Âm nhạc của những trái tim số hóa

22/10/2017 - 07:24

PNO - Từ câu chuyện người viết nhạc cho máy và máy viết nhạc cho người làm dấy lên câu hỏi: phải chăng đã đến thời của 'nhạc sĩ robot', 'ca sĩ robot'? Giống như cách ban nhạc Der Ringer đã trả lời, điều này hoàn toàn có thể.

Liệu có thể viết những bản tình ca cho người máy? Ban nhạc mới nổi Der Ringer trả lời rằng: Có chứ! Năm chàng trai người Đức này sẽ biểu diễn ở bốn thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Huế và TP.HCM từ ngày 26/10 đến 5/11. Khán giả Việt Nam có thể “thẩm định” điều họ nói. 

Am nhac cua nhung trai tim so hoa

Năm chàng trai của Der Ringer sắp đến Việt Nam

Đầu năm 2017, ban nhạc với năm thành viên phát hành album đầu tay Soft kill. Vừa ra mắt, đĩa nhạc đã nhận được nhiều đánh giá tích cực, Tạp chí điện tử Plattentests chuyên đánh giá các album chấm 8/10 điểm. Kênh Musikexpress cho 4/6 sao và tuyên bố: Cố nghệ sĩ huyền thoại Ian Curtis sẽ thích Soft kill, nhưng chỉ trong những ngày đen tối nhất của đời mình! 

Kể từ sau Soft kill, ban nhạc có tên với nghĩa tiếng Việt là Tiếng chuông trở thành tiếng nói của thế hệ kỹ thuật số ở Đức. Der Ringer được cho là có khả năng nắm bắt tinh thần thời đại, kể lại câu chuyện cuộc đời bằng những bài hát khai thác tối đa phương tiện chế âm (synthesizer) và hiệu ứng mã hóa tiếng nói (vocoder).

Mười bài hát trong album là những câu chuyện được kể một cách ẩn dụ rằng, kỹ thuật số đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Ban nhạc gửi đi băn khoăn liệu chúng ta có thể “di cư” vào mạng internet, liệu thế giới ảo có thể như thật, số hóa và tính nhân văn hòa hợp với nhau như thế nào?...

Khi âm nhạc điện tử lên ngôi, công nghệ “máy học” (e-learning machine), trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng trở nên phổ biến; không ít người e ngại điều đó sẽ đe dọa đời sống tự nhiên và cảm xúc của con người.

Năm chàng trai người Hamburg không hướng đến việc một lần nữa lên án kỹ thuật số, mà họ thừa nhận và phổ nhạc tầm quan trọng của nó trong cuộc sống hòa mạng hằng ngày tưởng như đang mất dần sự lãng mạn. Như tựa đề album, việc tìm kiếm “softness“, tức sự mềm mại và những cung bậc cảm xúc trong thế giới kỹ thuật số, là trọng tâm trong âm nhạc của họ. 

Am nhac cua nhung trai tim so hoa
 

Trước khi tung ra album đầu tay Soft kill, ban nhạc được thành lập năm 2012 đã cho ra mắt ba LP riêng lẻ, được coi như các bước thăm dò, tìm kiếm lối đi. Der Ringer mang đến các bản nhạc với tiết tấu gấp gáp, mạnh mẽ, thoáng đãng, ồn ào. Cả khi không hiểu lời bằng tiếng Đức thì âm nhạc của họ vẫn tạo cảm giác sự can thiệp của công nghệ kỹ thuật số không làm mất đi cảm xúc.

Có lẽ hơi khó khăn để phân định cho rõ thể loại âm nhạc mà Der Ringer thể hiện, chúng ở một nơi nào đó giữa indie pop và punk; còn ban nhạc lại tự nhận mình chơi “soft punk” và đôi khi bị gán là trào lưu nhạc kỳ cục như “post-punk-pop”. 

Trước khi đến Việt Nam, Viện Geothe giới thiệu: “Der Ringer là âm nhạc của hiện tại và cũng phù hợp với tương lai. Giá trị của nó nằm ở việc được nghe, được chia sẻ ngoài xã hội và trong các phòng hòa nhạc. Đó là âm nhạc của những trái tim số hóa”. 

Nếu như các chàng trai Đức cho rằng âm nhạc của mình là những bản tình ca dành cho cả người máy; thì ở phía ngược lại, thời đại công nghệ ngày nay đã cho ra đời những bản nhạc với đầy đủ khúc thức, chuẩn mực căn bản do máy móc sáng tác và biểu diễn.

Hồi tháng Sáu, các nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Georgia, Mỹ cho rằng, robot Shimon do họ phát triển có thể soạn và chơi nhạc như nhạc sĩ thực thụ. Nhạc do Shimon soạn là tập hợp của những điều robot này học được. “Chúng nghe như một sự pha trộn của nhạc jazz và nhạc cổ điển”, nghiên cứu sinh Mason Bretan, người giúp phát triển Shimon trong bảy năm qua, cho biết.

Am nhac cua nhung trai tim so hoa
 

Người máy Shimon từng chơi nhạc cùng một nhóm nhạc sĩ và trình diễn trực tiếp tại lễ hội Aspen Ideas, bang Colorado. “Cha đẻ” của robot này cũng hy vọng sẽ có một bản giao hưởng do máy và người cùng tạo ra trong tương lai.

Từ câu chuyện người viết nhạc cho máy và máy viết nhạc cho người làm dấy lên câu hỏi: phải chăng đã đến thời của “nhạc sĩ robot”, “ca sĩ robot”? Giống như cách ban nhạc Der Ringer đã trả lời, điều này hoàn toàn có thể.

Thay vì lo ngại rằng đến công việc của con tim, khối óc và cảm hứng còn được “số hóa”, có nghĩa là những vai trò cốt yếu của con người đứng trước nguy cơ bị thay thế; thì tại sao ta không hỏi đây có phải cơ hội để con người giải phóng bản thân và thay đổi? 

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI