Vụ rơi máy bay Indonesia: Làm rõ chuyện máy bay ‘không bay được’ trước khi cất cánh

29/11/2018 - 21:39

PNO - Việc điều tra nguyên nhân máy bay của hãng hàng không Lion Air gặp nạn tiếp tục hé mở những tình tiết khiến dư luận chú ý và bức xúc vì trách nhiệm của các bên liên quan.

Vu roi may bay Indonesia: Lam ro chuyen may bay ‘khong bay duoc’ truoc khi cat canh
 

Ngày 28/11, chính quyền Indonesia công bố kết quả điều tra sơ bộ trong buổi họp báo chính thức. Một số báo khẳng định họ dẫn lời từ các chuyên gia tham gia quá trình điều tra, trong đó đề cập đến việc máy bay có vẻ như trong trạng thái “không thể bay được”. 

Điều đó có nghĩa là ngay trước thời điểm cất cánh, máy bay được đánh giá là không thể bay. Vì thông tin nhạy cảm này, các quan chức Indonesia ngày 29/11 đã phải lên tiếng làm rõ với cánh phóng viên. 

Thông tin liên quan tới khả năng bay của chiếc Boeing 737 MAX8 gặp nạn đang được cho là mấu chốt để giải đáp câu hỏi vì sao máy bay rơi. Hiện nay, mọi sự quan tâm đều đổ dồn về vấn đề kỹ thuật của chiếc Boeing 737 MAX8 chỉ mới đưa vào sử dụng 2 tháng đã gặp nạn.

Đồng thời, dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến quy trình an toàn bay. Tất cả 189 người có mặt trên chuyến bay đã tử nạn. 

Các chuyên gia điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (NTSC) dựa theo dữ liệu từ hộp đen để phân tích. Họ nói rằng hộp đen ghi âm buồng lái hiện vẫn chưa tìm thấy và cần dữ liệu này để biết chính xác chuyện gì đã xảy ra trong 11 phút, khi tất cả 189 người phải đối diện với cái chết. 

Tại buổi làm việc với báo giới ngày 29/11, điều tra viên Nurcahyo Utomo nói: “NTSC cũng như các bên liên quan chưa bao giờ cung cấp thông tin rằng chiếc máy bay Boeing 737 MAX8 với số đăng ký PK-LQP của hãng hàng không Lion Air không thể bay".

Trong cuộc họp báo ngày 28/11, chính điều tra viên này nói rằng trong 6 chuyến bay trước đó thì có 4 chuyến máy bay có vấn đề kỹ thuật. Với chuyến bay gần cuối, các phi công đã nỗ lực hết sức ngăn ảnh hưởng từ hệ thống an toàn tự động khi cảm biến trục trặc, khiến máy bay chúi mũi. 

Nurcahyo Utomo cho biết thông tin được củng cố nhờ nhật ký bảo trì, các kỹ sư hàng không cũng đã kiểm tra và khắc phục, sau đó có xác nhận máy bay có thể bay được bình thường.

Trong khi đó, điều tra viên Ony Suryo Wibowo nói rằng có những quy trình đặc biệt để xác định một chiếc máy bay có vấn đề gì hay không. Theo quy định, kỹ sư hàng không là người xác nhận máy bay trong tình trạng bay được hay không. Cơ trưởng là người ra quyết định cuối cùng về việc hủy chuyến hay tiếp tục bay, dựa trên nhật ký bảo trì. 

Các nhà điều tra đang cố gắng tiếp cận thông tin về quyết định của cơ trưởng chuyến bay này. 

Minh Khôi (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI