Ba Lan cấm phá thai kể cả khi thai nhi mắc bệnh hiểm nghèo hoặc dị tật

23/10/2020 - 19:34

PNO - Ba Lan thắt chặt luật phá thai, khiến việc chấm dứt thai kỳ do dị tật thai nhi trở nên bất hợp pháp. Điều này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình trên khắp đất nước.

Sau phán quyết ngày 22/10, việc phá thai ở Ba Lan chỉ hợp pháp trong trường hợp hiếp dâm, loạn luân hoặc đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người mẹ - vốn chiếm khoảng 2% các vụ phá thai hợp pháp được thực hiện trong những năm gần đây.

Động thái này đẩy Ba Lan ra xa khỏi xu hướng của châu Âu, vì là quốc gia EU duy nhất ngoài Malta hạn chế nghiêm trọng việc phá thai.

Người đứng đầu Tòa án Hiến pháp Julia Przylebska cho biết: “Một điều khoản hợp pháp hóa các lựa chọn ưu sinh đối với quyền sống của một đứa trẻ chưa sinh, và khiến quyền sống của một đứa trẻ chưa sinh phụ thuộc vào sức khỏe của chính nó đi ngược lại tiêu chí của Hiến pháp”.

Dòng người tuần hành phản đối phán quyết của tòa án tại Warsaw vào đêm 22/10 .
Dòng người tuần hành phản đối phán quyết của tòa án tại Warsaw vào đêm 22/10 

Rất đông người đã diễu hành về phía nơi ở của nhà lãnh đạo đảng cầm quyền Jaroslaw Kaczynski vào đêm 22/10 sau phán quyết. Hầu hết đều đeo khẩu trang để tuân thủ các hạn chế phòng dịch COVID-19.

Cảnh sát trong trang phục chống bạo động tạo vòng bảo vệ quanh ngôi nhà và phản ứng bằng bình xịt hơi cay, vũ lực sau khi những người biểu tình ném đá cố gắng vượt qua hàng rào cảnh sát.

Nhiều cuộc biểu tình nhỏ cũng diễn ra ở các thành phố Krakow, Lodz và Szczecin.

Marianna Dobkowska (41 tuổi) cho biết: “Thật tệ khi những điều gây tranh cãi như vậy lại được quyết định vào thời điểm mà toàn bộ xã hội đang sống trong nỗi sợ hãi về đại dịch”. Các cuộc biểu tình ở Warsaw đã giải tán vào sớm thứ sáu 23/10.

Các giá trị bảo thủ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống công cộng ở Ba Lan kể từ khi đảng Công lý và Luật pháp (PiS) theo chủ nghĩa dân tộc lên nắm quyền cách đây 5 năm, với lời hứa bảo vệ những gì đảng này coi là đặc điểm Công giáo, truyền thống của quốc gia.

Hạn chế tiếp cận phá thai là tham vọng lâu dài của đảng, nhưng đã đến chậm hơn so với các đề xuất lập pháp trước đó trong bối cảnh dư luận phản ứng dữ dội.

Vào tháng 12/2019, một nhóm các nhà lập pháp cánh hữu đã yêu cầu Tòa án đưa ra phán quyết về tính hợp pháp của việc phá thai khi không thể phục hồi đối với thai nhi.

Một người biểu tình bị ảnh hưởng bởi hơi cay từ cảnh sát.
Một người biểu tình bị ảnh hưởng bởi hơi cay từ cảnh sát

Các nhóm quyền phụ nữ và phe đối lập cũng phản ứng với quyết định của tòa án. Luật sư Kamila Ferenc – người làm việc với một tổ chức phi chính phủ giúp đỡ những phụ nữ bị từ chối phá thai – nhận xét: “Tình huống xấu nhất có thể xảy ra đã trở thành sự thật. Đó là một bản án tàn khốc, đe dọa hủy hoại cuộc sống của nhiều phụ nữ và nhiều gia đình”.

Ủy viên Hội đồng Châu Âu về Nhân quyền Dunja Mijatovic gọi đây là một “ngày buồn cho quyền của phụ nữ”.

Các nhà hoạt động vì quyền phá thai cho biết việc tiếp cận dịch vụ này thường bị từ chối trong những năm gần đây ở Ba Lan, ngay cả trong những trường hợp hợp pháp.

Nhiều bác sĩ ở Ba Lan - quốc gia vốn có một số quy định về phá thai nghiêm ngặt nhất ở châu Âu - thực hiện quyền hợp pháp của họ để từ chối thực hiện phá thai vì lý do tôn giáo. Một số người nói rằng họ bị áp lực bởi cấp trên.

Maria Kurowska - nhà lập pháp của United Poland, một đảng trong liên minh cầm quyền – tiết lộ: “Chúng tôi vui mừng với những gì Tòa án Hiến pháp đã phán quyết bởi người ta không thể giết một đứa trẻ chỉ vì bệnh tật. Đó không phải là một bào thai, mà là một đứa trẻ”.

Linh La (theo Daily Mail)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • nguyễn phương 24-10-2020 04:41:49

    Ai cũng có lý do để phản đối hay chấp nhận phá thai : quyền được sống của tất cả sinh linh cho dù chỉ là hình dạng của một bào thai luôn được các nhà tôn giáo ,đạo đức coi trọng ,ngược lại một số nhà mang danh nhân quyền cho phụ nữ muốn được tự do phá thai .Tất cả thuộc phạm trù đạo đức nhân quyền khó phân tích đúng sai .

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI