Xin và cho một đứa con

18/05/2025 - 08:00

PNO - Quyết định sinh ra một con người không phải chỉ là chuyện một ngày mà là chuyện của đời người. Rất nhiều cuộc đời liên đới đến quyết định ấy.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em muốn chia sẻ câu chuyện của mình, vừa là một nỗi băn khoăn, vừa là một lời nhắn gửi đến các bạn nữ có cảnh ngộ tương tự. Em là cô gái mạnh mẽ, có công việc ổn định. Em cũng biết cách yêu bản thân, gìn giữ ngoại hình chỉn chu, chuyên nghiệp.

Suốt thời đại học, vì nhà nghèo cha mẹ không lo được đầy đủ tiền ăn học, vì là dân tỉnh về thành phố, vì phải đi làm thêm…, em không yêu ai. Đến lúc ra trường, đi làm thì công việc nối công việc, cơ hội học thêm, cơ hội thăng chức lên lương... lại chiếm nhiều thời gian. Cũng có một vài người đến nhưng em thấy không ai thú vị.

Qua tuổi 30, em đã có căn hộ riêng, chỉ có điều, trong lòng em là một khoảng trống. 41 tuổi, em quyết định sinh con một mình. Thông tin em công khai với mọi người là em xin tinh trùng vô danh từ bệnh viện, làm thụ tinh ống nghiệm. Nhưng thực sự, cha của con em là sếp ở công ty cũ của em. Em từng nghĩ đó là mẫu đàn ông mình muốn cưới làm chồng nhưng tiếc thay, anh có gia đình rồi, em không muốn làm tiểu tam. 2 bên thống nhất chỉ là xin và cho, chỉ em và anh ấy biết, không có ai vướng mắc bất cứ trách nhiệm gì.

Sinh con, nuôi con đối với em là một trải nghiệm tuyệt vời và em không hề ân hận. Nhưng khi con lớn dần, mọi chuyện không còn đơn giản. Khi con hỏi về ba, em không thể có câu trả lời. Trong đầu em luôn thấp thoáng bóng hình người cha thật của bé. Em vẫn theo dõi tin tức anh ấy. Chắc chắn em không yêu anh ấy nhưng cũng không hoàn toàn đúng như cam kết ngày trước. Em biết vậy là sai nhưng thật sự, em không thể dứt được mối dây này. Con em năm nay 7 tuổi rồi. Em nên làm gì bây giờ, có nên nói chuyện này với anh ấy?

Thanh Hân (Vũng Tàu)

Em Thanh Hân thân mến,

Nhiều người cho rằng trong xã hội ngày nay, người cha đang là một “tùy chọn”, có hoặc không cũng được. Phụ nữ hoàn toàn có khả năng sinh con, nuôi con một mình.

Nhưng thực sự, khi quyết định sinh con, làm mẹ đơn thân, người phụ nữ đã truất của con một quyền cơ bản: quyền được có cha, được biết cha. Điều đó trở thành một nỗi áy náy không nói ra nhưng luôn hiện hữu, khiến người phụ nữ khó có thể làm ngơ, khó vượt qua những ám ảnh khi con hỏi “Mẹ ơi, cha con đâu?”. Những lời giải thích về người cha vắng mặt sẽ không bao giờ thỏa mãn được cả hai mẹ con trong suốt cuộc đời.

Tuy nhiên, nếu bây giờ liên hệ với “người cho con”, em sẽ lại xen vào một gia đình và có thể gây ra đổ vỡ. Em nên tôn trọng cam kết ngày xưa, vẫn phải giữ chuyện trong vòng chỉ hai người biết, không để ai phải vướng mắc trách nhiệm với ai.

“Người cho con” ấy, nếu theo đúng mô tả của em, hẳn cũng là người có trách nhiệm, chắc từng không ít lần suy nghĩ về đứa con mà mình đã “cho”: bây giờ ở đâu, lớn chừng nào, trông như thế nào… Tất cả những nghĩ suy, dằn vặt ấy cũng là một kiểu hình phạt. Rồi em sẽ thấy quyết định sinh ra một con người không phải chỉ là chuyện một ngày mà là chuyện của đời người, rất nhiều cuộc đời liên đới đến quyết định ấy.

Bởi vậy, em chỉ nên dõi theo từ xa, không thể quyết định dứt là dứt luôn, như nhổ bật gốc một cái cây. Dù không thể nói với con, dù không thể liên hệ với người là cha của con, em vẫn nên giữ mối dây đó, để làm gì thì ngay lúc này mình chưa thể biết, chưa thể nói được. Rồi cuộc sống sẽ có câu trả lời. Bởi vậy, người ta mới “có những niềm riêng”, trong tâm tư mỗi người có những góc khuất không ai có thể tiếp cận.

Gìn giữ bí mật cũng là một thử thách, một trách nhiệm ngày càng lớn, càng nặng mà em không thể từ chối. Thôi thì chấp nhận, gói lại và cất sâu trong lòng. Mong em bình tâm với điều này, tìm được niềm vui nuôi dạy con và cân bằng cuộc sống.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI