Bà nội trợ Sài Gòn “tẩy chay” rau muống vì sợ độc hại

12/01/2016 - 07:25

PNO - Nhiều bà nội trợ ở TP.HCM đang hết sức hoang mang sau tin tức phát hiện rau muống “ngậm” nhớt và hóa chất ở huyện Củ Chi vừa qua.

Hết hồn với rau muống bẩn

Việc liên tiếp phát hiện sử dụng nhớt thải, hóa chất để trồng và chế biến rau muống tại TP.HCM đang dấy lên lo ngại về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là dịp cận Tết nguyên đán sắp đến.

Sáng ngày 9/1, Đội 5 – Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP. Hồ Chí Minh bắt quả tang bà Chu Thị Lan, chủ vựa rau muống tại ấp 8, xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) đã sử dụng nhớt thải trong quá trình trồng rau muống.

Theo đó, tổ công tác đã bắt quả tang bà Lan đổ nhớt thải xuống ruộng rau muống có diện tích khoảng 500 m2 do chính bà làm chủ. Qua làm việc, bà Lan khai nhận, để kích thích tăng trưởng cho rau muống, bà đã sử dụng phân đạm, phân bón lá. Ngoài ra, sau mỗi đợt thu hoạch, bà Lan còn sử dụng nhớt thải để diệt trừ rầy cho đợt nảy mầm mới. 

Ba noi tro Sai Gon “tay chay” rau muong vi so doc hai
Lực lượng chức năng kiểm tra ruộng rau muống của bà Lan.

Bà Lan cho biết, nhớt thải được thu mua từ các tiệm sửa xe trên địa bàn với giá 12.000 đồng/lít. "Sử dụng nhớt vì diệt sâu bệnh hiệu quả và giá thấp chứ không biết nó có hại", bà Lan nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, việc tưới nhớt lên rau muống sẽ kích thích sự tăng trưởng của chúng, nhưng lại gây ra tồn đọng chất độc dễ thấm vào cơ thể của người dùng.

Trước đó, tối ngày 8/1, tại khu vực ấp 5, xã Bình Mỹ lực lượng chức năng đã phát hiện một chủ đại lý là bà Nguyễn Thị Hiên (tạm trú tại ấp 5) đang ngâm rau muống vào hóa chất. Cơ quan chức năng lập biên bản và thu giữ hai thùng hóa chất màu xanh. Theo bà Hiên, việc ngâm hóa chất nhằm rau tươi lâu và xanh hơn.

Ba noi tro Sai Gon “tay chay” rau muong vi so doc hai
Hóa chất tại điểm kinh doanh rau muống của bà Hiên bị thu giữ.

Cũng theo xác định của đoàn kiểm tra, cơ sở của bà Hiên còn có hai thùng nhớt thải và một loại hóa chất không được phép sử dụng đối với rau muống. Hiện toàn bộ số hóa chất và nhớt thải đã được niêm phong chuyển giao cho UBND xã Bình Mỹ thu giữ để xử lý.

Được biết, đây cũng là nơi bà Hiên tổ chức thu gom và sơ chế rau muống chẻ sợi nhỏ, rồi giao cho các đầu mối đưa đi tiêu thụ ở địa bàn TP HCM và các khu vực lân cận.

Mặt khác, đến cuối ngày 9/1, bà Hiên vẫn không cung cấp được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của số hóa chất nói trên. Bà chỉ khai nhận số hóa chất do những người thu mua rau muống khác cung cấp nhằm mục đích làm xanh rau chứ không rõ là chất gì.

Người nội trợ lo lắng và sự tẩy chay

Theo Phunuonline khảo sát các chợ dân sinh và chợ đầu mối thực phẩm tại TP.HCM, hiện nay, các bà nội trợ và người tiêu dùng đều e dè với rau muống được bày bán tại chợ vì sợ rau muống nhiễm hóa chất và được trồng với nhớt thải sau những tin tức được công bố vừa qua.

Theo chị Trịnh Kim Ngọc (ngụ quận 11, TP.HCM), ban đầu là thịt lợn chứa chất tạo nạc, cải thảo nhiễm độc..., sau tới giá đỗ có chứa các vi sinh vật gây bệnh, rồi nhiều loại hoa quả chứa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép..., và mới đây nhất là thông tin rau muống được trồng bằng nhớt và ngâm hóa chất đã khiến chị không biết mua thực phẩm gì an toàn cho gia đình.

“Từ hàng nhập đến hàng trong nước, từ rau quả tới thực phẩm, loại nào cũng nhiễm độc. Giờ đi chợ tôi chẳng biết mua thứ gì. Ăn thì ít mà lo nhiều", chị Ngọc lo lắng tâm sự.

Ba noi tro Sai Gon “tay chay” rau muong vi so doc hai
Nhiều người nội trợ tại TP.HCM đã tìm đến các siêu thị và cửa hàng kinh doanh uy tín để chọn mua nguồn rau sạch và an toàn.

Lo lắng chẳng kém chị Lan, Bà Đặng Ngọc Hoa chia sẻ: “Nghe tin rau muống ở Củ Chi nhiễm độc mà tôi lo lắng, vì huyện Củ Chi trước giờ là địa chỉ cung ứng rau xanh ở thành phố này. Tôi chỉ biết là nên tạm thời không mua rau muống không rõ nguồn gốc nữa cho an toàn. Trước đi chợ thấy cái gì ngon, thích có thể mua, giờ chỉ dám chọn mấy loại rau người dân trồng được như rau muống, mùng tơi, rau dền, ăn mãi cũng chán".

Bà Hoa cũng cho hay, hàng xóm của bà lo lắng tới mức không dám ra chợ mua rau muống, nếu lỡ có thèm thì cũng ra đến siêu thị mà chọn cho an tâm.

Một số bà nội trợ thì có cách lựa chọn khác như chỉ mua rau, củ ở những hàng mà biết rõ người dân tự trồng; hoặc nhờ người quen, người nhà cuối tuần chuyển rau từ quê ra (với điều kiện biết rõ nguồn gốc) để tủ lạnh, ăn dần.

 Phương Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI