Ông bà giữ cháu mà chỉ cho xem điện thoại

15/05/2025 - 08:00

PNO - Em là người may mắn, hãy nhìn từ góc độ này để biết ơn và thông cảm hơn khi ông bà có phương pháp chưa phù hợp lắm.


Chị Hạnh Dung kính mến,

Em vừa đi làm lại sau thời gian nghỉ thai sản. Ông bà nội cưng cháu, không vừa ý người giúp việc, muốn tự tay chăm cháu cho vợ chồng em yên tâm làm việc. Thế nhưng, mấy lần em tan làm về sớm, mọi việc ở nhà khiến em không thể yên tâm. Để dụ cháu ngồi yên ăn bột, ăn cơm, ti bình…, ông bà cho cháu xem ti vi liên tục. Khi thằng bé khóc đòi đi rong, ông bà lấy điện thoại, iPad bật sẵn, dựng trên xe nôi cho cháu xem để cháu không quấy. Ông bà tập vậy nên con em tuy chưa đầy năm mà đã ghiền điện thoại, lúc nào không vừa ý điều gì, chỉ đưa điện thoại mới nín. Chưa kể bé chị 5 tuổi cũng đu theo em để coi ké điện thoại.

Em bực quá nhưng không tiện nói với ông bà, mới cằn nhằn chồng, kêu chồng góp ý ba mẹ anh chứ để vậy hoài không được. Trẻ con tiếp xúc thiết bị điện tử quá sớm không tốt. Em nói đúng mà chồng em lại cáu luôn với em. Bây giờ, không lẽ em ôm con về cho bà ngoại giữ hoặc cương quyết thuê người giúp việc trông trẻ để họ làm theo ý mình? Xin chị cho em lời khuyên.


Ngọc Tài (Bến Tre)

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet


Em Ngọc Tài thân mến,

Nhận thư em, Hạnh Dung vội hồi âm, sợ em trong lúc bực bội lại thiếu kiềm chế mà có lời lẽ không hay với ba mẹ chồng. Hy vọng tới giờ phút này, em chỉ mới cằn nhằn chồng, chưa làm rạn nứt tình cảm gia đình.

Chăm sóc trẻ nhỏ là một công việc vất vả. Em cực nhọc mang bầu 9 tháng 10 ngày, sinh con, chăm con 6 tháng qua chắc hiểu điều này. Mình trẻ mà còn thấy mệt, huống chi ông bà đã lớn tuổi lại phải chịu cảnh “chăm con mọn”, dù tự nguyện cũng là một nhiệm vụ không nhẹ nhàng. Ở tuổi này, ông bà hoàn toàn có thể thảnh thơi tận hưởng cuộc sống. Chăm cháu không phải trách nhiệm ông bà. Nhưng, vì thương con, xót cháu, ông bà mới đề nghị như thế.

Thực tế, không phải cứ bỏ tiền ra thuê người giúp việc là họ sẽ hoàn toàn làm theo ý mình. Nhiều vụ bảo mẫu ngược đãi, thiếu trách nhiệm, thậm chí bạo hành trẻ nhỏ đã diễn ra. Với trẻ con, ngoài chuyện ăn uống, tắm rửa…, tình thương của người thân rất quan trọng. Nhiều cặp vợ chồng mong có ông bà giữ con giùm mà không được. Em là người may mắn, hãy nhìn từ góc độ này để biết ơn và thông cảm hơn khi ông bà có phương pháp chưa phù hợp lắm.

Về chuyện ông bà cho cháu xem ti vi, điện thoại quá nhiều, đây là thực tế xảy ra ở nhiều gia đình, không chỉ ông bà mà ba mẹ trực tiếp chăm con nhiều khi cũng phạm phải. Bởi lẽ, không phải ai cũng có đủ thời gian, sức khỏe, sự kiên nhẫn để theo đuổi các phương pháp nuôi dạy con kiểu Nhật, kiểu Hàn… như trên sách báo, trên mạng bày dạy. Vấn đề là mình chọn cách nào phù hợp nhất với hoàn cảnh, điều kiện của gia đình mình.

Em có thể nhẹ nhàng tâm sự cùng chồng về sự lo lắng của em, về tác hại của việc tiếp xúc với điện thoại, ti vi quá nhiều khi con còn quá nhỏ. Đặc biệt, em nên tránh cách nói kiểu đổ lỗi, trách móc, quy trách nhiệm cho ông bà, tối kị việc so sánh ông bà nội với ông bà ngoại… bởi điều đó khiến chồng cảm thấy em coi thường công sức, thiếu lễ độ với ba mẹ anh ấy. Khi đồng quan điểm với em, chồng em sẽ biết cách nói sao cho ba mẹ anh dễ tiếp nhận.

Điều quan trọng là dù bận đi làm nhưng vợ chồng em cũng phải tranh thủ sắp xếp thời gian chăm con, đừng đổ hết trách nhiệm lên vai ông bà. Còn nếu đã xác định phải nhờ ông bà, em cần chuẩn bị tâm lý chấp nhận mọi sự một cách tương đối - nghĩa là ông bà có cách chăm cháu của ông bà, không thể làm theo ý em 100%. Em đừng quá lo, làm phức tạp hóa vấn đề. Chỉ khi nào có việc gì ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn, sức khỏe của con, em mới cần lên tiếng. Còn lại cứ góp ý nhẹ nhàng để tìm tiếng nói chung, em nhé!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI