14 ngày cách ly, rác sinh hoạt giảm 20-30% công nhân vệ sinh có được nhẹ nhàng?

08/04/2020 - 08:56

PNO - Câu trả lời là không. Hoàn toàn không chút nhẹ nhàng, bởi dù giảm lượng rác thải ra đường phố, nhưng mỗi ngày ở TPHCM vẫn hơn 8.000 tấn rác sinh hoạt thải ra từ các hộ gia đình. Đã vậy, giữa mùa dịch bệnh, công nhân vệ sinh càng phải cẩn trọng hơn, căng thẳng hơn trước nguy cơ lây lan tiềm ẩn.

Phân loại rác tại nguồn nhiều hơn

Anh Nguyễn Văn Hùng, người lấy rác dân lập trên địa bàn quận 8 cho biết, khoảng một tuần nay xe rác của anh ít hẳn. Anh cười: “Bình thường tôi chạy tuyến Bình Hưng lấy rác, ngày nào cũng hai tua, đầy ắp. Nhưng mấy bữa nay ít lắm. Tôi tò mò hỏi, các cô nói, lấy lại hết rau củ quả ủ phân rồi. Ve chai cũng lựa ra hết luôn, nên rác nhẹ”. 

Từng công đoạn thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải từ các khu cách ly được các công nhân vệ sinh tuân thủ nghiêm ngặt
Từng công đoạn thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải từ các khu cách ly được các công nhân vệ sinh tuân thủ nghiêm ngặt

Không chỉ khu vực quận 8 bao rác mỗi nhà bỗng nhẹ đi mà nhiều nơi ở trung tâm thành phố cũng có tình trạng này, chị Phượng - người thu gom rác ở tuyến đường Lê Văn Sỹ, quận 3 cho biết, dù ngày nghỉ ở nhà nhưng có vẻ bao rác nhà nào cũng nhỏ gọn hẳn. Tín hiệu vui nữa là đường phố những ngày này hầu như rất ít rác vương vãi như trước.

Chị Đoàn Thị Cẩm Tú - Chủ tịch Hội LHPN quận 3 cho biết, trong những ngày tuyên truyền phòng, chống dịch, theo chỉ đạo chung của Hội LHPN thành phố, chúng tôi kết hợp với tuyên truyền cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” đến các hộ hội viên. Hơn 30.000 hộ đã tham gia, các chị xây dựng bếp an toàn, phân loại rác tại nguồn để giữ gìn vệ sinh chung. 

Để các gia đình thực hiện cách ly xã hội 15 ngày theo chỉ đạo chung của Chính phủ và thành phố, hội phụ nữ các quận huyện linh hoạt thay đổi phương thức hoạt động, hướng dẫn các dì, chị thực hiện phân loại rác tại nguồn, lấy rác hữu cơ ủ phân, tạo mảng xanh gia đình để có rau ăn hằng ngày. Từ phong trào của Hội, nhiều gia đình hưởng ứng đã khiến việc phân loại rác tại nguồn được đẩy mạnh trong cộng đồng. 

Tại quận 6, bên cạnh việc truyền thông về dịch bệnh, Hội Phụ nữ còn tổ chức hội thi tái chế sản phẩm từ rác thải nhựa trong hội viên phụ nữ và trẻ em. Có hội thi thu hút cả ngàn gia đình tham gia trong một tuần. Điều này vừa khiến các gia đình vừa vui vẻ, gắn kết cùng nhau, vừa giúp giảm một lượng rác nguy hại, khó phân hủy không bị thải ra môi trường. 

Rác vẫn là rác và tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, trong một tuần cách ly xã hội, lượng rác thải sinh hoạt giảm khoảng 20 đến 30%. Đây là con số không nhỏ. Tuy nhiên, điều đó không làm cho những người quản lý lẫn công nhân ngành vệ sinh môi trường thành phố có thể chủ quan.

Bởi rác dù được phân loại vẫn là rác với rất nhiều nguy cơ lây truyền dịch bệnh cho người tiếp xúc. Trong khi đó, việc đảm bảo an toàn cho công nhân vệ sinh mùa dịch bệnh này vẫn là một bài toán khó với ngành vệ sinh môi trường thành phố. Các hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt chính gồm Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (quản lý 240 xe vận chuyển), Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích 24 quận huyện (quản lý 263 phương tiện) bình thường luôn được quản lý và có sự chăm lo, trang bị bảo hộ để an toàn khi tác nghiệp. Thế nhưng, mùa dịch bệnh, khẩu trang, găng tay luôn là bài toán hóc búa với toàn ngành. 

Ban giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP.HCM đã khen thưởng nóng hai đội Xe máy và đội Xử lý và Tái chế - Chi nhánh Dịch vụ Môi trường (Công trường Đông Thạnh) vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ban giám đốc Công ty Môi trường đô thị TPHCM đã khen thưởng nóng hai đội Xe máy và đội Xử lý và Tái chế - Chi nhánh Dịch vụ Môi trường (Công trường Đông Thạnh) vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó giám đốc Công ty Môi trường đô thị cho biết, cái gì đơn vị cũng có, cũng trang bị cho anh em. Chúng tôi còn có phòng nghiên cứu sản xuất nước rửa tay, xịt khử trùng. Nhưng trang bị cho từng lao động đều trong mức cho phép và cần thiết nhất. Ví như biết tấm chắn giọt bắn sẽ hữu hiệu trong phòng ngừa, thế nhưng chỉ mới trang bị được 1.000 tấm chủ yếu cho công nhân tại các khu vực nhạy cảm như đội vận chuyển, xử lý rác thải từ các khu cách ly, các cơ sở y tế. Số còn lại gần 900 người vẫn chưa được loại bảo hộ này. 

Vẫn phải “tự thân vận động”

Tuy nhiên, như trên đã nói, đây là các công nhân chính quy trong ngành vệ sinh môi trường mới được chăm lo như vậy. Thực tế, vẫn còn khoảng 1.500 đường dây, tổ thu gom rác dân lập với khoảng ngàn lao động vẫn tự lo trang bị bảo hộ cho chính mình.

Chị Nguyễn Thị Hà, người thu gom rác dân lập ở quận Tân Bình cho biết: “Trước đây, tôi toàn mua khẩu trang y tế lần một, hai hộp để hai vợ chồng xài dần khi đi gom rác. Nhưng sau Tết tới giờ, khẩu trang y tế hết mà mua không được nữa. Tôi phải mua khẩu trang vải để đeo đi lấy rác. Còn nước rửa tay kháng khuẩn không có, tôi mang luôn chai nước rửa chén treo trên xe, nó cũng có chất tẩy thôi. Với lại mình mang găng tay cao su, nên không cần loại nước rửa khô gì đó. Coi báo đài thấy tình hình ghê quá. Nhiều người mất việc, muốn đi bán vé số cũng không ai cho. Mình may, công việc vẫn còn nên thôi ráng”.

Trước khó khăn của những người thu gom rác dân lập, nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay chia sẻ. Hội phụ nữ 24 quận huyện đều may, trao tặng khẩu trang cho các công ty dịch vụ công ích, những người lấy rác dân lập. Có đơn vị số lượng khẩu trang may trao tặng lên đến mười mấy ngàn chiếc. Thế nhưng vẫn như “muối bỏ biển”. 

Mưu sinh giữa mùa dịch bệnh khó khăn, nhưng vừa vất vả vừa lo lắng như các công nhân vệ sinh thật đáng để sẻ chia.

Mỗi ngày thay 3-4 bộ đồ, 8 cái khẩu trang 

Theo anh Nguyễn Thanh Phong, một tài xế của Đội xe máy - đơn vị chịu trách nhiệm thu gom và vận chuyển rác từ các khu cách ly tại Công trường Đông Thạnh, Công ty Môi trường đô thị TPHCM, đội anh có 53 người, mỗi ngày luân phiên ba hoặc bốn lần theo xe lấy rác từ các khu cách ly về công trường để đưa vào xử lý. Cứ mỗi lần đi về, các anh sử dụng hai khẩu trang y tế, bộ đồ bảo hộ kháng khuẩn, mỗi chuyến đi về được thay mới. Anh Phong nói, tính ra, mỗi ngày một người thay 3-4 bộ đồ, 6-8 cái khẩu trang. Đây là việc bắt buộc của mỗi công nhân vệ sinh trong đội xe máy. Nhưng như thế cũng chưa thật sự yên tâm. Xe rác về, bên cạnh xịt khử khuẩn xe, các thùng chứa rác theo quy trình thì các công nhân vệ sinh phải liên tục giúp nhau xịt khử trùng trên thân thể. 

Hạnh Chi 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI