1 ngày trên cung đường biển đẹp như tranh

02/09/2023 - 07:11

PNO - Với bờ biển dài 3.260km, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chiều dài bờ biển cao nhất so với diện tích lãnh thổ. Hiện nay, hầu như tất cả các tỉnh ven biển miền Trung (Bình Thuận, Ninh Thuận, Nha Trang, Phú Yên, Bình Định...) đều có những cung đường dọc biển rất đẹp.

 

Làng chài Vĩnh Hy
Làng chài Vĩnh Hy

Chúng tôi có 1 ngày đi dọc biển từ Nha Trang đến Ninh Thuận. Khởi hành từ Nha Trang lúc 5 giờ 30 sáng, theo đường đèo Cù Hin, chúng tôi vừa kịp ngắm bình minh trên đèo. Không khí ban mai trong lành, mát mẻ. Nhìn xuống bên dưới, mặt biển phẳng như gương. Mặt trời tô hồng một góc trời phía sau núi, bình minh dịu nhẹ rồi chói chang khi mặt trời nhô lên khỏi núi. 

Điểm dừng tiếp theo là đồng cừu Suối Tiên thuộc xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, giáp ranh với Ninh Thuận. Nơi đây, cảnh sắc được chăm chút từng chi tiết với hoa vàng rực bên lối đi, suối vòng vèo uốn lượn, nhà sàn, cầu gỗ, cầu thang xoáy... cho đến những chú cừu hiền lành dễ thương, khá dạn dĩ với khách. 

Rời đồng cừu Suối Tiên, theo cung đường biển, chúng tôi đến Vĩnh Hy. Trên đường, dừng lại bất kỳ nơi nào chúng tôi cũng thu được những bức ảnh với phông biển bên dưới rất đẹp. Những bãi biển ngắn bàng bạc ngoằn ngoèo trong nắng sớm. Phía khác, xa xa là núi, đảo, hoa dại điểm xuyết bên đường... Đứng trên đèo nhìn xuống, làng chài Vĩnh Hy nằm gọn trong một vòng cung biển khá ngoạn mục. Chúng tôi vòng xe xuống làng và ăn sáng ở đây. 

Quán xá nơi đây đủ các món ăn dân dã quen thuộc với người dân Khánh Hòa và Ninh Thuận: bún cá, bánh hỏi, bánh bèo, bánh xèo, bánh căn, phở... Đặc biệt, có món bánh hỏi lòng heo khá ngon, người bán chỉ dùng bao bì là giấy và lá chuối. Bánh hỏi có sợi hơi lớn, xếp lộn xộn không thành nếp, có lẽ do làm thủ công, gợi nhớ những sợi bánh dai, mềm, ráo, mượt ngày xưa... 

Hang Rái - điểm đến không thể bỏ qua 

Đá ở Hang Rái đủ hình thù
Đá ở Hang Rái đủ hình thù

Rời Vĩnh Hy, chúng tôi đến Hang Rái - một điểm du lịch sinh thái thuộc vườn quốc gia Núi Chúa, nằm trong khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Đây là một quần thể đá tự nhiên với những khối đá lớn nhỏ đủ hình thù nằm sát biển. 

Bạn sẽ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp thiên nhiên ban cho nơi này. Chúng tôi rẽ phải. Những khối đá to nhỏ trên cát cho chúng tôi những tấm hình rất đẹp. Tuy vậy, đừng mất nhiều thời gian ở nơi này vì bên trên kia, theo cây cầu gỗ sơn đỏ, bạn sẽ còn chiêm ngưỡng được nhiều bức tranh đá, biển, sóng và nhiều hang hốc được tạo nên từ những vết lõm trên đá... 

Theo các tài liệu, Hang Rái là tên do người dân địa phương đặt, xuất phát từ chuyện thuở xa xưa, rái cá biển thường chọn những hang đá làm nơi sinh sống. Tôi không biết bây giờ rái cá có về đây nữa không nhưng quả thật, từ trên cao nhìn xuống biển, những gộp đá đầy bí hiểm có rất nhiều hang hốc là nơi trú ngụ an toàn cho không ít loài mà rái cá là một trong số đó. 

Một góc chợ Vĩnh trong làng chài
Một góc chợ Vĩnh trong làng chài

Những tảng đá phía trên cao cũng có nhiều hang hốc. Chúng tôi hăm hở tìm gờ đá bám vào để lên các hốc trên cao. Bên dưới là một bãi đá, sóng vỗ tung bọt trắng xóa. 

Gió mát lồng lộng, thả mình nằm dài trên đá và ngắm biển trời bao la, bạn sẽ cảm thấy con người thật bé nhỏ trước thiên nhiên. Những tảng đá nhiều hình thù tha hồ cho du khách thả trí tưởng tượng của mình vào đó. 
Cuối con đường có một bãi đá màu xám đen mà người dân đặt tên là bãi đá muối (còn gọi là bãi đá san hô cổ). Một phiến đá khổng lồ có cấu tạo đá san hô, trên bề mặt lởm chởm những tai đá nhọn cùng các hố đá. Theo sách vở, bãi đá san hô cổ này vốn là một thềm san hô, có khoảng hơn ngàn năm trước. 

Rời Hang Rái, xổ hết con dốc là những vườn nho. Một trong những thế mạnh kinh tế của Ninh Thuận là nho và các sản phẩm từ nho. Những chùm nho chín mọng trên giàn khêu gợi sự thèm thuồng của du khách. Chủ vườn nhiệt tình cho chúng tôi thử rượu, nho và vài đặc sản khác. Tất nhiên, trước sự nhiệt tình ấy, bạn khó mà không mua vài thứ về làm quà hay ăn vặt trên đường đi. 

Sau khi nghỉ trưa trong một resort ở Mũi Dinh khá đẹp và nhà hàng với các món ăn khá ngon, chúng tôi đi len lỏi vào các làng chài qua những trảng cát thật rộng. Như nhiều làng chài trên cả nước mà tôi đã đi qua, trước mắt chúng tôi là một đời sống cách biệt nhiều so với các đô thị lớn. Song, điều thú vị là người dân địa phương được tận hưởng môi trường thiên nhiên trong lành. Với tôi, cảnh trí mộc mạc, dân dã cùng thiên nhiên hoang sơ luôn quyến rũ, mang đến nhiều cảm xúc.

Bình Lập bây giờ vẫn đẹp 

Hoang sơ Bình Lập
Hoang sơ Bình Lập

Trên đường về, đến địa phận Khánh Hòa, chúng tôi rẽ xuống Bình Lập. Tôi đã đến nơi này nhiều lần. Dẫu có thay đổi đôi chút nhưng Bình Lập bây giờ vẫn đẹp. 

Nhìn trên bản đồ, có vẻ thiên nhiên ưu ái ban cho Khánh Hòa 2 “ống tay áo” đối xứng nhau vươn ra biển rất ngoạn mục, với 2 làng chài cuối cùng: ở phía bắc là Đầm Môn thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh và phía nam là Tàu Bể, thôn Bình Lập, xã Cam Lập, TP Cam Ranh. Ngày trước, muốn đến đây, phải đi ghe mất 2 tiếng từ cảng Ba Ngòi bởi thôn này nằm biệt lập với đất liền, sau lưng là núi, trước mặt là biển khơi mênh mông. Dân cư sống rải rác trên 3 khu vực là Bãi Ngang, Bãi Lao và Tàu Bể. Năm 2007, có đường vòng lên núi dài hơn 10 cây số nối liền từ UBND xã Cam Lập vào tận làng Tàu Bể là điểm cuối cùng của Bình Lập. 

Bắt đầu lên dốc, một khung cảnh rất đẹp hiện ra trong tầm mắt. Bên dưới là những ô vuông nuôi trồng thủy sản, rừng dừa, biển xanh… Con đường phía trước quanh co đèo dốc. Một bên là núi có những tảng đá thật to, cây rừng trùng điệp; một bên là biển thấp thoáng. Lác đác đây đó vài mái nhà, còn lại chủ yếu là vườn cây cối xanh um, mát mẻ.  

Tận cùng con đường là làng Tàu Bể - nơi tập trung dân cư đông nhất Bình Lập. 

Bãi tắm khá đẹp có tên là Bãi Ngang. Bờ cát trắng mịn, sạch, mặt biển phẳng như gương, nước xanh biếc, gió mát dịu. Bờ biển nơi đây hình vòng cung. Điểm cuối của vòng cung Bãi Ngang là một bãi đá rất đẹp, nước trong xanh thấy đáy. Những tảng đá to, đủ hình thù. Có tảng đá giống như con tê giác, có tảng hình con cú mèo… Có những tảng đá thật lớn, trên đó có những vết lõm kỳ lạ giống như vết lõm “bàn tay ông khổng lồ” ở Hòn Chồng, Nha Trang. 

Rời Bãi Ngang, chúng tôi vòng lại và đi bộ về Bãi Lao - một bãi biển đẹp và hoang sơ khác, nước trong xanh, sóng êm. Đây là một vòng cung khác tiếp nối với Bãi Ngang tạo thành bờ biển có hình chữ ω (ô-mê-ga) rất ngoạn mục. 

Hôm chúng tôi đến, vẫn còn mùa rêu. Rêu bám trên những tảng đá lớn nhỏ nằm dọc theo mép nước. Chiều xuống chậm, màu rêu càng đậm. Chúng tôi vầy nước, cười vui như trẻ thơ. 

Lâu lắm rồi, giữa những bộn bề đời thường, chúng tôi mới có một ngày thực sự sống giữa thiên nhiên, quên hết mọi lo toan bận rộn. 

Đào Thị Thanh Tuyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI