200.000 người nhập cư nhận được ‘tối hậu thư’ rời nước Mỹ

09/01/2018 - 12:20

PNO - Chính phủ Hoa Kỳ hôm 8/1 tuyên bố chấm dứt quy chế bảo vệ đặc biệt cho khoảng 200.000 người nhập cư Salvador, một động thái đe dọa trục xuất hàng chục ngàn gia đình sinh sống ổn định và sinh con đẻ cái ở Mỹ.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen tuyên bố kết thúc Quy chế bảo vệ tạm thời (TPS) được cấp cho người Salvador đã ở Mỹ trong năm 2001, sau khi hai trận động đất lớn tàn phá đất nước Trung Mỹ này.

Người Salvador được cho thời hạn 18 tháng để ra đi hay bị trục xuất. Theo các quan chức Mỹ, thời hạn đó là đủ để Quốc hội tìm một giải pháp lập pháp để cho phép họ ở lại.

200.000 nguoi nhap cu nhan duoc ‘toi hau thu’ roi nuoc My
Một bé gái đến từ El Salvador tham gia cuộc mít tinh phía trước tòa nhà Trump Tower để ủng hộ người lao động nhập cư ở Mỹ - Ảnh: AFP

Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết: "Chỉ có Quốc hội mới có thể ban hành một giải pháp lâu dài nhằm giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp kéo dài của những người hiện đang được TPS bảo vệ, những người đã sống và làm việc nhiều năm tại Hoa Kỳ”.

Động thái này là một phần trong chiến dịch rộng lớn xử lý tình trạng nhập cư bất hợp pháp do Tổng thống Donald Trump khởi xướng, sau khi 59.000 cư dân Haiti và 5.300 người Nicaragua bị tước đi quy chế bảo vệ tương tự cuối năm ngoái, dù họ đã định cư ở Mỹ nhiều thập kỷ.

Trong lúc đó, phe Dân chủ trong Quốc hội cũng đang đấu tranh để bảo vệ quyền ở lại Hoa Kỳ của 690.000 người nhập cư trẻ tuổi được gọi là "Dreamers", những người đến Mỹ khi còn nhỏ.

Tổng thống Trump đã nói rằng ông sẽ ủng hộ thỏa hiệp về vấn đề Dreamers, nếu Quốc hội chi 18 tỷ USD để xây dựng một bức tường chống người nhập cư dọc theo biên giới với Mexico.

200.000 nguoi nhap cu nhan duoc ‘toi hau thu’ roi nuoc My
Người nhập cư Salvador biểu tình phản đối quyết định của Bộ An ninh Nội địa Mỹ - Ảnh: AFP

Các chính phủ tiền nhiệm thường thông qua quy chế TPS không có tranh luận, nhưng ông Trump theo đuổi một cách tiếp cận "luật pháp và trật tự" cứng rắn hơn đối với vấn đề này.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói rằng ông Nielsen đưa ra quyết định trên, sau khi xem xét và xác định "điều kiện ban đầu do trận động đất năm 2001 không còn tồn tại" và việc kéo dài quy chế TPS đã 17 năm là không hợp lý.

Tuy nhiên, đối với những người hưởng lợi từ chương trình TPS, quyết định này như sét đánh ngang tai.

Minda Hernandez, một bà nội trợ 48 tuổi ở Long Island, chạy trốn cuộc xung đột ở El Salvador cách đây 20 năm và bỏ lại quê nhà một đứa con một tuổi, cho biết: "Cuộc sống của tôi là ở đây".

200.000 nguoi nhap cu nhan duoc ‘toi hau thu’ roi nuoc My
Biểu tình trước Nhà Trắng đòi duy trì TPS - Ảnh: Getty Images

Bà nói: “Đây là nhà của tôi, đây là nơi tôi đóng thuế, tôi hạnh phúc khi ở đây thậm chí nếu phải làm việc cho đến chết”. Bây giờ, bà Hernandez lo nhất cho đứa con trai 16 tuổi, được sinh ra ở Mỹ và sẽ ở lại Mỹ một mình.

Tại San Salvador, Tổng thống Salvador Sanchez Ceren tránh chỉ trích Washington, ông tập trung vào thời gian ân hạn 18 tháng.

Ông Ceren nói “chính quyền Salvador xem quyết định này là sự công nhận đóng góp của người Salvador vào lực lượng lao động quan trọng ở Mỹ”.

Chính phủ của ông Ceren là một trong tám quốc gia duy nhất tại LHQ ủng hộ quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel tháng 12 vừa qua.

200.000 nguoi nhap cu nhan duoc ‘toi hau thu’ roi nuoc My
Biểu tình phản đối chính sách của Tổng thống Trump đối với người nhập cư - Ảnh: Morning breaking news

Nếu không có sự thay đổi về luật, động thái mới của Mỹ sẽ buộc hơn 195.000 người Salvador phải rời khỏi đất Mỹ chậm nhất là ngày 9/9/2019.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Di trú (CMS), điều này ảnh hưởng đến các cộng đồng lớn những người Salvador - hơn 135.000 gia đình - đã ổn định cuộc sống ở California, Texas và khắp nước Mỹ.

Gần như tất cả đều họ đều có việc làm, hơn ¼ gia đình mua nhà có thế chấp, 10% tự kinh doanh buôn bán và khoảng 10% kết hôn với công dân Hoa Kỳ.

Quyết định này cũng sẽ ảnh hưởng đến gần 193.000 con em của những người Salvador sinh ra ở Mỹ, và do đó có quyền công dân khác với cha mẹ.

Nhà hoạt động nghiệp đoàn ở Washington, ông Jaime Contreras - người đến từ El Salvador năm 1988 và đã có quốc tịch Mỹ - gọi quyết định của Bộ An ninh Nội địa là "đáng xấu hổ" và "vô nhân đạo".

Phát biểu trong cuộc biểu tình nhỏ bên ngoài Nhà Trắng ngay sau khi nhận được tin dữ, ông nói: "Chúng tôi có 18 tháng để gây áp lực với Quốc hội và nói với họ rằng đây là thời điểm thích hợp để cấp cho những người có quy chế TPS một con đường trở thành công dân Mỹ".

Tô Châu (Theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI