"Autumn Sonata": Đóa hoa nở muộn về tình mẫu tử

10/09/2020 - 13:52

PNO - "Autumn Sonata" - phim bộc lộ tâm lý phức tạp nhất của con người.

Autumn Sonata (tựa Việt: Bản tình ca mùa thu - 1978) là tác phẩm mang đậm chất sân khấu, chỉ với vài nhân vật trong bối cảnh chứa đựng âm hưởng đồng quê của Ingmar Bergman - một trong những nhà làm phim vĩ đại, có ảnh hưởng nhất với nghệ thuật điện ảnh hiện đại. Bộ phim bộc lộ tâm lý phức tạp nhất của con người - mối quan hệ ràng buộc giữa mẹ và con gái (theo cách nói của Eva, nó giống như “dây rốn không bao giờ bị cắt”).

Tác phẩm điện ảnh cuối cùng của Ingmar Bergman 

Màu sắc phim tươi sáng, cùng lối diễn xuất tinh tế của Ingrid Bergman (vai Charlotte, một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng) và Liv Ullmann (vai Eva), Autumn Sonata là một trong những bộ phim nhẹ nhàng, trở thành lối đi dễ tiếp cận nhất trong “mê cung điện ảnh Ingmar Bergman”.

Autumn Sonata tập trung vào mối quan hệ ràng buộc giữa mẹ và con gái
Autumn Sonata tập trung vào mối quan hệ ràng buộc giữa mẹ và con gái

Cả hai ngôi sao của bộ phim Liv Ullmann và Ingrid Bergman, đều có con gái và sự nghiệp nổi tiếng. Nhưng khi Bergman bỏ chồng để đến với Roberto Rossellini, bà đã nhiều năm không gặp con gái kể từ cuộc hôn nhân đầu tiên. Đối với Ullmann, sự nghiệp của cô ấy cũng kéo theo mối quan hệ xa cách với người con gái của mình - Linn, có cha là Ingmar Bergman.

Bộ phim được quay bởi Sven Nykvist, với màu sắc mang đậm phong vị của mùa thu. Bộ phim cũng sử dụng kỹ thuật đặc trưng của Bergman về cận cảnh chặt chẽ trong một khung cảnh nhỏ gần như ngột ngạt, để kể câu chuyện của cô con gái Eva và người mẹ Charlotte trong chuyến viếng thăm của bà sau bảy năm.

Suốt bảy năm ấy, Charlotte không hề hiện hữu trong những sự kiện lớn của cuộc đời Eva, khi cô đã kết hôn với Viktor, có con trai Erik - cậu bé chết đuối trước sinh nhật thứ tư của mình, và đang chăm sóc cho em gái Helena - đang chết dần chết mòn vì một căn bệnh thoái hóa.

Cuộc gặp gỡ giữa mẹ và con gái được miêu tả bắt đầu bằng sự hạnh phúc, hưng phấn vô cùng - khi mỗi người đều đang ẩn giấu tâm trạng thật sự của mình ở phía sau. Sự bắt đầu tưởng như mở ra một hàn gắn êm ái giống như nhiều câu chuyện thông thường. Nhưng Bergman đã lần lượt đưa người xem đến với một cơn thịnh nộ chân thật và đau lòng - nơi hố thẳm của những xúc cảm được bật ra.

Trường đoạn đối thoại suốt đêm của hai mẹ con Eva và Charlotte, người xem được đặt trong một không gian ngột ngạt, với những thước phim quay chậm. Mỗi câu chuyện được bật ra giống như lật giở một trang nhật ký được chôn kín. Trên từng trang, Eva đau đớn kết tội người mẹ của mình, đau đớn nhắc nhớ về những cô độc mà cô đã phải trải qua. Ở đó ranh giới giữa yêu và hận trở nên mờ mịt, cô cứ đứng giữa ranh giới ấy, mà đi hết cuộc đời, với sự thèm khát yêu thương, sự quằn quại hận thù.

Trong khi Eva từng bước tiến về phía người mẹ bằng những lời nói của mình, thì Helena - người con tàn tật dù chỉ xuất hiện trong vài phân đoạn nhỏ của bộ phim nhưng đã để lại dấu ấn mãnh liệt. Biểu cảm của cô vào giây phút được gặp mẹ - niềm vui trong sáng mãnh liệt, không thể thốt thành lời, với những cơn co rút đến mức dường như khiến cô đau đớn về thể xác - có lẽ lại là khoảnh khắc đau lòng nhất.

Bộ phim Autumn Sonata được làm trong lúc Bergman sống lưu vong khỏi Thụy Điển, sau một vụ kiện khiến tinh thần ông suy sụp. Đó là thời gian ông đau đớn và đánh mất dần khả năng sáng tạo tuyệt vời của mình. Trong những ngày đầy khó chịu, ông đã phác thảo nên kịch bản Autumn Sonata chỉ trong một ngày. Sau đó bộ phim được quay trong 15 ngày tại Na Uy - quê hương của Ullmann.

Đây cũng là tác phẩm điện ảnh cuối cùng của Ingmar Bergman. Những tác phẩm sau đó - Life of the Marionettes, Fanny và Alexander (1982), và Saraband (2003) đều ở lĩnh vực truyền hình.

Khao khát một mùa xuân nở rộ

Trong kịch bản đầu tiên, Bergman có ý định tạo nhiều tình tiết “kỳ quái” cho bộ phim nhằm đẩy phim vào cảm giác mơ hồ. Nhưng khi phim bắt đầu quay, ông đã cắt bỏ và để những đóa hoa chập chờn xuất hiện, với khao khát về một mùa xuân nở rộ.

Xem phim, nếu để ý kỹ, sẽ nhận thấy hình ảnh những bông hoa thường xuất hiện ở điểm cuối của mỗi cảnh quay - cũng có thể liên tưởng đến tựa đề của bộ phim - trong sự vận hành của chu trình thời gian, hết mùa thu, qua mùa đông lạnh giá, nếu kiên nhẫn chịu đựng, ta có thể ngắm nhìn mùa xuân ấm áp.

Bộ phim mở đầu và kết thúc đều bằng những lá thư Eva gửi cho mẹ. Khi bức thư mở đầu là những lời lẽ đầy trìu mến nhưng lại ẩn trong tâm tư tức giận, đau khổ thì ở bức thư cuối phim, cô viết đơn giản, thẳng thẳn, với khao khát được yêu thương.

Bergman luôn là vị đạo diễn yêu thích những cảnh quay cận mặt, lột tả những ẩn giấu sâu thẳm của tâm hồn bằng những cử động nhỏ. Trong lá thư được đọc thành tiếng ở đoạn cuối phim, nhân vật Eva nhìn thẳng vào máy quay, như thể đang nhìn thẳng vào khuôn mặt mẹ mình. Chỉ có khuôn mặt, ánh mắt và giọng nói của cô trong khung hình, từng lời được cất lên:

“Con đã mong gặp mẹ vì những nhu cầu thay vì tình cảm. Con đã giày vò mẹ với một nỗi hận thù cũ không còn thực tế nữa. Con thực sự cầu xin sự tha thứ của mẹ… Nhưng con hy vọng rằng những gì chúng ta đã chia sẻ với nhau sẽ không vô ích… Con sẽ không bao giờ để mẹ biến mất khỏi cuộc sống của con một lần nữa”.

Trailer phim Autumn Sonata:

Hai người đàn bà - mẹ và con gái, liệu họ còn thời gian để tha thứ và bắt đầu lại hay không? Mỗi người xem đều sẽ có suy đoán của riêng mình. Nhưng trong không khí chân thật, đầy phiền não nhưng quá đỗi đẹp đẽ của bộ phim, ta có quyền hy vọng.

Bộ phim nhận được hai đề cử Oscar: Nữ chính xuất sắc (đề cử Oscar thứ 7 của Ingrid Bergman) và Kịch bản gốc xuất sắc nhất cho Ingmar Bergman. Bộ phim cũng thắng Quả cầu vàng cho Phim nước ngoài hay nhất

Phong Linh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI