Tri ân 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2023)

Xuống biển, lên non tìm cây thuốc quý: Đến nơi chưa có dấu chân người

23/02/2023 - 06:30

PNO - Chủng loài thực vật để làm thuốc ở nước ta rất phong phú nhưng nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Để sưu tầm, bảo tồn cây thuốc, phát triển dược liệu, các chuyên gia dược liệu thường xuyên tổ chức những chuyến lên núi, ra đảo dài ngày đầy gian nan, nguy hiểm.

Sớm tinh mơ, các cán bộ của Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM - thuộc Viện Dược liệu, Bộ Y tế - đã có mặt ở tỉnh Ninh Thuận để điều tra về cây thuốc.

Vai mang nặng, dò tìm trong rừng sâu

Tiến sĩ Lê Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM, người trực tiếp tham gia chuyến khảo sát - nói vui rằng “đây là chuyến xuống biển, lên non” bởi lần này, họ tìm cây thuốc ở trong rừng sâu và ven biển. Trong chuyến đi này, ngoài tiến sĩ Lê Văn Minh, còn có tiến sĩ Lê Thanh Sơn, thạc sĩ Lê Đức Thanh, thạc sĩ Ngô Thị Minh Huyền, chia thành 2 đội.

Nhóm lên non có sự hỗ trợ của 1 cán bộ kiểm lâm và 2 cán bộ của vườn quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Nhóm này có nhiệm vụ điều tra về loài cây thuốc có tên là thanh thiên quỳ. Theo tiến sĩ Lê Văn Minh, thanh thiên quỳ (nervilia fordii schultze) là cây thân thảo nhỏ, phân bố ở nơi ẩm ướt trong rừng nên việc tìm kiếm sẽ mất nhiều thời gian. Dự kiến chuyến vào rừng này sẽ kéo dài đến 7 ngày. “Mỗi loài trong chi nervilia có dược tính khác nhau. Đây là cây thuốc quý nên nếu bỏ lỡ dù chỉ một loài, cũng có thể mất đi một nguồn tài nguyên quý, một phát hiện mới cho khoa học” - ông nói.

Trong cả khu rừng lớn, loài thanh thiên quỳ chỉ xuất hiện một khóm nhỏ, nằm sát mặt đất nên khó nhận ra. Thành viên trong đoàn phải tập trung quan sát, mới thấy được. Họ sẽ thu mẫu và ghi chép cẩn thận về nơi phát hiện, hoàn cảnh sống, thổ nhưỡng… 

Hành trình vào rừng tìm cây thuốc giờ đây đã bớt nhọc nhằn hơn xưa nhờ có công cụ định vị GPRS, sơ đồ lưu lại hành trình. Cũng nhờ đó, đội phát hiện những nhánh rừng chưa có người đến và lên kế hoạch trở lại. Tuy nhiên, khó khăn vẫn bủa vây khắp nơi trong mỗi chuyến đi, nhất là những ngày mưa.

Trong mỗi chuyến băng rừng, mỗi thành viên phải mang 20kg dụng cụ các loại và lương thực, đựng trong ba lô, những túi nhỏ vắt lên người cùng một chiếc gùi. Trọng lượng mang theo ngày càng nặng do các mẫu vật thu được ngày càng nhiều. Lúc về, mỗi người phải vác có khi hơn 40kg với gần 200 mẫu vật. Khi tìm và thu mẫu cây thuốc, các thành viên phải tính toán kỹ để tránh ảnh hưởng đến quần thể loài. Các loài khác nhau có mùa hoa, quả khác nhau nhưng mỗi tiêu bản thực vật lại cần có đủ lá, hạt, hoa, rễ, quả để định danh loài. Do đó, khi điều tra, nghiên cứu dù chỉ một chi, một loài, họ phải vào rừng nhiều lần, nhiều mùa. 

Các chuyên gia dược liệu của Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM băng qua vách đá dựng đứng để tìm cây thuốc quý
Các chuyên gia dược liệu của Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM băng qua vách đá dựng đứng để tìm cây thuốc quý

Ở phía biển, nhóm chuyên gia dược liệu điều tra về cây mạn kinh (hạt được gọi là mạn kinh tử - một vị thuốc trị đau đầu, xương khớp). Mỗi ngày, nhóm lội bộ hàng chục cây số ven biển để điều tra cây thuốc. Nắng nóng cùng hơi nước mặn khiến làn da của họ bỏng rát nhưng những phát hiện lý thú về cây thuốc khiến họ hồ hởi tiến về phía trước.

Đây là một trong vô số chuyến đi mà các chuyên gia dược liệu của Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM thực hiện từ trước đến nay. Qua đó, họ đã tìm được nhiều loài dược liệu lạ, thu mẫu về nghiên cứu, trong đó có nhiều loài chỉ còn trong tự nhiên vài cây nên rất quý hiếm. Như trong chuyến đi mới đây, họ đã tìm được loài lan một lá, loài bạch tật lê - những loài nằm trong Sách đỏ, tức có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Những phát hiện quý giá

Ở Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM, thạc sĩ Ngô Thị Minh Huyền là một phụ nữ “máu lửa”. Do công việc vất vả nên rất ít phụ nữ muốn tham gia bộ phận tài nguyên và phát triển dược liệu của trung tâm, có người xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác sau vài chuyến đi. Thế nhưng, chị Huyền đã có 10 năm gắn với bộ phận này.

Các chuyên gia về dược liệu khoanh vùng một khu rừng để nghiên cứu, bảo tồn cây thuốc quý
Các chuyên gia về dược liệu khoanh vùng một khu rừng để nghiên cứu, bảo tồn cây thuốc quý

Chị bộc bạch: “Ban đầu, tôi cũng ngại bởi những chuyến đi rất vất vả, mà mình lại là nữ. Cha mẹ tôi cũng ngăn cản, khuyên tôi về quê làm giáo viên môn sinh học. Nhưng càng bám nghề, tôi càng yêu”. Chị Minh Huyền không nhớ nổi trong 10 năm qua, mình đã thực hiện bao nhiêu chuyến đi, càng không nhớ mình đã tìm được bao nhiêu loài dược liệu, trong đó có cả những loại chưa có tên trong danh mục cây dược liệu. 

Năm 2019-2020, khi tham gia cùng nhóm đánh giá hiện trạng các loài cây thuốc quý hiếm ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chị Minh Huyền cùng các đồng nghiệp ghi nhận được 22 loài cây thuốc quý hiếm thuộc 22 chi, 18 họ thực vật, trong đó có 16 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam với 4 loài ở mức nguy cấp, 12 loài sẽ ở mức nguy cấp. Kết quả nghiên cứu đã bổ sung vào danh mục thực vật huyện Côn Đảo 5 loài cây quý hiếm, vừa có giá trị bảo tồn, vừa có giá trị làm thuốc, gồm: tiết căn, sâm cau, lan một lá, lệ dương, bách bộ.

Cũng trong thời gian đó, chị cùng nhóm làm nhiều chuyến thực địa ở vườn quốc gia Phú Quốc, tìm được loài bí kỳ nam - loài cây dược liệu có giá trị làm thuốc cao, tốt cho hệ tim mạch, kháng viêm, thấp khớp, ức chế tế bào ung thư. Theo chị, bí kỳ nam tuy sống phụ sinh trên thân cây khác nhưng không hoàn toàn lấy chất dinh dưỡng từ cây chủ mà xây dựng đời sống cộng sinh phức tạp với một số loài kiến để sinh trưởng và phát triển. Trong tự nhiên, cây này mọc từ hạt nhưng tỉ lệ rất thấp nên cần có những nghiên cứu để tăng tỉ lệ mọc mầm và tăng chất lượng cây giống. Đặc biệt, tuy sống cộng sinh và phụ sinh vào các loài kiến nhưng trong giai đoạn đầu, cây con vẫn cần được cung cấp dinh dưỡng qua bộ rễ. Tốc độ tăng trưởng của cây con bí kỳ nam trong vườn ươm cũng rất chậm. 

Chia sẻ về sự vất vả, Ngô Thị Minh Huyền mỉm cười: “Nhiều lúc về đến nhà còn run bởi mình vừa tìm ra cây thuốc ở một nơi giữa một bên là vách núi cheo leo, bên còn lại là vực thẳm”. Trong chuyến đi Côn Đảo, chị bị ve đốt, để lại vết thương tuy nhỏ nhưng sâu và phải mất hơn 1 năm điều trị mới lành. Lắm khi, chân sưng đau giữa rừng, chị vẫn phải hơ nóng đá để áp vào cho đỡ mỏi rồi tiếp tục hành trình. Việc bị gai xé rách áo quần, bị trượt chân giữa dòng suối chảy xiết, bị vắt bám vào chân là chuyện thường. Ý nghĩa, giá trị khoa học của loài cây thuốc quý, độc đáo vừa tìm được chính là động lực để chị bám trụ với nghề: “Lúc đó bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến”.  

Còn với tiến sĩ Lê Văn Minh, niềm vui còn nằm ở sự “độc quyền thưởng lãm thiên nhiên”. Ông kể, nhiều lần, đội dừng chân ở những nơi chưa từng có ai đặt chân đến, thưởng lãm khu rừng hoang sơ với quang cảnh vô cùng đẹp mắt: “Chúng tôi coi đó là một sự hưởng thụ”. 

Hàng ngàn chuyến sưu tầm cây dược liệu

Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM được Bộ Y tế thành lập ngày 1/5/2001 với mục đích ban đầu là nghiên cứu về cây sâm Ngọc Linh. Sau đó, trung tâm được bổ sung chức năng nghiên cứu phát triển sâm và dược liệu khu vực Nam Bộ, triển khai nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất thử nghiệm; tư vấn, đào tạo và chuyển giao quy trình công nghệ; tổ chức sản xuất, kinh doanh và liên doanh, liên kết trong nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc và các chế phẩm từ dược liệu. Đến nay, trung tâm đã thực hiện các dự án lập hoặc bổ sung danh mục cây thuốc cho hầu hết các tỉnh phía Nam. Để làm được điều này, cán bộ, nhân viên trung tâm phải thực hiện hàng ngàn chuyến băng rừng, lội suối.

Trong chuyến đi lần này, nhóm của tiến sĩ Lê Văn Minh điều tra được 4 loài thanh thiên quỳ để mang về vườn quốc gia tiếp tục nghiên cứu, nhân nuôi, bảo tồn. Ngoài ra, nhóm còn thu thập được một số loài lan một lá và nuôi cấy thành công một trong các loài này. 

Kỳ tới:  Góp nhặt, nhân rộng các bài thuốc dân gian

Tuyết Dân - Sơn Vinh 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI