Đường đến trường của học sinh Đan Lai đã bớt “gập ghềnh”

18/05/2025 - 09:20

PNO - Nhờ sự đồng hành của những người lính biên phòng, đường đến trường của học sinh dân tộc Đan Lai giữa vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát đã bớt “gập ghềnh”. Các em dần yêu trường lớp, không còn bỏ học giữa chừng.

Tổ công tác đặc biệt ở trường vùng biên

Trở về ký túc xá sau giờ tan trường, La Thị Tình - học sinh lớp 8A, Trường THCS Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An - nhanh tay cất sách vở, rồi cùng các bạn ra dọn vệ sinh. Các em phân chia nhau quét dọn, nhổ cỏ, tưới rau… Xong việc, các em í ới kéo tay thiếu tá Nguyễn Văn Thắm - thành viên tổ công tác “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên” xã Môn Sơn - ra sân cùng chơi bóng chuyền.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thắm kiểm tra, hướng dẫn học sinh học bài
Thiếu tá Nguyễn Văn Thắm kiểm tra, hướng dẫn học sinh học bài

Sau 2 năm ở ký túc xá, Tình đã xem nơi này như ngôi nhà thứ hai và thiếu tá Thắm là người cha thứ hai của mình. “Lúc mới rời bản ra đây để học, em không quen nên chỉ muốn về nhà” - Tình kể. Nhưng được thầy cô động viên, các “bố biên phòng” luôn bên cạnh chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ nên em dần bỏ suy nghĩ nghỉ học về làm rẫy cùng cha mẹ. Tình cũng trưởng thành hơn, hiểu được khó khăn của dân bản khi sống giữa “thâm sơn cùng cốc” nên quyết tâm học để trở thành bác sĩ về chữa bệnh cho người dân.

La Thị Dương - học sinh lớp 9A, Trường THCS Môn Sơn - cho biết, lúc trước, em không chú tâm học bởi cha mẹ lên rẫy cả ngày, không ai quan tâm. Ở ký túc xá, em được các “bố biên phòng” kèm học bài, chỉ dạy kỹ năng sống, kiến thức pháp luật… nên em rất vui và luôn cố gắng học. Dương nói: “Các bố dặn không nên tảo hôn. Lấy chồng sớm khổ lắm, phải gắng học lên cao thì sau này mới có nhiều cơ hội, không phải lên rừng, lên rẫy kiếm cái ăn nữa”.

Tình và Dương là 2 trong số 66 học sinh người Đan Lai sống biệt lập giữa vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát, cách Trường THCS Môn Sơn gần 20km. Đường đi lại khó khăn, học sinh thường phải rời bản ra ở nhờ nhà người thân hoặc ở trọ khi học lên THCS. Năm 2018, khu nội trú dành cho học sinh người Đan Lai được xây dựng. Đồn biên phòng Môn Sơn đã thành lập tổ công tác giúp quản lý, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh khu nội trú.

Trung tá Hồ Đăng Thảo - Chính trị viên phó đồn biên phòng Môn Sơn - cho biết, đây là “ký túc xá vùng biên” đầu tiên ở tỉnh Nghệ An. Mỗi năm, đơn vị cử 3 cán bộ thường trú ở ký túc xá giúp đỡ học sinh người Đan Lai sớm làm quen, hòa nhập với cộng đồng; rèn luyện, nâng cao kỹ năng sống cho các em. Đồng thời kết nối với các nhà hảo tâm nâng cao chất lượng bữa ăn, điều kiện sinh hoạt cho học sinh.

Không còn học sinh bỏ học giữa chừng

Tộc người Đan Lai chỉ có khoảng 3.000 người, trong đó hơn 1.000 người sống biệt lập trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát ở bản Cò Phạt và bản Búng (xã Môn Sơn). Tình trạng nghèo đói, lạc hậu và đặc biệt là hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống khiến giống nòi người Đan Lai đứng trên bờ vực suy thoái.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thắm nói rằng, để học sinh Đan Lai có thể học tốt, tiếp cận với kiến thức khoa học kỹ thuật bên ngoài, trước hết cần phải thay đổi nhận thức, loại bỏ hủ tục lạc hậu. Do đó, anh thường kể chuyện hoặc lấy ví dụ về khó khăn của những học sinh lấy chồng sớm hay chuyện sinh con bị dị tật do lấy chồng cận huyết thống để khuyên bảo các em. Từ đó, chính các em là tuyên truyền viên tích cực cho gia đình, dòng họ xóa bỏ hủ tục lạc hậu, ngăn ngừa nguy cơ tuyệt chủng về giống nòi.

Hơn 3 năm gắn bó với những đứa “con nuôi” người Đan Lai, vị thiếu tá đã nhìn thấy những đổi thay. Niềm tin về con chữ để thay đổi cuộc đời của những đứa trẻ sống giữa rừng này ngày càng vững chắc. Tình trạng học sinh bỏ học vì tảo hôn không còn, các hủ tục lạc hậu cũng đang dần được xóa bỏ.

Ông Nguyễn Văn Vỹ - Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn - cho biết, “ký túc xá vùng biên” rất thiết thực, tạo điều kiện cho học sinh nghèo vùng biên giới được đến trường, nâng cao chất lượng học tập, tạo môi trường rèn luyện và phát triển toàn diện cho các em. Đây cũng là giải pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng bỏ học.

“Được ăn ngon, ngủ ấm, các chú bộ đội quan tâm, hướng dẫn học bài nên các em không còn bỏ học giữa chừng, kết quả học tập được nâng cao. Nhiều em đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện” - ông nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI