Bà Mansi Tripathy: “Phụ nữ, đừng tự làm bản thân chậm lại”

25/05/2024 - 09:50

PNO - Ngay trước khi nhận giải “Nhân vật F&L châu Á của năm”, bà Mansi Madan Tripathy - Phó chủ tịch Shell Lubricants - đã dành cho Phụ nữ Chủ nhật một cuộc trò chuyện đầy cảm hứng. Đây là giải thưởng do Tạp chí F&L thành lập từ năm 2017 nhằm tôn vinh các cá nhân xuất sắc trong ngành công nghiệp nhiên liệu và dầu nhờn châu Á - lĩnh vực rất ít nữ giới tham gia.

Chân dung bà Mansi Madan Tripathy - Phó chủ tịch Shell Lubricants
Chân dung bà Mansi Madan Tripathy - Phó chủ tịch Shell Lubricants

Lần thứ chín đến Việt Nam cho những chuyến công tác và lần thứ ba đến Việt Nam cùng gia đình trong những kỳ nghỉ, Mansi nói bà yêu quý cảnh sắc và con người Việt Nam. Bà đặc biệt ngưỡng mộ đức tính kiên cường của người Việt, được thể hiện không chỉ trong lịch sử mà còn ở cuộc sống thường nhật.

Bà Mansi Tripathy là một trong những “Woman ahead list” (danh sách những người phụ nữ dẫn đầu) tại Ấn Độ do Thời báo Kinh tế bình chọn năm 2017 và từng được trao tặng danh hiệu “Woman of decade” (Người phụ nữ của thập kỷ) tại Diễn đàn kinh tế Phụ nữ (WEF) 2018. Với những đóng góp của bà cho tiến bộ xã hội, đặc biệt là bình đẳng giới trong lĩnh vực nghề nghiệp mà ưu thế thuộc về nam giới, tôi không ngạc nhiên trước những giải thưởng bà được tôn vinh. Điều khiến tôi ấn tượng là câu chuyện của chính Mansi, khi bà đã vượt qua hết trở ngại này đến trở ngại khác, theo đuổi sự nghiệp và có một gia đình trọn vẹn.

Nữ sinh viên đầu tiên được vinh danh trên bảng vàng của trường sau 100 năm

Bà Mansi khi nhận giải “Nhân vật F&L châu Á của năm” năm 2024
Bà Mansi khi nhận giải “Nhân vật F&L châu Á của năm” năm 2024

Yêu thích ngành điện tử từ nhỏ, vào đại học, Mansi chọn ngành kỹ thuật điện tử viễn thông thuộc Viện Công nghệ quốc gia Kurukshetra. Bà là 1 trong 2 sinh viên nữ thuộc khóa học có 500 sinh viên. Với bản tính tò mò, ham học hỏi, việc học về bánh xe, cao su và các chất bán dẫn không làm khó được Mansi. Bà luôn phấn đấu nằm trong tốp sinh viên dẫn đầu. Không chỉ có thành tích học tập ấn tượng, Mansi còn đặc biệt yêu thích nhảy múa, ca hát cũng như dành thời gian đọc sách. Tuy nhiên, bà chưa từng tham gia bất kỳ môn thể thao nào trước đó.

Đến năm thứ ba đại học, vị giáo sư dẫn dắt Mansi gợi ý rằng bà có thể trở thành nữ sinh đầu tiên trong suốt 100 năm qua được vinh danh trên bảng vàng của trường vì nỗ lực học tập xuất sắc, với điều kiện phải tham gia ngày hội thể thao sắp diễn ra. Mansi hơi bối rối nhưng lời động viên của thầy giúp bà có thêm động lực.

Bà quyết định tham gia 2 đường chạy: 400m và 3km. Mỗi ngày, bà đều đặn thức dậy lúc 4g30 sáng để luyện tập. Với người chưa từng chơi thể thao như Mansi, ngày đầu tiên, bà hụt hơi và băn khoăn, không biết mình có làm được hay không. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, bà đã giành được huy chương Vàng năm sau đó. Lần đầu tiên, sau hơn 100 năm, tên một nữ sinh viên mới được vinh danh trên bảng vàng toàn trường.

Mansi nói rằng sự kiện đó là một bước ngoặt mang đến cho bà 3 bài học quan trọng đến tận bây giờ. Thứ nhất, tầm quan trọng của người thầy, người hướng dẫn. Phải biết trân trọng và lắng nghe họ vì đôi khi ta không thể nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh. Thứ hai, vai trò của đội ngũ và cộng sự cực kỳ quan trọng. “Nếu không có sự giúp sức của bạn bè, tôi đã không thể chiến thắng”. Cuối cùng, chính là nỗ lực làm việc chăm chỉ và không ngừng cố gắng mỗi ngày. “Nếu mình thực sự muốn điều gì, suy nghĩ thôi chưa đủ, cần quyết tâm và nỗ lực làm việc để đạt được” - Mansi cho biết.

Tốt nghiệp đại học, bà tiếp tục học thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) chuyên ngành tiếp thị từ Viện Nghiên cứu và Quản lý Shreyans Prasad Jain, sau đó dấn thân vào ngành hàng tiêu dùng nhanh. Bà thừa nhận, phụ nữ ở vai trò quản lý cấp cao chưa bao giờ là việc dễ dàng. “Tôi tin rằng không chỉ riêng tôi mà rất nhiều chị em cũng thường xuyên đối mặt với hàng ngàn khoảnh khắc tiến thoái lưỡng nan”. Bà nhớ về những ngày ở Boston (Mỹ), một mình chăm 2 con trong khi chồng đang làm việc tại Singapore. Buổi sáng mùa đông tuyết rơi dày, Mansi dậy sớm chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng nhưng bảo mẫu chưa đến, muốn ra khỏi nhà phải dọn tuyết để có đường đi.

“Làm sao để có thể đến văn phòng đúng giờ, làm sao yên tâm để 2 con nhỏ một mình… muôn vàn câu hỏi được đặt ra. Sau này, tôi học được rằng, mỗi sự lựa chọn trong cuộc sống luôn có hệ quả đi kèm. Cho nên, khi đối mặt những tình huống như thế, tôi thường tự nhắc đây là sự lựa chọn của mình. Một khi đã chọn thì phải chấp nhận, sẵn sàng đón nhận thách thức. Bạn không thể vừa ăn bánh, vừa giảm cân, phải thế không? Việc đón nhận thách thức trong tâm thế đó cộng với niềm vui được học hỏi mỗi ngày từ những người xung quanh đã giúp tôi luôn tiến về phía trước” - bà chia sẻ.

Rào cản tư duy là quan trọng nhất

Bà Mansi trong một giải chạy
Bà Mansi trong một giải chạy

Năm 2012, Mansi trở lại Ấn và tìm thấy cơ hội tại Shell, ở cương vị Phó chủ tịch Shell Lubricants châu Á - Thái Bình Dương với 9 nhà máy và hơn 1.500 đơn vị dưới quyền quản lý. Bà cũng đang lãnh đạo các công ty của Shell tại thị trường Ấn Độ với 13.000 nhân viên và doanh thu 3 tỉ USD. Ngoài ra, bà còn là thành viên của Hội đồng quản trị Hankook Shell (Hàn Quốc), JOSLOC (Ả Rập Saudi) và MRPL Aviation.

Mansi thừa nhận số lượng phụ nữ đứng đầu trong ngành năng lượng khá hiếm, phần vì tỉ lệ phụ nữ có nền tảng học vấn phù hợp và giữ vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) vốn đã ít ỏi. Tuy nhiên, bà cho rằng tình hình đã có những thay đổi lớn trong 10 năm qua. Bản thân bà đã thúc đẩy sự bình đẳng tại công ty, gồm cả về giới, đa dạng sắc tộc và văn hóa, tăng tỉ lệ phụ nữ lãnh đạo từ 36% vào năm 2014 lên 55% năm 2022.

Khi được hỏi về thách thức trong ngành nam giới chiếm đa số, bà chia sẻ: “Ai cũng phải đối mặt với thử thách và lĩnh vực nào cũng vậy”. Từ kinh nghiệm thực tiễn, bà cho biết rào cản lớn nhất là thử thách về tinh thần.

“Chỉ cần vượt qua được thì mình sẽ vượt qua hết các rào cản khác. Lúc mới vào ngành, tôi cũng từng nghi ngờ bản thân, không biết mình có làm được, có đủ giỏi” - bà nói. Đặc biệt, trong các cuộc họp cấp cao, có những thời điểm, trong phòng họp chỉ có bà là phụ nữ. Bà nói vui rằng, suốt 3-4 tháng trong các cuộc họp, bà không thấy bóng dáng phụ nữ nào. “Khi bước vào một cuộc họp như thế, sẽ có khoảng 5-6 phút mọi người quan sát và đánh giá mình, không rõ mình có đủ năng lực hay không. Nếu là lãnh đạo nam giới, mọi thứ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều…” - Mansi kể.

Kể cả ở thời điểm hiện tại, hầu như mỗi ngày vào mỗi cuộc họp, bà đều phải đối mặt với rào cản đó. Để vượt qua thử thách trên, theo bà, quan trọng nhất là cần loại bỏ những nghi ngờ về bản thân và nhìn nhận mỗi ngày như một cơ hội để phát triển. “Hãy luôn nhớ rằng bạn không thể nào biết hết mọi thứ, nên việc bạn không hiểu một vấn đề không sao cả! Trong công việc, mức độ khó khăn có lẽ là giống nhau đối với cả hai giới. Việc quản lý những thứ ngoài công việc có thể có tác động nhất định đến hiệu suất làm việc của cả hai giới. Do đó, sự chăm chỉ, kiên trì và tham vọng cá nhân là những yếu tố rất quan trọng” - bà nêu quan điểm.

Mansi đặc biệt nhấn mạnh vào tham vọng và khát khao công việc bên trong mỗi phụ nữ. Từ thực tế công việc, bà nhận thấy phụ nữ thường tự đặt ra các giới hạn, rào cản trước trong tư duy. Chẳng hạn, mình không làm được đâu, mình phải thế này thế kia, mình phải hy sinh nhiều thứ vì gia đình... Tư duy này đã được cải thiện song vẫn còn vô cùng phổ biến, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở các quốc gia châu Á nói chung.

Mansi đặc biệt nhấn mạnh, phụ nữ Việt trên thương trường rất giỏi, nhạy bén và thông minh chứ không chỉ dừng ở những tính cách thường được miêu tả như cần cù, chịu khó. “Do đó, tôi hy vọng phụ nữ Việt Nam nói riêng và giới nữ nói chung mạnh dạn đặt khát khao vào công việc. Mọi thứ sẽ ổn thôi. Mình cần phải thúc đẩy bản thân vượt qua vùng an toàn. Cuộc sống sẽ tiếp diễn, khó khăn sẽ qua, con cái sẽ lớn. Đừng tự làm bản thân chậm đi. Mục tiêu cuối cùng không phải đến cấp bậc cao nhất mà là vượt qua những rào cản chúng ta đang đối mặt” - Mansi nói.

Lê Phan - Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI