‘Ông’ Tí trong văn hoá dân gian: lanh lợi, đại diện phú quý, sung túc

24/01/2020 - 21:23

PNO - Là con vật xếp đầu trong 12 con giáp, ‘ông’ Tí được ví von với nhiều hình ảnh, quan niệm dân gian vừa hóm hỉnh, vừa châm biếm sâu cay.

Xuân Canh Tí 2020 mở đầu một vòng tuần hoàn can chi mới. Trong ngày đầu năm, còn gì hợp lý hơn khi đưa hình ảnh “ông” Tí vào văn hoá dân gian để tìm hiểu thêm về con giáp đặc biệt này.

Sở dĩ con chuột làm vua, đứng đầu 12 con giáp, theo nghệ sĩ Mạc Can viết trong Mật chuột trên mi mắt, rằng: “Ngày xửa ngày xưa, Ngọc Hoàng Thượng Đế mở khoa thi xếp hạng. Lúc đó mèo và chuột là bạn hiền ở chung một hang, vốn lanh lợi láu cá, chuột thức sớm đi thi nhưng không kêu bạn mèo. Ngọc Hoàng cho chuột đứng hàng số một có tên là Tí. Trâu chậm chạp nhưng cũng thức khá sớm, đứng hạng hai gọi là Sửu, sau đó tới cọp nhận tên Dần. Mèo ở thứ tư gọi là Mão.

Mèo tức giận chuyện chuột xấu tánh, không kêu mình cùng đi thi. Từ đó, hễ thấy chuột ở đâu thì nhảy tới vồ cắn, và cũng từ đó, chuột phải đào hang chui nhủi trốn tránh mèo”.

Bức tranh Đám cưới chuột
Bức tranh Đám cưới chuột

Câu chuyện hài hước lý giải vì sao chuột có vị trí đầu tiên trong 12 con giáp không chỉ chứng tỏ chuột là động vật có sự nhanh nhạy, hoạt bát mà còn có chút... ranh ma.

PGS.TS Phan An, nguyên Viện trưởng viện KHXH vùng Nam Bộ cho biết: “Chuột là con vật tuy nhỏ nhưng vô cùng lanh lợi. Trong văn hoá dân gian, chuột đại diện cho cho những điều mau mắn, nhanh gọn lại vừa có chút ranh ma, mưu mẹo khó thể nắm bắt. Nếu đi từ ý nghĩa những câu tục ngữ, ca dao về loài chuột sẽ biết được con vật này ngoài cắn phá, gây rắc rối cho cuộc sống của con người thì vừa mang tính tốt cũng vừa có tính xấu”.

PGS.TS Phan An nêu nhiều ví dụ ở bài ca dao: “Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”, câu thành ngữ “chuột sa chĩnh gạo”, “cháy nhà ra mặt chuột” hay “chuột chạy cùng sào”...

Ngoài bài ca dao vẫn có nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải, thì các thành ngữ còn lại đều đi từ những ví von có tính châm biếm, đả kích nhưng cũng gợi hình, dễ cho người đọc suy ngẫm. Hình ảnh con chuột chạy cùng sào ví như một người đi vào đường cùng, không lối thoát, chưa biết hướng nào để đi tiếp; thành ngữ “cháy nhà ra mặt chuột” chỉ những sự việc chỉ khi gặp trắc trở, biến cố mới lộ rõ bản chất; hay “chuột sa chĩnh gạo” chỉ những ai kém may mắn, nghèo khó nhưng “rơi” vào gia đình giàu có...

Hình ảnh cặp chuột được cách điệu đặt tại công viên trung tâm thành phố Tuy Hoà, Phú Yên
Hình ảnh cặp chuột được cách điệu đặt tại công viên trung tâm thành phố Tuy Hoà, Phú Yên

PGS.TS Phan An nói thêm về việc ông bà ngày xưa nhìn vào những đặc tính sinh tồn của loài chuột, đúc kết kinh nghiệm qua lao động, sinh hoạt hàng ngày để hình thành nên những câu tục ngữ, thành ngữ. Những hình ảnh, định nghĩa về loài chuột trong văn hoá dân gian ngày nay vẫn được sử dụng, minh chứng cho sức sống lâu bền của tri thức dân gian.  

Riêng về ý nghĩa đại diện cho sự sung túc, phú quý, theo GS.TS Kiều Thu Hoạch, chuột là con vật đại diện cho điều này. “Chuột là con vật nhanh nhạy, rất đặc biệt trong 12 con giáp, chúng đại diện cho phú quý, tiền tài. Người cầm tinh con chuột dường như cũng có phần lanh lợi”, GS.TS Kiều Thu Hoạch nói. Ông cũng từng phân tích rất rõ qua bức tranh Đám cưới chuột để nói về ý nghĩa của “ông” Tí trong văn hoá dân gian.

Trước ý kiến cho rằng giữa hình ảnh đàn lợn và đàn chuột, đàn lợn tượng trưng rõ ràng hơn cho sự sung túc, phú quý. Vì, trái ngược với đàn chuột gặm nhắm, cắn phá, gây phiền toái cho con người thì đàn lợn có phần “ngoan” hơn. GS.TS Kiều Thu Hoạch khẳng định ý kiến này không chính xác, chuột mới là con vật đại diện cho sự sum vầy, cho tài lộc, phú quý.

“Con lợn hầu như chỉ chờ người mang thức ăn đến, không giỏi kiếm ăn còn chuột là động vật tự lập hơn. Với những con vật phải kiếm ăn mới có thể sống thì chúng là đại diện chuẩn xác hơn cho tài lộc, cho sự sung túc”, GS.TS Kiều Thu Hoạch nhấn mạnh.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI