Con cái - Hạnh phúc hay gánh nặng? Bài 1:

1001 lý do ngại sinh con

05/11/2021 - 06:29

PNO - Là một trong 21 tỉnh, thành phố có tỷ suất sinh thấp, TPHCM được dự báo sẽ đối diện nhiều nguy cơ về dân số trong tương lai như thiếu hụt lực lượng lao động, việc chăm lo y tế, giáo dục, an sinh xã hội cũng khó khăn…

 

Bức tượng khắc họa hình ảnh hai mẹ con trong Công viên Văn hóa Tao Đàn (TP.HCM) thể hiện tình mẫu tử và quan niệm người Việt Nam: Con cái là hạnh phúc của cha mẹ ẢNH: H.N.
Bức tượng khắc họa hình ảnh hai mẹ con trong Công viên Văn hóa Tao Đàn (TPHCM) thể hiện tình mẫu tử và quan niệm người Việt Nam: Con cái là hạnh phúc của cha mẹ - Ảnh: H.N.

Theo khảo sát nhanh của phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM với 19 cặp vợ chồng trẻ ở một khu nhà trọ trên đường Lê Đình Cẩn, P. Tân Tạo A, Q. Bình Tân, TPHCM tối 1/11, cả 11 cặp đang có một con đều không muốn sinh thêm đứa thứ hai; bốn cặp mới cưới 2-3 năm gần đây và chưa có con đều quyết định chỉ sinh một con dù trai hay gái; bốn cặp có hai con đang sống chật vật. 

Những đôi vợ chồng này từ các tỉnh đến TPHCM ở trọ mưu sinh, phải chịu áp lực kinh tế nên ngại có con hoặc có nhiều con. Thế nhưng, ở TPHCM, có không ít đôi có kinh tế khá giả cũng lựa chọn sinh ít con.

Không có con, vẫn thấy hạnh phúc

Sáng, khi chồng ra khỏi nhà, chị N.T.L. (xã Phước Kiển, H. Nhà Bè) ra khép cửa rồi trở vào căn nhà tĩnh lặng. Trong ngôi nhà hai tầng lầu này, chỉ có vợ chồng chị và người mẹ ruột tuổi gần 80, nên khi chồng đi làm, ngôi nhà càng yên tĩnh hơn. Chị L. giúp việc nhà theo giờ nhưng tạm nghỉ do dịch COVID-19. Có thời gian, chị trò chuyện, chăm lo cho mẹ nhiều hơn. Chị L. cho biết, chị cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống không con cái hiện tại, bởi nhờ không bận tâm chuyện con cái, chị toàn tâm chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già. 

Hơn 10 năm trước, vợ chồng chị kết hôn khi cả hai còn đang thuê trọ. Chồng làm tài xế, chị giúp việc nhà. Cuộc sống khó khăn và bấp bênh lúc đó khiến chị dứt lòng bỏ đi cái thai vừa sáu tuần tuổi vì nghĩ rằng mình sẽ không có điều kiện lo cho con đầy đủ. Nguyên nhân của quyết định đó cũng bắt nguồn từ tuổi thơ của chị: cha mẹ ly hôn, chị phải nghỉ học từ năm lớp Chín do người mẹ không kham nổi “một nách hai con”.

Sau thời gian làm lụng, tích cóp mua được căn nhà, vợ chồng chị L. cũng nhiều lần ngồi tính chuyện con cái. Vẫn cái tính lo xa, chị nói: “Nuôi một đứa con đến mười tám, hai chục năm trời đâu phải chuyện đơn giản. Lỡ mình không đủ khả năng nuôi nó học hành đến nơi đến chốn thì quá tội cho con”. Suy nghĩ đó khiến chị lần nào cũng bàn lui. Anh T. tôn trọng vợ, cũng thấy không cần thiết phải có con vì chỉ cần anh chị yêu thương, dành thời gian cho nhau là đủ. 

Không bận rộn chuyện con cái nên cặp vợ chồng trung niên này có khá nhiều thời gian dành cho nhau. Những ngày cuối tuần, anh T. chở vợ về thăm cha mẹ chồng, đi uống cà phê, hoặc chơi với những đứa trẻ hàng xóm. Thời gian rảnh, chị thích đi làm công quả ở chùa, anh vui vẻ đưa đón. “Anh chị dành trọn vẹn thời gian để mà thương nhau, nên việc có hay không có con không quan trọng” - chị L. nói.

Không muốn sinh con thứ hai

Ở tuổi 40, có nhà, công việc, mối quan hệ xã hội, thu nhập ổn định ở mức cao, nhưng chị H. (Q. Bình Thạnh) không muốn sinh con thứ hai. Theo chị, việc chỉ có một con giúp chị chăm sóc con đầy đủ, toàn diện hơn. “Để chăm sóc và yêu thương con đủ, tôi bắt buộc phải từ bỏ nhiều điều thuộc về mong muốn cá nhân. Nói cách khác, để chu toàn trách nhiệm làm cha mẹ của hai đứa trẻ, chúng tôi phải chấp nhận chất lượng sống của mình đi xuống” - chị phân trần. 

Nhiều gia đình quyết định chỉ có một con - ảnh mang tính minh họa: shutterstock
Nhiều gia đình quyết định chỉ có một con - ảnh mang tính minh họa: Shutterstock

Chị nói, từ khi có con, vợ chồng chị phải tập trung chăm lo cho con, bảo đảm dinh dưỡng, đích thân đưa con đi học, rước con về nhà, tắm rửa, dỗ ngủ… nên không còn những buổi tối nằm nghe những bài hát mình thích, không còn ngày cuối tuần cùng nhau đến rạp xem những bộ phim mới, cũng không còn những bữa tối lãng mạn ở một nhà hàng nhỏ nào đó. Vợ chồng chị có chung sở thích chinh phục những cung đường, khám phá những địa điểm mới nhưng nay phải gác sở thích đó sang một bên. Nếu sinh thêm đứa thứ hai, vợ chồng chị phải chấp nhận từ bỏ nhiều hơn những điều từng kiến tạo nên chất lượng sống cá nhân. 

Chị H. nói thêm, đời sống hiện đại mở ra cho phụ nữ nhiều cơ hội tương tác với xã hội, nhưng đồng thời cũng tạo nên nhiều áp lực. Từ đó, nhu cầu được nghỉ ngơi, làm những điều mình muốn khi rời công sở cũng tăng cao, giúp tái tạo, cân bằng năng lượng. Thế nhưng, sự cân bằng ấy sẽ không còn nữa khi bên trong cánh cửa ngôi nhà là một áp lực khác - áp lực chu toàn với những đứa trẻ mà mình tạo ra.

Chị H. cho rằng, không muốn sinh con không phải là suy nghĩ ích kỷ và thiếu trách nhiệm với xã hội mà là một điều chính đáng. Chỉ những người có trách nhiệm mới bị giằng co về trách nhiệm đối với bản thân và trách nhiệm đối với những đứa con. Cho nên, sự đắn đo về việc sinh con thứ hai hay không cũng rất chính đáng. 

Hạnh Chi - Thu Lê - Võ Hà

Bài 2: Trống vắng tuổi xế chiều

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI