Ấn Độ "đau đầu" với loa phóng thanh nơi công cộng

26/07/2022 - 21:27

PNO - Là quốc gia từng xem tiếng ồn là "một nét văn hóa", giờ đây Ấn Độ đang phải chật vật tìm cách chống lại nạn ô nhiễm tiếng ồn nơi công cộng.

Ở Ấn Độ, tiếng ồn được xem là một loại văn hóa trong đời sống hàng ngày của mọi người. Đám cưới hiển nhiên là một sự kiện ồn ào, ngay từ lúc gia đình chú rể tổ chức lễ rước dâu theo phong tục cổ xưa, tạo thành một đám rước lớn với ban nhạc và những vũ công ồn ào náo nhiệt.

Lễ rước dâu ở Ấn Độ do nhà trai tổ chức thường rất ồn ào náo nhiệt - Ảnh: wedding sutra
Lễ rước dâu ở Ấn Độ do nhà trai tổ chức thường rất ồn ào náo nhiệt - Ảnh: Wedding Sutra

Giao thông trên đường cũng vậy, không thể thiếu tiếng còi xe được bấm liên tục. Còn ở các khu chợ địa phương thì sẽ là một cơn ác mộng đối với du khách nước ngoài, bởi họ như đang đi lạc vào một “khu rừng âm thanh” với những tiếng chào mời rao bán hàng hóa mà không cần hạn chế âm lượng.

Ngay cả trong các nhà hàng hay các sự kiện tụ tập đông người cũng tương tự, tiếng ồn hòa trộn với âm nhạc khiến mọi người phải hét to lên mới có thể nói chuyện được với nhau. Còn loa phóng thanh thì liên tục phát các đoạn nhạc vào bất cứ thời gian nào trong ngày mà không cần biết người đi đường có muốn thưởng thức hay không. Đó là chưa kể đến các sự kiện tôn giáo và nhiều đám rước đông người, vốn xem việc sử dụng micro để khuếch đại âm thanh nhằm “chạm đến tai thần linh” đã trở thành một việc bình thường và thường xuyên.

“Chúng tôi là những người ồn ào, điều đó đã được xác nhận từ lâu nay. Và giờ đây, hệ thống loa phóng thanh cũng góp phần tạo ra tiếng ồn để thêm vào bản hòa tấu của cuộc sống hàng ngày mà người dân Ấn Độ đang phải chịu đựng”, trích một bài báo đăng trên tờ nhật báo Times Now của Ấn Độ xuất bản hồi tháng 4/2022.

Cuộc chiến chống lại... loa phóng thanh

Một số chính trị gia ở Ấn Độ từ lâu nay đang tìm cách chống lại việc tín đồ Hồi giáo sử dụng loa phóng thanh để đọc và phát đi những lời cầu nguyện.

Loa phóng thanh bị cho là thủ phạm gây nên tình trạng ô nhiễm tiếng ồn nơi công cộng ở Ấn Độ - Ảnh: Down To Earth India
Loa phóng thanh bị cho là thủ phạm gây nên tình trạng ô nhiễm tiếng ồn nơi công cộng ở Ấn Độ - Ảnh: Down To Earth India

Ngày 3/5, ông Raj Thackeray, thủ lĩnh đảng cánh hữu Maharashtra Nav Nirman Sena, đã dẫn đầu nhóm tuần hành phản đối các nhà thờ Hồi giáo cầu nguyện bằng loa phóng thanh. Trong một tối hậu thư sau đó, ông yêu cầu chính quyền bang Maharashtra phải dỡ bỏ các loa phóng thanh bên ngoài các nhà thờ Hồi giáo “ngay lập tức”.

Các ca sĩ nổi tiếng ở Ấn Độ như Sonu Nigam và Anuradha Paudwal cũng bày tỏ thái độ ủng hộ mạnh mẽ chống lại việc lạm dụng loa phóng thanh trong các nhà thờ Hồi giáo. Thậm chí, đã có không ít nhà nghiên cứu và vận động xã hội còn chỉ ra rằng, hình thức sử dụng loa phóng thanh để thực hành các nghi lễ tôn giáo không xuất hiện ở các nước Hồi giáo.

“Ngày nay, khi xã hội ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với ô nhiễm tiếng ồn thì nhiệm vụ của chúng ta là phải đảm bảo rằng không ai được phép vi phạm quyền của người khác khi đang tận hưởng quyền tự do của mình” - bà Sukriti Mathur, một chuyên gia xã hội học phát biểu.

Ấn Độ tuyên chiến với ô nhiễm tiếng ồn nơi công cộng

Ô nhiễm tiếng ồn tưởng như ít có hại hơn so với ô nhiễm không khí hay ô nhiễm nguồn nước, trong khi thật ra, chúng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Tiếng ồn là một tác nhân gây căng thẳng và việc tiếp xúc với tiếng ồn trong một thời gian dài sẽ gây tác động tiêu cực cho con người cả về thể chất lẫn tâm lý.

Các chuyên gia sức khỏe đã khẳng định rằng, tiếng ồn có thể gây rối loạn tâm thần, làm cho con người trở nên cáu kỉnh, trầm cảm và căng thẳng, cùng với đó là tình trạng giảm thính lực.

Ấn Độ phạt nặng hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn nơi công cộng - Ảnh: Sanjay Kanojia/AFP/Getty Images
Ấn Độ phạt nặng hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn nơi công cộng - Ảnh: Sanjay Kanojia/AFP/Getty Images

Mạng lưới giám sát tiếng ồn xung cấp quốc gia được chính phủ Ấn Độ thành lập vào năm 2011 đã thiết lập 70 trạm giám sát tiếng ồn tại 7 thành phố lớn của Ấn Độ và cho biết trong báo cáo năm 2021 rằng, có tới 90% trong số các trạm này ghi nhận mức độ tiếng ồn cao hơn giới hạn cho phép.

Để đối phó với nạn ô nhiễm tiếng ồn ngày càng gia tăng, Ấn Độ đã phải áp dụng một số giải pháp, trong đó bắt buộc các phương tiện cơ giới, máy điều hòa không khí, tủ lạnh, máy phát điện diesel, loa phóng thanh và một số loại thiết bị xây dựng phải tuân theo mức decibel cụ thể được quy định trong bộ Quy tắc Bảo vệ Môi trường.

Những hành vi vi phạm bộ Quy tắc này sẽ bị tịch thu phương tiện và phạt bằng tiền lên đến mức cao nhất là 1.400 USD (khoảng 33 triệu đồng).

Mặc dù vậy, giới chức Ấn Độ vẫn phải công nhận rằng, tiếng ồn là một phần trong cuộc sống hàng ngày, là một “vấn đề văn hóa” của xứ sở tỷ dân, và vì vậy không thể xử lý được chỉ trong một sớm một chiều.

Cần có thời gian để Ấn Độ có thể giải quyết được vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn nơi công cộng - Ảnh: Times Now
Cần có thời gian để Ấn Độ có thể giải quyết được vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn nơi công cộng - Ảnh: Times Now

dB hay đề-xi-ben (decibel) là đơn vị dùng để đo cường độ âm thanh, hiển thị độ mạnh yếu của âm thanh phát ra. Số dB càng lớn thì tức là âm thanh càng mạnh, và có thể gây đau tai, thậm chí có thể gây thủng màng nhĩ và điếc ngay lập tức.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (US EPA) thì decibel ở mức 70 là thuộc ngưỡng an toàn so với khả năng chịu đựng của con người. Thế nhưng việc tiếp xúc với bất kỳ thứ âm thanh nào lớn hơn mức đó trong 24 giờ có thể nên những hậu quả nghiêm trọng, lâu dần sẽ bị tổn thương thính giác và thần kinh, thậm chí có thể gây ra thương tật vĩnh viễn như điếc hoặc xuất huyết não.

Bảng xác định khả năng chịu đựng cường độ tiếng ồn của con người - Ảnh: FPT
Bảng xác định khả năng chịu đựng cường độ tiếng ồn của con người - Ảnh: FPT


Nguyễn Thuận (theo Times Now, Hindu Times, Daily Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI