Ẩn họa xâm hại phụ nữ bên trong ngành hàng hải Philippines

23/12/2020 - 11:41

PNO - Ở Philippines, bên trong ngành công nghiệp hàng hải - bấy lâu bị thống lĩnh bởi nam giới, hàng ngàn phụ nữ hiện phải đối mặt nguy cơ xâm hại mỗi ngày.

Mới đây, báo cáo xã hội học thực hiện bởi Viện Nghiên cứu phát triển (IDS), cơ sở nghiên cứu số liệu xã hội uy tín toàn cầu trực thuộc Đại học Sussex (Anh), làm dấy lên mối quan ngại đặc biệt về môi trường làm việc trên biển tại quốc đảo Đông Nam Á.

Báo cáo cho thấy, phần lớn nhân viên nữ ngành hàng hải Philippines từng chịu đựng hành vi tấn công tình dục ở đa dạng cấp độ.

Năm 1993, nghề thương mại đường biển mới bắt đầu “mở cửa” chào đón phụ nữ ở Philippines (Ảnh: Pixabay)
Năm 1993, nghề thương mại đường biển mới bắt đầu “mở cửa” chào đón phụ nữ ở Philippines (Ảnh: Pixabay)

Tiến sĩ Lucia Tangi - Trợ lý giảng dạy chuyên ngành báo chí, Đại học Philippines - đã tiến hành một nghiên cứu tương tự trong hơn 10 năm. Cô trò chuyện với gần 100 nữ thủy thủ bản địa. Dựa trên hàng loạt câu chuyện họ chia sẻ, Tangi nhận thấy một thực trạng đáng sợ: mỗi phụ nữ công tác trong ngành hàng hải - bất kể vị trí, chức vụ - đều dễ dàng trở thành nạn nhân của tấn công tình dục.

Nữ đại úy Jasmine - người từ chối tiết lộ họ tên đầy đủ, hiện công tác ở Hiệp hội Sĩ quan hàng hải và Công đoàn thủy thủ Philippines - chia sẻ trải nghiệm bị xâm hại của cô trong sự kiện Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2019.

“Lần đầu tiên lên tàu học việc dưới tư cách thiếu sinh quân, cha tôi khuyên tôi nên làm quen với đầu bếp của tàu, để được ưu ái hơn trong những bữa ăn. Tôi làm theo lời cha. Nhưng một đêm, lợi dụng lúc tôi đang ngủ, người đầu bếp tôi cứ nghĩ rất thân thiện, lẻn vào phòng để sờ soạng tôi. Tôi đã không thể lên tiếng với bất cứ ai. Khi ấy tôi 17 tuổi và vô cùng bối rối”, cô nói.

Lịch sử hàng hải Philippines khởi nguồn từ thế kỷ XIX, trong giai đoạn chiếm đóng của thực dân Tây Ban Nha. Đây cũng là thời điểm trường hải quân đầu tiên ở quốc đảo được thành lập. Khi ấy, chỉ nam giới mới được theo học. Mãi đến năm 1993, nghề thương mại đường biển mới bắt đầu “mở cửa” chào đón phụ nữ.

Theo báo cáo từ IDS, Philippines có 17.101 thủy thủ nữ, chỉ chiếm 3,8% trên tổng số 449.463 nhân sự ngành hàng hải - số liệu ghi nhận năm 2017. Những phụ nữ này làm việc và sinh hoạt trên tàu cạnh phần lớn đồng nghiệp nam, trong gần 6 tháng liên tục. Gần như không được hỗ trợ quyền lợi và hướng dẫn cần thiết về thủ tục tố cáo khi cần, họ trở thành nạn nhân tiềm ẩn của vô số hành vi bạo lực, xâm hại.  

Một số vụ việc bao gồm hành động đùa cợt, quấy rối khiếm nhã diễn ra thường xuyên của cấp trên đối với nhân viên nữ cấp dưới. Số khác, nghiêm trọng hơn, phản ánh qua câu chuyện được đại úy Jasmine chia sẻ. Cô cho biết một thủy thủ nữ từng đệ đơn tố giác việc bị ép phải chứng kiến một đồng nghiệp nam khỏa thân và thẳng thừng gạ gẫm. Tuy nhiên, thứ nạn nhân nhận lại là câu trả lời chiếu lệ: “Chúng tôi không thể giúp gì được. Đây là thế giới của đàn ông”.

Vấn đề thiếu vắng tiến trình quản lý nghiêm - giúp đảm bảo sự bình quyền, đang buộc những nữ thủy thủ Philippines trải qua tâm lý “tự trách chính mình”. Đến mức, không ít người buộc phải tìm đủ mọi cách để tránh bị quấy rối. Tiến sĩ Tangi từng phỏng vấn một học viên ngành hàng hải đã chọn cắt tóc ngắn, mặc quần áo rộng như nam giới, hạn chế chăm chút bản thân để trông ít cuốn hút nhất có thể trước nhóm đồng nghiệp nam.

Bất kể đã xây dựng hệ thống chế tài bảo vệ phụ nữ trước nạn tấn công tình dục trong môi trường làm việc, tại Philippines, nhiều nạn nhân vẫn chọn cách không tố giác. Báo cáo từ IDS đưa ra dữ liệu minh chứng khuynh hướng “giữ im lặng”, khi từ năm 1999-2010, số lượng trung bình những vụ tường trình liên quan đến xâm hại phụ nữ được truyền thông quốc gia này công khai đề cập chỉ có 65 vụ mỗi năm.

Ngành thương mại hàng hải tại quốc đảo Philippines vẫn chưa tích cực đón nhận lực lượng lao động nữ. (Ảnh: NewYorkTimes)
Ngành thương mại hàng hải tại quốc đảo Philippines vẫn đang cần cải thiện chế độ phúc lợi, bảo vệ lực lượng lao động nữ (Ảnh: New York Times)

Đối với thủy thủ nữ phải sống và làm việc lênh đênh trên biển hàng tháng liền, nỗi sợ không chỉ đến từ hành vi quấy rối, mà còn nằm ở nguy cơ bị xem thường, trả thù bởi đồng nghiệp nam nếu họ đệ đơn tố cáo. Trong trường hợp của AMOSUP, công đoàn thủy thủ và sĩ quan hàng hải Philippines, nỗ lực hóa giải vấn nạn, thông qua hình thái thảo luận về đấu tranh nhân quyền và tư vấn - bảo vệ nạn nhân của xâm hại tình dục, mới được xúc tiến khoảng 2 năm trở lại đây.

Thế nhưng, theo tiến sĩ Tangi, siết chặt chế tài chung hay tạo dựng một môi trường công đoàn bảo vệ tốt hơn quyền lợi phụ nữ vẫn là chưa đủ. Cô đề xuất “xâm hại tình dục” nên được ghi rõ như hành vi vi phạm nhân quyền đi kèm án phạt thích đáng trong hợp đồng lao động ngành hàng hải Philippines.

Như Ý (theo Vice)     

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI