 |
Ngoài giờ làm, Thiện còn làm thêm để có thêm thu nhập - Ảnh minh họa: Freepik |
Hôm chị gái tôi tổ chức bữa cơm gia đình để sau đó tiễn chân Thiện - cháu tôi đi nhập ngũ, mọi người đến đông đủ. Nhà tôi chẳng ai bảo ai, mỗi người tùy theo điều kiện của mình đều gửi cho Thiện ít tiền để tiêu vặt. Bởi ai cũng biết hoàn cảnh cháu đi làm lương chẳng bao nhiêu.
Nhà anh chị tôi ở ngoại ô thành phố, mỗi ngày đến chỗ làm đi qua đoạn đường khá xa nên Thiện phải ở trọ. Thu nhập của Thiện đã không bao nhiêu, mỗi tháng lại phải trích ra tiền thuê trọ, nhẩm tính thôi cũng đã thấy cuộc sống chật vật ra sao.
Nhưng được cái tinh thần Thiện luôn lạc quan, vui vẻ. Thiện chia sẻ sau giờ làm chịu khó chạy xe công nghệ để kiếm thêm thu nhập, nên sống cũng được.
Tuy Thiện nói vậy cho người lớn yên tâm, nhưng tôi biết chẳng dễ dàng gì với cuộc sống ở thành phố khi mở mắt bước chân ra khỏi nhà đã phải dùng tiền.
Tôi có vài đồng nghiệp nam, cũng nhỉnh hơn Thiện vài tuổi, cứ đến già giữa tháng là hỏi mượn tiền tôi. Tuy mức lương không đến nỗi quá thấp, nhưng không đủ chi tiêu đến hết tháng nên họ mượn xài trước, đến tháng nhận lương đem trả nợ mất một khoản, hơn nửa tháng sau lại phải mượn.
Khi thân hơn, tôi mới đề cập chuyện chi tiêu với một đồng nghiệp. Cậu ấy không ngại liệt kê ra những khoản cố định như 3 bữa ăn hàng quán mỗi ngày, cà phê, thuốc lá, xăng xe… Cộng số đó lại thôi đã xấp xỉ hết khoản lương cố định. Đó là chưa đề cập đến những cuộc vui bạn bè, đi chơi với người yêu…
Cậu ấy nói giờ mọi thứ đều tăng giá, bữa ăn sáng trước đây vài chục nghìn thì nay đã tăng hơn, mà đàn ông đâu thể ăn qua loa trái bắp, củ khoai được. Vì vậy nếu không có khoản thu nhập nào khác ngoài mức lương cố định thì việc thiếu trước hụt sau là chắc chắn. Nhưng ở thời điểm này, việc ít, người cần việc nhiều nên để kiếm thêm được công việc phù hợp để có thêm thu nhập là không dễ dàng gì.
Tôi nghĩ, mấy đứa cháu tôi khi đi làm những năm đầu cũng gặp khó khăn như vậy nên đợt chia tay lên đường nhập ngũ lần này, người lớn trong nhà tôi tùy theo điều kiện mà gửi cho Thiện một khoản để có chi tiêu.
Sau khi Thiện đi rồi, chị gái tôi mới kể, cả chị cũng bất ngờ vì trước khi đi, Thiện đưa cho chị số tiền gần 200 triệu đồng, nhờ chị mua vàng cất giùm. Số tiền ấy không gọi là quá lớn, nhưng với hoàn cảnh thu nhập của Thiện, ai nghe cũng ngỡ ngàng.
Chị hỏi con làm sao có được số tiền đó? Thiện nói đó là toàn bộ số lương mà Thiện không dùng đến, cất để dành. Chi tiêu mỗi tháng đều dựa vào công việc làm thêm buổi tối…
Nghe xong, người thì mừng vì Thiện biết chi tiêu. Như vậy sẽ không rơi vào cảnh thiếu thốn. Người khác vì thương mà xót Thiện, bảo cha mẹ Thiện đâu đến nỗi khó khăn để cháu phải sống cực khổ, chi tiêu chặt chẽ từng đồng, biết đâu ra đường thèm món nọ món kia không dám ăn thì tội…
Trong khi, trong họ hàng, có những đứa bằng tuổi Thiện chẳng phải lo lắng gì đến chuyện tiền nong.
Gen Z được gắn mác là thế hệ “vượt sướng” vì đa phần sinh ra trong điều kiện đủ đầy, hoặc ít nhất cũng hơn những thế hệ trước đó. Bất kể ở trong hoàn cảnh khó khăn đi nữa thì chắc chắc chẳng có mẹ bầu nào đói khổ, thèm thuồng thức ăn như những người mẹ ở thế hệ trước đây. Tôi từng nghe kể về những người chị mình khi mang thai trong hoàn cảnh khốn khó. Đến cả cơm để ăn cho no bụng còn là mơ ước, họ phải ăn cơm độn với khoai, sắn… Thức ăn vặt để lấp đầy cái bụng trống vẫn chỉ loanh quanh với chuối, bắp, măng cầu luộc. Có lẽ ngày ấy chẳng ai nghĩ đến một xã hội thừa mứa thức ăn như bây giờ. Nhưng chẳng có điều gì là trọn vẹn, khi mà có quá nhiều lựa chọn cho bữa ăn lại đi kèm với những rủi ro về thực phẩm không lành mạnh…
Tôi cũng đã từng nghĩ thế hệ Gen Z rất khác mình, đa phần sống thoải mái hơn, chẳng lo nghĩ đến ngày mai nhưng hóa ra không hẳn như vậy.
Tôi thấy mừng cho Thiện hơn là lo. “Khổ trước sướng sau” - tôi quan niệm tuổi trẻ nên dấn thân nhiều hơn, làm việc nhiều hơn, đừng vội nghĩ đến chuyện hưởng thụ khi mà chưa có nhiều trải nghiệm. Cuộc sống này chẳng nói trước được điều gì, xã hội có tiên tiến đến đâu thì con người cũng không làm chủ được mọi thứ. Vì vậy, kỹ năng sống là điều cần thiết để ứng phó với mọi biến động có thể xảy ra.
Tôi tin, với sự can trường không ngại khó của mình, Thiện sẽ sống tốt ở bất cứ hoàn cảnh nào. Đó chẳng phải là điều bất cứ bậc cha mẹ nào cũng mong con mình có được đó sao?
Ban Mai