APEC cần tạo ra những xung lực mới

10/11/2017 - 09:40

PNO - Hôm nay (10/11), lãnh đạo các nền kinh tế lớn trên thế giới gồm Mỹ, Nhật, Trung Quốc sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO SUMMIT) được tổ chức tại Đà Nẵng.

APEC càn tạo ra nhũng xung lục mói
Họp báo sau bế mạc Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29

CEO SUMMIT khai mạc từ chiều 8/11, là một trong bốn sự kiện quan trọng trong Tuần lễ Cấp cao APEC được Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì. Tham dự các phiên họp của hội nghị có lãnh đạo các nền kinh tế APEC: Australia, Chile, Trung Quốc, Hồng Kông - Trung Quốc, Malaysia, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines và Hoa Kỳ; hơn 2.000 doanh nghiệp hàng đầu khu vực, quốc tế và 800 doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra còn có lãnh đạo các tổ chức quốc tế: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Đây là hoạt động doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong Tuần lễ Cấp cao với sự tham dự và phát biểu của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Trong khuôn khổ sự kiện, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có bài phát biểu vào chiều 9/11.

Theo đó, ông Duterte hoan nghênh toàn cầu hóa, nhưng ông cho rằng, mặc dù nhìn chung toàn cầu hóa có lợi cho nền kinh tế thế giới, nhưng không thể phủ nhận những tác động bất lợi của quá trình này. “Toàn cầu hóa khiến một số người bị bỏ lại phía sau. Phải có biện pháp nào đó để khắc phục vấn đề này”, ông Duterte nói và gợi ý rằng, đầu tư vào phát triển con người có thể là một giải pháp.

Ông Duterte cũng nhấn mạnh tới vấn nạn “chảy máu chất xám”, xuất khẩu nguyên liệu thô ở Philippines do ảnh hưởng xấu của toàn cầu hóa. Tổng thống Philippines cho biết, ông sẽ đưa vấn đề này ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị liên quan, được tổ chức tại Manila từ ngày 10 - 14/11. 

Sau bài phát biểu của ông Duterte, ngày hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu tại CEO SUMMIT.

Trước đó, vào trưa 9/11, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 đã bế mạc.

Sau hơn một ngày họp với ba phiên họp toàn thể với nhiều đánh giá sâu sắc và toàn diện, hội nghị tiếp tục khẳng định quyết tâm duy trì đà hợp tác và liên kết của APEC, tiếp tục củng cố vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực cũng như khẳng định tính linh hoạt và khả năng thích ứng cao của diễn đàn trong tình hình mới.

Trước xu thế mới về công nghệ và toàn cầu hóa, kết nối ngày càng sâu rộng giữa các nền kinh tế hiện nay, hội nghị nhất trí APEC cần tạo ra những xung lực mới để góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. 

Hội nghị cũng thông qua nhiều sáng kiến quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, đáng chú ý là bốn văn kiện: Khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, Chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo, Kế hoạch hành động nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu giai đoạn 2018 - 2020 và Chương trình hành động về phát triển nông thôn - đô thị nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng. 

Đồng thời, hội nghị hoan nghênh việc thông qua văn kiện về APEC hướng tới năm 2020 và tương lai. Đây là sáng kiến của Việt Nam và là một dấu ấn của hợp tác APEC năm 2017 nhằm chuẩn bị cho APEC bước vào thập niên phát triển thứ tư và thúc đẩy hoàn tất thực hiện các mục tiêu Bô-go vào năm 2020.

Từ hôm nay, sẽ bắt đầu diễn ra các hoạt động chính thức của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Đến nay, lãnh đạo các nền kinh tế APEC đều đã khẳng định tham dự các sự kiện quan trọng của Tuần lễ Cấp cao. 

 Hoàng Thanh Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI