Thương lượng hợp đồng tiền hôn nhân

12/05/2025 - 18:00

PNO - Yêu em và chuẩn bị tiến tới hôn nhân, bạn trai em cũng cần hiểu về gia đình vợ tương lai để xác định chỗ đứng và tâm thế của mình.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em 26 tuổi, có người yêu và mong muốn làm đám cưới. Chúng em yêu nhau hơn 2 năm rồi. Năm ngoái, khi nghe chuyện, ba mẹ nói em hãy để thêm 1 năm nữa coi sao. Năm nay, ba mẹ cũng nói vậy. Em biết lý do chính là vì nhà em kinh tế mạnh còn bạn trai em xuất thân từ gia đình bình thường, ba mẹ anh đã nghỉ hưu. Dù gia đình anh không giàu nhưng em rất quý 2 bác. 2 bác cũng mong chúng em cưới nhau.

Ba mẹ em nói rằng nếu em đã lựa chọn chắc chắn và nhất định cưới thì cả hai phải làm hợp đồng tiền hôn nhân. Ba em là giám đốc một công ty lớn, tính tình nghiêm khắc, quyết đoán. Trước đây, anh trai em cũng yêu một người không được ba mẹ đồng ý. Hồi đó, ba em nóng hơn bây giờ nhiều, bảo anh trai em: “Theo ý ba hoặc là ra đường ở”. Anh trai em ­­chọn “ra đường”, thuê nhà ở với bạn gái tới bây giờ.

Em biết yêu cầu hợp đồng tiền hôn nhân của ba đã là một bước nhượng bộ, nhưng đối với bạn trai em, đó có lẽ là một cú sốc. Mấy hôm nay em cố gắng thuyết phục ba mẹ nhưng khó quá. Chị nghĩ em có nên nói chuyện này với bạn trai? Có cách nào để anh ấy chấp nhận?

Thiên Kim (TPHCM)

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet


Em Thiên Kim thân mến,

Các bậc cha mẹ thường thực tế hơn con cái và bao giờ cũng lo con mình còn trẻ dại. Từng trải qua nhiều khó khăn trên đường đời nên cha mẹ luôn mong muốn bảo bọc con, dự liệu và phòng tránh những rủi ro trong tương lai có thể khiến con mình đau khổ. Mong muốn của ba em về việc ký hợp đồng tiền hôn nhân có thể được nhìn theo hướng tích cực như vậy. Nhưng rất có thể, với cách đặt vấn đề quyết đoán của ba em, bạn trai em sẽ bị tổn thương, có cảm giác mình bị coi thường, ở “kèo dưới”, không được gia đình vợ tin tưởng. Kiểu gì đi nữa, chuyện này cũng sẽ làm cả hai em không vui.

Em nên chủ động dẫn dắt chuyện này. Thời gian yêu nhau là thời gian tìm hiểu nhau về cả tình cảm, gia đình 2 bên và dự tính tương lai. Hãy tâm sự với bạn trai, kể cho anh ấy nghe chuyện của anh trai em. Yêu em và chuẩn bị tiến tới hôn nhân, bạn trai em cũng cần hiểu về gia đình vợ tương lai để xác định chỗ đứng và tâm thế của mình.

Cả hai em nên nhìn nhận theo hướng tích cực: 2 em yêu nhau và sẽ chứng minh cho ba mẹ thấy 2 em hạnh phúc vì tình yêu đó, rằng những lo lắng của ba mẹ sẽ không xảy ra. Chống đối quyết liệt rồi ra đi như anh trai em chưa hẳn là phương án tối ưu. Trước mắt, việc chấp nhận ký hợp đồng tiền hôn nhân là để 2 em được ba mẹ đồng ý cho tổ chức đám cưới, để ngày vui được diễn ra một cách trọn vẹn.

Em sẽ là người biết trước những nội dung quan trọng trong hợp đồng đó. Hãy hỏi ba em về nội dung hợp đồng. Có thể đó là việc liên quan đến tài sản, đến quyền thừa kế. Khi biết các nội dung trên, em có thể nói chuyện với bạn trai để anh ấy quen với “hợp đồng” này và thấy rằng cần chứng tỏ tình yêu của anh không liên quan đến tiền bạc của nhà vợ tương lai. Hợp đồng được ký kết chỉ giữa 2 em nên nếu không cần thiết thì không cần thông báo rộng rãi.

Cũng như các loại hợp đồng khác, hợp đồng tiền hôn nhân cần được thương lượng và có sự đồng thuận của 2 bên. Em hãy để chồng chưa cưới có ý kiến, đưa vào hợp đồng các điều khoản anh ấy mong muốn để anh ấy khẳng định được thế chủ động, quyền thương lượng của mình. Nếu em khéo léo, hài hước và kiên nhẫn, biết đâu quá trình thương lượng tiền hôn nhân sẽ là một trải nghiệm đáng giá, giúp cả hai hiểu đúng giá trị của tình yêu và hôn nhân.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI