệnh Whitmore.

Nam bệnh nhân này làm việc tại trại nuôi heo ở khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Giang như: cho heo ăn, tắm heo, vệ sinh chuồng trại. Cứ 3- 4 tháng, anh về thăm gia đình (ở huyện Tân Lạc, Hoà Bình) một lần.

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 2, anh cùng những công nhân khác quyết định không về thăm quê và ở lại khu công nghiệp. Sau đó, anh sốt cao liên tục 3 ngày khi vẫn đang làm việc ở trại nuôi heo. Tình trạng khó thở tăng dần nên anh về quê (huyện Tân Lạc, Hoà Bình) để khám.

Khi nhập viện, anh vẫn tiếp tục sốt cao liên tục, khó thở và viêm phổi nặng. Với tình trạng viêm phổi nặng, nhiễm trùng nhiễm độc kèm yếu tố dịch tễ không rõ ràng nên bệnh nhân được cách ly. Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Hòa Bình tiến hành làm xét nghiệm Realtime RT-PCR để tìm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ nên không khai thác được yếu tố dịch tễ. 

Đáng nói, khi chưa có kết quả xét nghiệm, dấu hiệu suy hô hấp của bệnh nhân tiến triển nặng kèm theo tình trạng sốc nhiễm khuẩn nên được hội chẩn chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình để bố trí ở khu vực cách ly điều trị. Lúc này, các nhân viên y tế cũng được cách ly tạm thời để điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Bệnh nhân rơi vào tình trạng suy hô hấp, tụt huyết áp, suy thận cấp, suy gan cấp, tổn thương phổi lan toả 2 bên. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng được chỉ định nuôi cấy máu, cấy đờm để tìm nguyên nhân do vi khuẩn hoặc vi nấm, sử dụng kháng sinh phổ rộng, hỗ trợ thở máy, lọc máu liên tục và thay huyết tương.

Ngay trong đêm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình thông báo kết quả Realtime RT-PCR âm tính. Ngày hôm sau, bệnh viện tập trung tìm nguyên nhân gây viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Cuối cùng, kết quả cấy máu phân lập được vi khuẩn gây bệnh Whitmore (melioidosis). Hiện nay, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang phải điều trị tích cực.

Bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei có trong đất gây nên. Bệnh chưa có vaccine dự phòng và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc bệnh nhân hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.
Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm.

Khi xâm nhập vào cơ thể con người, vi khuẩn này có thể gây nhiễm khuẩn với các mức độ khác nhau: nhiễm khuẩn tại chỗ (khu trú), nhiễm khuẩn toàn thân (nhiễm khuẩn huyết), sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng.

Những trường hợp tử vong thường do bệnh ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng. Số ca bệnh Whitmore xuất hiện nhiều hơn trong những năm gần đây do các cơ sở y tế đã cảnh giác hơn đến loại vi khuẩn này; các kỹ thuật nuôi cấy phân lập vi khuẩn Burkholderia pseudomallei ngày càng tiến bộ, hạn chế bỏ sót các ca bệnh.


Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI