Bực bội với những "chuyện nhỏ" trong nhà

13/05/2025 - 08:00

PNO - Những phiền toái, bực bội lặp đi lặp lại hằng ngày cảm giác như không đủ lớn để gây cãi vã nảy lửa nhưng lại dai dẳng khiến hao mòn tinh thần và tình cảm vợ chồng.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Em đang ở nhà chăm con nhỏ còn chồng em đi làm, là trụ cột kinh tế trong nhà. Em biết ơn anh ấy vì điều đó. Nhưng trong sinh hoạt hằng ngày, anh có những thói quen khiến em rất mệt mỏi: đánh răng xong thì vứt bàn chải bừa bãi trong bồn rửa mặt chứ không cắm vào ống, mở tủ (tủ bếp, tủ quần áo, những ngăn đựng đồ nho nhỏ) không bao giờ đóng lại, thay đồ là quăng quần áo mặc rồi lẫn chưa mặc xuống đất... Em suốt ngày phải nhặt, phải dọn.

Ai nhìn vào cũng bảo “chuyện nhỏ thôi” nhưng em đã sống như vậy 3 năm rồi và càng ngày càng thấy bức bối. Em không muốn cằn nhằn hoài, đã cố gắng nhắc nhở anh vài lần nhưng chỉ khiến không khí gia đình trở nên hết sức nặng nề vì mỗi lần em góp ý, chồng lại bảo “anh đi làm nuôi cả nhà, em ở nhà có chút việc mà cũng than phiền”.

Em cũng cố gắng nghĩ là có chút xíu thôi, mình dọn chỉ vài phút nhưng ngày nào cũng như vậy, em không hề cảm thấy thoải mái hơn mà chỉ tích tụ thêm những điều bực bội. Thậm chí có lần, trong khi dọn dẹp, em còn muốn... chửi thầm anh ấy.

Chị ơi, với những “chuyện nhỏ” mà lặp đi lặp lại như thế, em nên ứng xử thế nào để không thành “vợ hay càm ràm”, "vợ nhỏ mọn", "vợ vô ơn"? Hay cứ cho rằng đó là việc của mình, cố gắng chấp nhận cho êm cửa êm nhà?

Hồng Hạnh

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Em Hồng Hạnh thân mến,

Mỗi lần đọc sách báo hay nghe kể về những "chuyện nhỏ" khó chịu trong cuộc sống thường ngày mà người ta cứ phải phân vân nên giải quyết nó hay không, Hạnh Dung lại nhớ đến một câu chuyện:

Nếu ta bị bắt buộc phải cầm một ly nước suốt nhiều giờ, ly nước lúc đầu tưởng rất nhẹ nhàng dần dần trở nên nặng không thể chịu nổi khi bàn tay đã mỏi. Lúc đó, nhất định ta phải tìm cách đặt nó xuống. Ly nước sẽ vỡ tan tành...

Những khó chịu em đang trải qua nhỏ như ly nước nhưng hoàn toàn có thể rơi xuống vỡ tan tành nếu em không giải quyết tình trạng mỏi đúng lúc, đúng cách. Những phiền toái, bực bội lặp đi lặp lại hằng ngày cảm giác như không đủ lớn để gây cãi vã nảy lửa nhưng lại dai dẳng khiến hao mòn tinh thần và tình cảm vợ chồng.

Em nên tìm cách nói với chồng, giúp anh ấy thay đổi những thói quen xấu để cuộc sống hôn nhân được vui vẻ. Thông thường, người ta bừa bộn là do thói quen ỷ lại, biết rằng sẽ có người dọn dẹp thay mình. Hãy khéo léo giúp anh ấy hiểu trách nhiệm của mỗi người trong mái ấm.

Một trong những cách nói nhẹ nhàng mà hiệu quả nhất với chồng là vin vào việc giáo dục, dạy dỗ con cái. Lựa lúc vợ chồng vui vẻ và đang chơi với con, em hãy thủ thỉ với chồng rằng em muốn anh ngăn nắp, gọn gàng, kỷ luật để làm gương cho con. Con thường làm theo cha mẹ và nếu anh nêu gương tốt thì con sẽ xây dựng được thói quen gọn gàng, ngăn nắp.

Cách thứ hai là... khen ngợi. Có thể một hôm nào đó, chồng em tự giác đóng tủ, để bàn chải đánh răng vào ống, treo quần áo đàng hoàng... Khi ấy, em hãy vui vẻ khen ngợi chồng. Rồi cũng nhân dịp đó, nói thêm luôn rằng suốt ngày phải đi dọn dẹp mọi thứ, em cũng mệt lắm. Hôm nay, nhờ anh tự giác mà em đỡ được một lần cúi, một lần dọn..., coi vậy mà thích ghê!

Cách thứ ba là... làm bộ nhờ vả. Chẳng hạn em nói "Hồi nãy em thấy anh để quên cái bàn chải nhưng em bận quá, chưa dọn được, anh giúp em với"... Hãy mỉm cười dịu dàng khi nói để anh ấy cảm thấy em không trách móc, khó chịu mà chỉ là không đủ thời gian làm hết mọi việc một lúc.

Cách cuối cùng là trò chuyện nghiêm túc với chồng về những điều em muốn anh ấy thay đổi. Là một cuộc trò chuyện chứ không phải càm ràm, cằn nhằn, trách móc..., em nhé!

Hãy cho anh ấy biết em trân trọng công sức của anh ấy khi anh ấy ngày ngày phải đi làm, lo lắng cho kinh tế gia đình. Nhưng ở nhà với bao việc không tên, cũng có lúc em cảm thấy kiệt sức.

Không phải là kể công nhưng em cũng nên cho chồng biết rằng chăm sóc con cái, nhà cửa, nấu ăn, dọn dẹp... cũng mệt không kém đi làm. Và nếu anh ấy chỉ cần chú ý một chút, dọn dẹp những thứ mình sử dụng nghĩa là anh ấy đã giúp em rất nhiều, để em có tinh thần vui vẻ và sức khỏe dẻo dai làm "hậu phương" vững chắc.

Đừng bắt anh ấy thay đổi hết mọi thứ cùng lúc vì sẽ khó và... sốc lắm. Hãy để anh ấy từ từ học thói quen "tự lập", không ỷ lại vào chuyện em sẽ đi sau dọn dẹp mọi thứ. Hãy chọn ra vài điều em ghét nhất trong các tật xấu của anh ấy để kiên nhẫn và vui vẻ nhắc nhở.

Người đi làm về mệt mà người ở nhà cũng mệt, hai cái mệt cộng lại trong trạng thái căng thẳng chiến đấu thì chắc là sẽ có chiến tranh từ những chuyện vặt vãnh. Nên em hãy chọn cách nhắc nhở, trò chuyện nhẹ nhàng, hài hước mà kiên nhẫn một chút. "Nước chảy, đá mòn" - hy vọng em sẽ thành công.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI