3.900 tấn hải sản đông lạnh "kêu cứu"

05/09/2016 - 16:22

PNO - Đến thời điểm này, bốn tỉnh miền Trung đang lên phương án tìm cách tháo gỡ gần 4.000 tấn hải sản đông lạnh tồn kho sau sự cố môi trường Formosa.

Đến thời điểm này, bốn tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đang lên phương án tìm cách tháo gỡ gần 4.000 tấn hải sản đông lạnh tồn kho sau sự cố môi trường Formosa. Trong lúc đó, việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cũng như lấy mẫu xét nghiệm độc tố triển khai hết sức chậm chạp, gây thiệt đơn thiệt kép cho các chủ thu mua hải sản.

Tiền tỉ bị đông lạnh

Có mặt tại kho đông lạnh và sản xuất nước đá Tám Thế của ông Trần Văn Châu tại cảng cá thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, một trong những cơ sở thu mua hải sản lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế, chúng tôi được biết đến thời điểm hiện tại cơ sở còn tồn kho 450 tấn hải sản đông lạnh.

Để có số tiền mua mặt hàng này, gia đình ông Châu phải vay hơn sáu tỷ đồng với lãi suất 7%/ năm từ các ngân hàng. Ngoài việc bảo quản số hải sản kể trên, trung bình mỗi tháng, cơ sở của ông phải chi trả 36 đến 37 triệu đồng tiền điện để bảo quản cá .

3.900 tan hai san dong lanh
Tại kho đông lạnh của ông Trần Văn Châu ở cảng cá Thuận An, H.Phú Vang hiện vẫn còn 450 tấn hải sản tồn kho - Ảnh Thuận Hóa

Cạnh đó, cơ sở đông lạnh Chính Thủy cũng đang tồn đọng 150 tấn cá thu mua từ thời điểm cá chết hàng loạt trên biển. Bà Nguyễn Thị Thủy, chủ cơ sở này kể: “Vào thời điểm cá chết, cơ sở mỗi ngày thu mua khoảng 20 tấn cá, chủ yếu là cá nục với giá từ 10.000-15.000đ/ kg”.

Sau khi cấp đông, số cá được bà Thủy cho vào kho lạnh, có ghi rõ thời gian nhập cá, nhưng cũng chỉ bán được giá bằng 1/2 thời điểm chưa xảy ra sự cố môi trường biển nên lỗ hơn bốn tỷ đồng. Hiện 150 tấn cá còn lại trị giá khoảng 1,7 tỷ đồng không thể tiêu thụ.

Để mua số cá này, bà Thủy vay ngân hàng hơn một tỷ đồng. “Bà con thu mua hải sản chúng tôi mong chính quyền địa phương sớm kiểm nghiệm chất lượng, đồng thời công bố rộng rãi thông tin, nếu cá an toàn thì cho tiêu thụ; trước mắt cần có các chính sách dãn nợ, khoanh nợ, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển trong giai đoạn khó khăn này”, bà Thủy kiến nghị.

Tiếp tục chờ kết luận...hải sản an toàn

Trong lúc đó, tại Quảng Bình hiện còn gần 2.000 tấn cá xa bờ tại bảy kho đông lạnh của các doanh nghiệp, tiểu thương đóng ở cảng cá sông Gianh (Bố Trạch), Nhật Lệ (Đồng Hới). Đây là các doanh nghiệp đầu mối có tiềm lực thu mua hải sản xa bờ của ngư dân để giải quyết tình trạng cấp bách trước mắt, phần nào ổn định tâm lý cho các chủ tàu đánh bắt ở vùng biển xa, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.

Bà Trương Thị Mười, Phó giám đốc Công ty TNHH Đức Hiếu, có kho lạnh ở cảng cá Nhật Lệ cho biết, lượng cá tồn trong kho tổng cộng 640 tấn, tương đương 30 tỷ đồng. Vì lượng cá quá lớn, bà Mười phải ký gửi 300 tấn ở các kho lạnh miền Nam, Nghệ An, Hải Phòng. Đây là số cá được chứng nhận an toàn, nhưng vẫn không có đầu ra. Mỗi tháng bà Mười tốn cho số cá này 300 triệu đồng để bảo quản lạnh, trả lãi suất ngân hàng, vay nóng để mua vào cho ngư dân.

Sáu doanh nghiệp còn lại có lượng tồn kho cá xa bờ gần 1.400 tấn. Tổng số cá tồn gần 2.000 tấn tại Quảng Bình trị giá 100 tỷ đồng. Trong thời gian tới, nếu không có đầu ra, các doanh nghiệp này sẽ phải dừng vay ngân hàng cũng như vay nóng.

Bà Mười cho biết, nếu tiếp tục vay mượn, lãi suất nóng quá cao, chi phí bảo quản hàng trăm triệu mỗi tháng, lãi ngân hàng vẫn phải trả thì khó vượt qua khó khăn, mặc dù đã có nhận hỗ trợ 20% từ địa phương khi thu mua cá xa bờ.

Đối với tỉnh Quảng Trị, hiện địa phương đã thông qua kế hoạch tiêu hủy 60 tấn hải sản ở Vĩnh Linh và Triệu Phong. Số lượng hải sản này được thu mua trong thời điểm cá chết nên bị nhiễm kim loại vì được đánh bắt gần bờ, sau khi có khuyến cáo của cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo bà Lê Thị Thuộc (chủ cơ sở đông lạnh Dũng Thuộc) ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, do phải bảo quản hải sản lâu ngày nên việc kinh doanh bị ảnh hưởng, thiếu không gian để cấp đông cá mới.

Việc chậm xử lý khiến chủ cơ sở này phải chi 25 triệu đồng tiền điện mỗi tháng để bảo quản. “Bây giờ tôi chỉ mong chính quyền đưa ra quyết sách sớm, nếu hỗ trợ tiền tiêu hủy thì phải làm nhanh, không thì phải xác định kiểm nghiệm chất lượng hải sản tồn kho để chúng tôi bán cá rồi tiếp tục trữ hàng cho mùa đông sắp tới, cả mấy tháng ni tiền tỷ trôi mất rồi”, bà Thuộc bức xúc.

Mới đây, trả lời báo chí, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) đã đưa ra con số thống kê: tính tới thời điểm này, số lượng hải sản tồn kho tại bốn tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã lên khoảng 3.900 tấn.

 Hiện Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao các bộ, ngành liên quan lấy mẫu xét nghiệm, xử lý. Cụ thể, Bộ Y tế chịu trách nhiệm xét nghiệm các sản phẩm thủy hải sản tồn kho tại các kho lạnh, kho cấp đông. Nếu các lô hàng đảm bảo an toàn thực phẩm thì cấp giấy xác nhận để lưu thông, tiêu thụ.

Về vấn đề này ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, do không xác định được thời điểm tôm, cá bị chết, người tiêu dùng đang lo ngại liệu tôm, cá có an toàn hay không nên hải sản đông lạnh bán không ai mua, người dân rất mong các bộ, ngành có hướng giải quyết kịp thời.

Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ: “Trong những ngày qua, tại cảng cá Thuận An, chúng tôi đã lập tổ nghiệp vụ thường xuyên tiến hành giám sát chặt chẽ việc vận chuyể n mua bán hải sản qua cảng. Đặc biệt, đối với hải sản nằm tồn kho, khi đã xác định an toàn tuyệt đối mới được cung cấp cho người tiêu dùng".

Thuận Hóa - Dương Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI