Có phải mẹ ghét cháu?

16/05/2025 - 18:00

PNO - Khi đau lòng, người lớn thường im lặng hay làm những điều khiến con cái hiểu lầm nhưng không có nghĩa họ ngừng yêu con.

Cô Hạnh Dung kính mến,

Cháu 12 tuổi. Ba mẹ cháu vừa ly hôn. Mẹ đưa em gái nhỏ đi, để cháu lại ở với ba. Cháu không hiểu vì sao lại như vậy. Cháu tưởng mẹ thương cháu nhất vì cháu ngoan và hay giúp mẹ trông em nhưng mẹ chỉ ôm em đi mà không hề hỏi cháu có muốn đi cùng hay không. Cháu cũng không dám gọi điện hỏi mẹ vì sợ mẹ nói những điều làm cháu đau lòng.

Ba cháu sắp cưới vợ mới - cô mà trước đây mẹ hay gọi là “con phù thủy” và là người phá nát gia đình cháu. Mỗi lần mẹ nói chuyện đó, cháu thấy mẹ buồn lắm, còn cháu thì sợ. Cháu không ghét cô ấy nhưng cô ấy không phải là mẹ cháu và cháu không biết phải sống sao nếu cô ấy về làm mẹ kế.

Cháu cứ nghĩ hoài: Có phải mẹ ghét cháu nên mới để cháu lại cho ba và cô kia? Hay là mẹ không cần cháu nữa? Nếu còn thương cháu, sao mẹ bỏ cháu ở lại với người mà mẹ ghét đến vậy?

Cháu cứ cố tỏ ra mạnh mẽ nhưng ban đêm cháu hay khóc một mình. Mẹ từng nói sẽ không bao giờ xa cháu, mà giờ lại thế này... Cháu phải làm sao để không còn cảm thấy như bị mẹ bỏ rơi hả cô?

Cháu Hạnh Thủy

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Cháu Hạnh Thủy thương mến,

Đọc thư cháu, trong cô cứ hiện lên hình ảnh một cô bé đứng ngẩn ngơ trước cửa nhà, nhìn mẹ nắm tay em mình xa dần. Xung quanh bé gái ấy là sự đơn côi, lạc lõng mà ánh đèn ấm áp trong ngôi nhà của một gia đình mới không đủ trùm lên bóng của bé gái.

Cô thật sự xúc động khi đọc tâm sự của cháu. Cô thấy trong đó một trái tim nhỏ đang chịu rất nhiều tổn thương, buồn tủi, lo lắng - những điều quá lớn lao đối với một cô bé 12 tuổi. Cô muốn cháu biết rằng cảm xúc của cháu hoàn toàn bình thường và cô đang lắng nghe, đang muốn chia sẻ cùng cháu.

Nhưng, cháu phải hiểu và tin rằng việc mẹ đưa em cháu đi không có nghĩa mẹ không thương cháu nữa. Có thể vì em còn nhỏ quá, mẹ sợ em chưa thể tự lo cho bản thân nên quyết định mang em theo. Cô chắc chắn mẹ muốn mang cả cháu theo bởi không người mẹ nào muốn xa con. Tuy nhiên, có lẽ mẹ cháu chưa sắp xếp được cuộc sống mới nên sợ không lo xuể cho cả hai con.

Mẹ nghĩ cháu là một cô bé mạnh mẽ, hiểu chuyện. Mẹ tin cháu có thể ở với ba trong điều kiện mà người lớn cảm thấy tốt nhất cho cháu lúc này. Điều đáng buồn là người lớn đôi khi quên mất phải hỏi cháu cảm thấy thế nào. Điều đó thật sự không công bằng.

Cháu đang tự hỏi: “Có phải mẹ ghét cháu?”, cô tin là không. Cô tin rằng mẹ vẫn yêu cháu nhiều lắm nhưng có thể mẹ đang rối bời, đau khổ... Khi đau lòng, người lớn thường im lặng hay làm những điều khiến con cái hiểu lầm nhưng không có nghĩa họ ngừng yêu con.

Về chuyện sống cùng ba và cô ấy, cháu đang hoang mang và lo sợ. Thật ra, cháu không cần phải coi cô ấy là mẹ mà chỉ cần sống đúng với bản thân, giữ sự tôn trọng và tử tế.

Nếu có lúc cảm thấy không công bằng hay buồn, cháu có thể viết ra hoặc chia sẻ với những người lớn đáng tin cậy như cô giáo, bạn thân, họ hàng...

Cháu cũng có thể viết thư cho mẹ hoặc nhắn tin, kiểu như: "Mẹ ơi, con nhớ mẹ nhiều lắm. Không có mẹ và em, con cô đơn lắm. Con mong muốn có mẹ bên cạnh...". Khi cháu mở lòng, cô nghĩ mẹ cháu sẽ lấy lại được sự tự tin mà mở lòng trở lại với cháu. Và mẹ sẽ tìm mọi cách để cháu và mẹ có thể được gần nhau hơn.

Cháu đã rất mạnh mẽ nhưng mạnh mẽ không có nghĩa không được buồn hay không được khóc. Mạnh mẽ là chấp nhận những điều đang xảy ra và cố gắng sống tốt nhất có thể.

Hãy cố gắng tập trung vào việc học tập, rèn luyện bản thân để ba mẹ tự hào và yêu thương cháu nhiều hơn, cũng là để cuộc sống của cháu mai này tốt đẹp hơn. Cháu cũng nên đọc sách thật nhiều. Cháu sẽ tìm thấy trong sách lời giải đáp tốt nhất cho những điều cháu chưa kịp hay chưa đủ sức hiểu.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI