1 tình nguyện viên mắc bệnh không rõ nguyên nhân, ứng viên vắc-xin COVID-19 đầu tiên tạm dừng thử nghiệm

09/09/2020 - 07:29

PNO - Công ty dược phẩm AstraZeneca cho biết đã tạm dừng việc thử nghiệm vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu, vì một trong những tình nguyện viên ở Anh đã mắc bệnh không rõ nguyên nhân.

Rạng sáng 9/9, công ty dược phẩm đa quốc gia Anh - Thụy Điển AstraZeneca cho biết đã tạm dừng việc thử nghiệm vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu vì một trong những tình nguyện viên ở Anh đã mắc bệnh không rõ nguyên nhân. Đây được xem là một biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn trong việc thử nghiệm vắc-xin, nhằm đảm bảo không gây ra phản ứng nghiêm trọng cho tình nguyện viên.

Các công ty nghiên cứu vắc-xin COVID-19 cam kết đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong quá trình thử nghiệm.
Các công ty nghiên cứu vắc-xin COVID-19 cam kết đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong quá trình thử nghiệm

“Là một phần của các thử nghiệm toàn cầu ngẫu nhiên, có đối chứng đang diễn ra về vắc-xin Oxford COVID-19, chúng tôi sẽ tạm dừng việc tiêm chủng theo quy trình đánh giá tiêu chuẩn để xem xét dữ liệu an toàn” - AstraZeneca cho biết trong một tuyên bố gửi CNN.

Công ty chia sẻ thêm: “Đây là một hành động (tạm dừng - PV) thường xuyên xảy ra, bất cứ khi nào các tình nguyên viên có khả năng mắc bệnh không rõ nguyên nhân. Trong khi sự việc đang được điều tra, chúng tôi sẽ đảm bảo duy trì tính toàn vẹn của các thử nghiệm.

Trong các thử nghiệm lớn, một số bệnh tật có nguy cơ xảy ra nhưng cần phải đánh giá độc lập để kiểm tra kỹ vụ việc lần này. Chúng tôi đang cố gắng xúc tiến việc xem xét sự kiện đơn lẻ, để giảm thiểu mọi tác động có thể xảy ra đối với tiến trình dùng thử. Chúng tôi cam kết đảm bảo an toàn cho những người tham gia và các tiêu chuẩn ứng xử cao nhất trong các thử nghiệm của chúng tôi”.

Vắc-xin của AstraZeneca là một trong ba loại vắc-xin chống COVID-19 đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối ở Mỹ.

Cam kết duy trì sự nghiêm ngặt trong thử nghiệm

9 nhà phát triển vắc-xin hàng đầu của Mỹ và châu Âu đã cam kết duy trì các tiêu chuẩn khoa học thử nghiệm của họ, trong cuộc chạy đua vắc-xin COVID-19 toàn cầu để ngăn chặn dịch bệnh.

Các công ty, bao gồm Pfizer, GlaxoSmithKline và AstraZeneca đã đưa ra “cam kết lịch sử”, sau khi nhiều chuyên gia thế giới bày tỏ lo ngại về tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả của vắc-xin được tạo ra trong thời gian gấp rút.

Các công ty nói rõ sẽ "duy trì tính toàn vẹn của quy trình khoa học khi làm việc, tuân thủ hồ sơ quy định toàn cầu về tiềm năng và phê duyệt vắc-xin COVID-19 đầu tiên".

Ngoài Pfizer, GlaxoSmithKline và AstraZeneca, các ứng cử viên phát triển vắc-xin khác cũng ký kết là Johnson & Johnson, Merck & Co, Moderna, Novavax, Sanofi và BioNTech. Trong khi đó, các công ty hoặc tổ chức của Trung Quốc, có liên quan đến một số dự án vắc-xin COVID-19, đã không tham gia vào bản tuyên bố.

Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước thận trọng trong việc phê chuẩn chương trình sử dụng khẩn cấp vắc-xin, khi người đứng đầu Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết vào tháng trước, vắc-xin COVID-19 có thể không nhất thiết phải hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 - thử nghiệm quy mô lớn nhằm chứng minh tính an toàn và hiệu quả - miễn là các quan chức tin rằng lợi ích của nó tạo ra cao hơn những rủi ro. 

Cùng với đó, dù vẫn chưa đưa ra dữ liệu thử nghiệm trong giai đoạn cuối, nhưng Nga đã cấp phép cho vắc-xin COVID-19, khiến một số chuyên gia phương Tây chỉ trích thiếu cẩn trọng.

Hơn 500.000 trẻ em Mỹ mắc COVID-19

Học viện Nhi khoa và Hiệp hội Bệnh viện Nhi đồng Mỹ cho biết hơn 513.000 trẻ em nước này đã được chẩn đoán mắc COVID-19. Từ ngày 20/8 đến 3/9, 70.630 trường hợp bệnh nhi nhiễm mới SARS-CoV-2 được xác nhận, tăng 16% so với 2 tuần trước đó.

“Những con số trên là một lời nhắc nhở về lý do tại sao chúng ta cần phải coi trọng độ nguy hiểm của loại virus này. Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa biết về COVID-19, nhưng chúng tôi thấy rằng sự lây lan ở trẻ em đã phản ánh những gì dịch bệnh đang xảy ra trong các cộng đồng rộng lớn hơn” - Chủ tịch Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP), Tiến sĩ Sally Goza cho biết.

Theo báo cáo, trẻ em chiếm gần 10% tổng số bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 tại Mỹ. 

Tiến sĩ Sean O'Leary - Phó chủ tịch Ủy ban các bệnh truyền nhiễm của AAP - cảnh báo: “Chúng ta đang bước vào mùa cúm. Chúng ta phải thực hiện một cách nghiêm túc các biện pháp y tế công cộng như đeo khẩu trang, tránh đám đông và duy trì khoảng cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan dịch COVID-19. 

Ngoài ra, việc chủng ngừa cúm sẽ thực sự quan trọng đối với mọi người trong năm nay. Những biện pháp này sẽ giúp bảo vệ tất cả mọi người, kể cả trẻ em”.

Chung Thu Hương (theo CNN và Reuters)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI