Bà Rịa - Vũng Tàu: TP. Vũng Tàu và huyện Châu Đức không cho công nhân đi xe máy, đi bộ đến nơi làm việc?

19/07/2021 - 11:02

PNO - Hai địa phương này yêu cầu công nhân không được đi xe máy, đi bộ đến nơi làm việc, nếu vi phạm sẽ xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng.

Ngày 19/7, UBND TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản gửi đến các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn về việc không để người lao động, công nhân đến nơi làm việc bằng xe hai bánh.

Theo đó, TP. Vũng Tàu yêu cầu người dân không ra ngoài trừ trường hợp đặc biệt. Từ ngày 19/7, người lao động tại các công ty, khu công nghiệp sẽ đi làm bằng xe đưa đón của công ty, khu công nghiệp. Người lao động không đi bộ, đi xe máy đến nơi làm việc.

 

Trong sáng 19/7, nhiều công nhân đi xe máy tới nơi làm việc bị yêu cầu quay lại. Ảnh: Yêu Vũng Tàu.
Trong sáng 19/7, nhiều công nhân đi xe máy đến nơi làm việc bị yêu cầu quay lại - Ảnh: Yêu Vũng Tàu

Các công ty, khu công nghiệp trên địa bàn phải đáp ứng yêu cầu 3 tại chỗ, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Trường hợp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không tổ chức được 3 tại chỗ thì phải có ô tô đưa đón người lao động đến làm việc.

Xe đưa đón phải đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch, vận chuyển không quá 50 số ghế và không hơn 20 người.

Nhân viên giao hàng (shipper) và người lao động làm việc tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các cơ sở cung ứng lương thực thực phẩm được sử dụng xe môtô đi lại, ra - vào và đi trong TP, nhưng phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày kể từ ngày xét nghiệm.

Tương tự, UBND huyện Châu Đức cũng ra văn bản về việc yêu cầu công nhân, người lao động tại các công ty, xí nghiệp... không đi xe hai bánh đến nơi làm việc.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, từ ngày 18/7, huyện đã gửi văn bản đến các công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh... về vấn đề này để họ phổ biến lại cho người lao động.

Trong sáng 19/7, lực lượng chức năng huyện đã tổ chức thực hiện quy định này. Hôm nay lực lượng chủ yếu nhắc nhở, yêu cầu người lao động quay lại chứ không cho vào công ty.

“Với lỗi vi phạm về việc ra đường khi không cấp thiết, mức phạt là từ 1 đến 3 triệu đồng”, ông Liêm nói.

Trường Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI