Việt Nam có nguy cơ mất vị thế số 1 thế giới cà phê Robusta

17/05/2025 - 18:17

PNO - Cây cà phê tại Việt Nam vốn canh tác nhỏ lẻ, manh mún, cộng thêm tình trạng chặt bỏ cà phê để trồng hồ tiêu, bơ, sầu riêng... khiến vị thế số 1 về cà phê robusta của Việt Nam bị đe dọa.

Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia thị trường cà phê, cho biết Việt Nam sản xuất khoảng 1,6–1,8 triệu tấn cà phê mỗi năm, nhưng đến 90% sản lượng đến từ các hộ nhỏ lẻ với quy mô chỉ vài tấn/vườn. Rất ít trang trại đạt sản lượng trên 100 tấn, điều này khiến việc đầu tư vào chế biến gặp nhiều hạn chế.

Trong khi đó, tại Brazil – quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới – một nông trại nhỏ cũng có diện tích 5.000–10.000 ha, cho sản lượng hàng ngàn đến hàng triệu tấn.

Một điểm khác biệt nữa là thị trường nội địa của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Hiện nay, chỉ 5–10% sản lượng cà phê được tiêu thụ trong nước, trong khi Brazil sử dụng 20–22 triệu bao (trên tổng số 60 triệu bao sản xuất). Nhờ đó, nông dân Brazil có động lực ổn định sản xuất và nâng cao giá trị.

Khách đang niếm thử cà phê tại
Khách đang thưởng thức cà phê, xem các sản phẩm được trừng bày tại Chương trình "Tôn vinh cà phê - trà Việt" tại Gigamall Thủ Đức

Ngược lại, nông dân Việt Nam với sản lượng 3–5 tấn/hộ không đủ điều kiện để đầu tư chế biến sâu hoặc chờ giá cao. Họ thường phải tự trữ hàng, dẫn đến nhiều bất lợi trong cạnh tranh.

Ông Nguyễn Quang Bình cho rằng, để tạo ra giá trị gia tăng, cần có sự hỗ trợ từ hiệp hội và chính quyền địa phương nhằm tập hợp các hộ sản xuất nhỏ lẻ, xây dựng các hợp tác xã với quy mô tối thiểu 1.000 ha. Các rào cản như thiếu vốn, hạn chế trong tiếp cận tín dụng và chính sách hỗ trợ vẫn chưa được tháo gỡ. Ngân hàng cần mạnh dạn nâng hạn mức tín dụng từ 5 tỉ đồng lên 6–7 tỉ đồng để tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn.

Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột - nhận định, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển cà phê hòa tan và cà phê đặc sản. Thách thức lớn hơn nằm ở khâu phân phối, bao gồm việc đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị quốc tế, định vị thương hiệu và xây dựng chiến lược toàn cầu. Đây là lĩnh vực mà các tập đoàn như Starbucks đã thành công nhờ kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng từ sản xuất đến thương mại. Trong khi đó, các start-up cà phê Việt Nam hiện chỉ sản xuất vài tấn đến vài chục tấn mỗi năm, khiến việc tiếp cận thị trường lớn như Mỹ gặp khó khăn nếu không có hỗ trợ từ nhà nước về xúc tiến thương mại hoặc định vị thương hiệu quốc gia.

Sự hiện diện của cà phê Việt tại hội chợ quốc tế cũng còn rời rạc, thiếu tính lan tỏa, trái ngược với hình ảnh bài bản của Brazil hay Colombia – những quốc gia đã quảng bá mạnh mẽ thương hiệu cà phê toàn cầu. Đáng lo ngại hơn, vị thế dẫn đầu thế giới về sản xuất cà phê Robusta của Việt Nam đang bị đe dọa. Brazil có thể vượt mặt trong 2–3 năm tới nhờ hệ thống hợp tác xã chuyên nghiệp, nông dân chuyên canh cà phê để đảm bảo sản lượng ổn định và chất lượng đồng đều. Trong khi đó, tại Việt Nam, xu hướng chuyển đổi cây trồng theo lợi nhuận ngắn hạn (như sầu riêng, bơ, tiêu...) khiến sản lượng cà phê biến động thất thường, lúc tăng đột biến, lúc sụt giảm mạnh.

Các đại biểu trình bày tại hội thảo
Các đại biểu trình bày tại hội thảo

Theo quan điểm của ông Gruber Alexander Lukas - Giám đốc Công ty CP Dịch Vụ Rang Xay Chuyên Nghiệp Sài Gòn (Alambé Việt Nam), thay vì cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia sản xuất cà phê khác, Việt Nam nên tập trung phát triển thế mạnh riêng bằng cách đẩy mạnh quảng bá dòng cà phê rang xay nguyên chất 100%, đặc biệt là những sản phẩm đặc trưng như Robusta. Ông nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần định vị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường, mà còn là biểu tượng văn hóa. Cà phê cần được giới thiệu như một sản phẩm văn hóa mang đậm bản sắc, cách tiếp cận này sẽ giúp nâng tầm thương hiệu cà phê Việt trên thị trường toàn cầu.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, dẫn chứng thực tế dù sâm Hàn Quốc nổi tiếng toàn cầu, người tiêu dùng hiếm khi nhớ đến thương hiệu cụ thể mà chỉ nhận diện nó như một "thương hiệu quốc gia". Tình trạng tương tự xảy ra với cà phê Việt Nam – chất lượng cao nhưng thiếu thương hiệu nổi bật trên trường quốc tế. Điều này phản ánh hạn chế trong việc tạo sức mạnh cộng hưởng để xây dựng thương hiệu quốc gia của doanh nghiệp Việt.

Sở Công Thương có thể phối hợp với hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cà phê tổ chức hội chợ xuất khẩu chuyên sâu. Phía Hàn Quốc không chỉ có vốn, thị trường mà còn mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm kết hợp nhân sâm. Ông Phương nhấn mạnh đây là cơ hội để hai bên cùng triển khai chương trình xúc tiến, thậm chí xuất khẩu ngược lại Hàn Quốc các sản phẩm sáng tạo như sâm – yến.

Sáng ngày 17/5, Báo Người Lao Động đã khai mạc Chương trình "Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần 3 – 2025. Chương trình diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/5 tại Trung tâm Thương mại Gigamall (240-242 Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức, TPHCM). Xuyên suốt chương trình sẽ có nhiều hoạt động như: Hội thảo "Cà phê Việt Nam: Tăng lợi ích cho người trồng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu"; Gala nghệ thuật "Đất nước vươn mình"; các gian hàng tổ chức hoạt động pha chế, nếm thử cà phê; Coffee Talk: Chủ đề "Thức uống thời thượng của GenZ"; Livestream quảng bá cà phê, trà Việt; Lễ trao giải cuộc thi viết "Cảm tưởng về cà phê, trà Việt"…

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI