“Con cứ ở nhà, để mẹ đến phụ giúp bên nhà bác Tính. Rảnh thì học bài hoặc nằm nghỉ, đến khi nào nấu cúng xong xuôi mẹ gọi con”. Chỉ mong có thế, đứa con gái 18 tuổi của thím Dung nằm ườn ở nhà xem ti vi.
Cứ đến ngày giỗ quan trọng của đại gia đình là chị em, dâu rể, con cháu tập trung tại nhà bác Tính để lo việc. Bao giờ, mẹ con thím Dung cũng có mặt khi mọi thứ đã sẵn sàng dọn ra đĩa. Mọi người có than phiền thì thím cười phân bua rằng bận việc này việc nọ.
Dạo này, đến dịp cúng giỗ thím Dung có mặt sớm hơn chút xíu nhưng luôn đi một mình, đợi lúc xong xuôi mới điện thoại gọi con gái đến. Khi cả nhà ăn xong, thím lại giấm giúi bảo con gái yêu về trước giữ nhà kẻo… trộm, để lại một “chiến trường” bát đĩa cho những đứa cháu khác dọn dẹp.
Hồi nhỏ, bé Giang - con gái thím - vẫn còn siêng năng “việc chú bác”. Vậy mà, với sự “tập huấn” của thím thì Giang cũng lười dần. Vì một lẽ đơn giản: “Sao phải làm vất vả trong khi có thể tìm cớ thoái thác?”
Càng lớn, bé Giang càng xinh xắn, dễ thương. Vì thế, mặc dù nhà còn chật vật chuyện cơm áo gạo tiền nhưng chưa bao giờ thím để cho con phải chân lấm tay bùn. Giang như bông hoa được chú thím nâng niu, chiều chuộng và tìm cách đào tạo để được lọt vào mắt xanh một gia đình giàu có nào đó.
Ở quê, các chú các bác sống gần nhau nên thường xuyên ghé nhà chơi hoặc đến cho nhau mớ rau, con cá. Trong một dịp thím Dung đến thăm nhà bác Tính, thấy có mấy cậu sinh viên là bạn thân của con bác từ thành phố ra chơi, một lúc sau thì thấy bé Giang xuất hiện. Thì ra, thím đã gọi bé đến tự lúc nào.
Tối đó, thím bảo bé Giang cứ ở lại phụ giúp bác Tính nấu ăn, còn mình về trước. Trong đám thanh niên ấy, thím liếc qua là biết cậu nào đang chú ý đến con mình.
“Hoa thơm thì phải bày ra cho thiên hạ ngắm chứ giấu kỹ quá rồi cũng đến ngày héo úa, tàn lụi”. Đó là câu thím hay cười nói vu vơ với mọi người. Mà kể cũng khéo, bình thường bé Giang hay tìm cách tránh việc nhưng hôm đó thì làm luôn chân luôn tay, ai bảo gì cũng “dạ” ngọt ngào, ăn xong lại còn lúi húi xuống bếp rửa sạch đống bát đĩa ngổn ngang. Bác Tính trêu: “Có đứa thích làm người lớn rồi đây!”.
 |
Người mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho con (Ảnh minh họa) |
Từ những lần thím làm “cầu nối”, bé Giang được nhiều chàng trai để ý đến. Trong số đó, thím chấm ngay một anh chàng con nhà đại gia có tiếng ở thành phố. Với cái mác con nhà giàu ấy, chàng sinh viên kia được thím tạo mọi điều kiện để tiếp cận con gái mình.
Bé Giang được bố mẹ bật đèn xanh nên càng thoải mái hẹn hò với anh chàng ấy. Cứ cuối tuần là cậu ta chạy xe đến thăm Giang, mang theo vài món quà đắt tiền, ở chơi một hai hôm thì trở lại thành phố. Thỉnh thoảng, cậu ta còn chở bé Giang vào thành phố hay đi dự sinh nhật một vài người bạn.
Chuyện bé Giang lan truyền nhanh trong xóm. Người thì khen thím tốt số nhắm được chàng rể danh giá, người lại cười thầm trong bụng “tham giàu như thế thì chỉ làm hỏng con cái”. Dù người ta có dị nghị gì, thím cũng mặc kệ, cuối tuần nào cũng sẵn sàng một nồi lẩu to tướng để đón tiếp anh chàng thành phố.
Giờ đã là giai đoạn nước rút để những học sinh lớp 12 cày bừa chuẩn bị cho kì thi quan trọng sắp tới. Nhớ đến lời hứa của chàng rể tương lai, rằng với thế lực của gia đình cậu thì chắc chắn sẽ lo được việc cho bé Giang khi ra trường, thế nên thím hướng cho con gái thi vào đúng trường mà anh chàng kia đang là sinh viên năm nhất.
Mọi thứ đang có vẻ đi đúng quỹ đạo thím vạch sẵn. Nhưng chưa được bao lâu thì những cuộc thăm hỏi của chàng sinh viên thưa dần. Lý do thì mỗi tuần mỗi khác: bận ôn thi học kì, bận cắm trại, bận chăm sóc mẹ bị ốm… Hàng xóm lại đặt miệng, xì xầm: “Dạo này sao không thấy sinh viên đại gia ra chơi?”
Thấy bé Giang úp mặt khóc ướt hết cả gối, thím giận sôi: “Con đừng buồn, để đó mẹ lo”. Thế rồi, thím thủ thỉ với người này là bé Giang không thích anh chàng kia nên đòi chia tay, tâm sự với người kia là muốn rút lui để cho bé Giang tập trung vào việc học.
Đợi đến khi con gái nguôi ngoai đôi phần, thím hồ hởi: “Hôm trước có anh Trường con bác Dũng cứ hỏi con xoắn xuýt. Nhà bác ấy cũng được lắm. Người ta hẹn tuần sau đến chơi, con nhớ ở nhà đấy”. Bé Giang nghe lời mẹ, vui vẻ tìm mua một bộ váy mới để dành cho cuộc hẹn.
Chẳng biết, rồi những cuộc hẹn ấy sẽ đi đến đâu. Chỉ biết rằng, chúng tôi đều lo lối sống thực dụng đang dần khiến Giang mất đi những giá trị tốt đẹp mà người con gái cần gìn giữ.
Hoài Vũ