Ai về Đà Lạt ăn bánh bèo

26/09/2020 - 07:40

PNO - Bánh bèo bán tại Đà Lạt có nguồn gốc từ Quảng Ngãi nhưng được thêm thắt những miếng bánh mì chiên bé xíu để tăng vị.

Tôi thích Đà Lạt (và tôi nghĩ cũng rất nhiều người thích vùng đất này), thích không khí mát lạnh, thích những đồi thông rợp bóng mát, thích luôn cả những con dốc nhỏ và những bụi hoa mọc chen cùng đất.

Với tôi (và không ít người), Đà Lạt không chỉ đẹp, thơ mộng mà còn, nói như một người bạn, "ăn gì ở Đà Lạt cũng ngon và món gì ở Đà Lạt cũng lạ hơn những nơi khác một ít".

Đó có thể là đĩa rau sống gồm xà lách và bắp cải cắt nhuyễn, trộn đều được dọn kèm vài loại rau thơm trong món bún riêu hay một chút sữa đặc trong ly sữa đậu nành... bánh bèo cũng vậy.

b
Bánh bèo bán tại Đà Lạt có nguồn gốc từ Quảng Ngãi với đặc trưng phần nhân có màu đo đỏ, sền sệt.
l
Khi vào Đà Lạt, để tăng vị, món ăn được nhấn nhá thêm những miếng bánh mì chiên giòn bé xíu. 

Nếu bánh bèo Huế có tôm nhuyễn cháy tỏi, bánh bèo miền Tây ăn kèm nước cốt dừa thì tại Đà Lạt, bạn sẽ được tiếp cận với bánh bèo đến từ quê hương mắm cái - Quảng Ngãi. Món ăn này do người dân xứ Quảng vào Đà Lạt sinh sống và giới thiệu.

Bánh bèo Quảng Ngãi được làm từ bột gạo. Sau khi nhào mịn, người làm bánh sẽ đổ một lớp bột mỏng vào chiếc chén nhỏ, rồi đặt chén đã có bột vào lồng hấp, hấp chín. Nhân bánh làm từ thịt heo nạc, tôm sốt đều, pha một ít bột năng sau đó đun sôi.

Khi nhân đã chín và được nêm nếm gia vị cho vừa ăn thì thêm hành lá và hẹ đã cắt nhuyễn, trộn đều. Khi ăn, người bán lấy từng chén bánh bèo, thêm nhân, thêm ít hành phi lên trên rồi dọn kèm chén mắm ớt để người ăn tự điều chỉnh khẩu vị. 

j
Bánh bèo tại Đà Lạt cũng được dọn kèm nước mắm ớt để người ăn chỉnh khẩu vị.
h
Món ăn là sự tổng hòa của bánh bèo làm từ bột gạo, nhân tôm thịt, nước mắm ớt và những lát bánh mì giòn tan. 

Sự kết hợp này vốn đã tạo sức hút nhất định cho bánh bèo Quảng Ngãi, vậy mà khi du nhập vào Đà Lạt, để "chiều chuộng" sở thích ăn cái gì có độ béo, giòn, thơm khi trời lạnh của người dân nơi đây và du khách, món ăn được khéo léo kết hợp cùng những miếng bánh mì vuông vức, chiên giòn, để khi ăn, thực khách có thể phối hợp tất cả nguyên liệu trong một muỗng, cảm nhận đồng thời tất cả hương, vị, hay nhâm nhi riêng từng thành phần để nhận ra sự khác biệt. 

Ngày trước, bánh bèo tại Đà Lạt vẫn giữ nguyên nét văn hóa ẩm thực của Quảng Ngãi như bánh được bán trong chén. Khi ăn, dùng thanh tre được vạt xéo đầu khéo léo xoay một vòng giữa bánh và chén để tách bánh, tiếp đó, người ăn lại dùng thanh tre ấy, rạch vài đường để chia bánh thành những miếng hình tam giác bằng nhau, sao cho, với mỗi lần dích bánh sẽ tách được miếng bánh bèo màu trắng sữa hình tam giác phủ đầy phần nhân đỏ, sền sệt ấy.

Giờ, do lượng du khách nhiều, nên bánh bèo được tách sẵn, để riêng. Khi có khách, người bán xếp bánh bèo vào đĩa, chan nước sốt, cho hành phi lên trên. Giờ cũng ít người chịu khó vót thanh tre nữa mà dùng muỗng, tiện, dễ rửa, dễ bảo quản.

Cách ăn này không khiến món ăn giảm bớt khẩu vị nhưng lại hạn chế cái thú của việc dùng thanh tre, việc chồng chén sau khi ăn và khiến nét văn hóa ẩm thực độc đáo ấy bị mai một.

Cũng như bánh mì xíu mại, người Đà Lạt thường ăn bánh bèo vào buổi sáng hơn.
Cũng như bánh mì xíu mại, người Đà Lạt thường ăn bánh bèo vào buổi sáng

Địa chỉ thưởng thức bánh bèo tại Đà Lạt: Bánh bèo Bà Hường (402 Phan Đình Phùng); Bánh bèo chén Bà Liên (41 Bùi Thị Xuân); Quán bánh bèo Liễu (ấp Ánh Sáng)... 

An Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI